Thượng Hải 'chủ quan', người dân chết thảm

Ít nhất 36 người đã bị giẫm đạp hoặc ngạt thở cho đến chết trong một vụ giẫm đạp kinh hoàng xảy ra trước sự bất lực của lực lượng quản lý an ninh, khiến chính quyền Thượng Hải sốc vì trước nay họ vẫn tự hào về khả năng quản lý an ninh đô thị một cách chuyên nghiệp. Trong khi công tác điều tra vẫn đang được tiến hành, các nhân chứng hiện trường và các phương tiện truyền thông quốc gia đã chỉ ra một chuỗi các sai lầm của cơ quan chức năng thành phố dẫn đến hệ lụy bi kịch giẫm đạp do “ngoài tầm kiểm soát” của cảnh sát.

Lực lượng an ninh quá mỏng

Hãng tin AP dẫn lời nhiều nhân chứng có mặt tại hiện trường vụ thảm kịch giẫm đạp đêm 31-12-2014 tại bến Thượng Hải nhận định “tai nạn” xảy ra là hệ quả của hàng loạt sai lầm nối đuôi nhau từ phía cơ quan quản lý trật tự an toàn xã hội Thượng Hải. Vào ngày hội chào đón năm mới 2013, Thượng Hải đã cắt cử khoảng 6.000 cảnh sát, chưa kể sự hỗ trợ từ phía quân đội để quản lý kiểm soát đám đông “hùng hậu” 300.000 người tràn ngập khắp quảng trường, phía trước con sông Hoàng Phố đón chào thời khắc giao thừa. Theo giới truyền thông, lực lượng cảnh sát tiến hành ngăn chặn các làn sóng người dân kéo nhau đến các bục cao để nhìn ra phía sông, đồng thời đóng cửa các trạm tàu điện ngầm gần nhất để kiềm chế đám đông.

Tuy nhiên, vào đêm 31-12 vừa qua, các cơ quan truyền thông Trung Quốc cho biết dù đã có dự báo rất nhiều người kéo nhau đến chứng kiến thời khắc “ấn nút giao thừa 2015”, tuy nhiên chỉ có 700 cảnh sát được cử đến quản lý và không hề có sự kiểm soát giao thông. Người dân tự do đi lại, lên và xuống các bậc thang dẫn đến các bục cao nhìn ra sông. Các trạm xe điện ngầm gần nhất vẫn hoạt động bình thường khiến lượng người kéo đến ngày một đông vượt tầm kiểm soát. Lực lượng cán bộ tuần tra Thượng Hải cũng thừa nhận sự “xuống cấp” về phía lực lượng cảnh sát có mặt tại hiện trường hôm xảy ra tai họa. Sĩ quan tuần tra Wang Qiang nói với giới truyền thông rằng “sự kiện không hề có lịch trình. Hoạt động kiểm soát giao thông cũng không đảm bảo”. Dù sau đó 500 cảnh sát được tăng cường nhưng đã quá muộn.

Người thân nạn nhân trong vụ giẫm đạp khiến ít nhất 36 người chết tại Thượng Hải đêm giao thừa 2015. Ảnh: AP

Một người bán hàng rong tại khu vực xảy ra tai họa cho biết ngày hôm sau, khi vụ giẫm đạp đã tàn cuộc, lực lượng chức năng gồm hàng ngàn cảnh sát, nhân viên quân sự đã xuất hiện tràn ngập tại bến Thượng Hải, trải dài khắp một con đường thương mại lân cận. “Nếu họ ở đây vào tối hôm qua thì vụ hỗn loạn đáng tiếc này đã không thể xảy ra” - vị này so sánh.

Người dân thiếu thông tin

Ba năm liên tục Thượng Hải đứng ra tổ chức ngày hội đón năm mới với một đêm trình diễn hoành tráng trước và trong thời khắc đón giao thừa. Tuy nhiên, năm nay Thượng Hải đã hủy bỏ chương trình biểu diễn bởi nỗi lo về tình hình bất ổn sau các vụ tấn công khủng bố bằng mã tấu, bom khiến hàng trăm người thiệt mạng. Thay vào đó, chính quyền địa phương quyết định tổ chức một màn trình diễn ánh sáng nhỏ cho khoảng 2.000 người tại một khu vực không phải bến Thượng Hải, yêu cầu người tham dự phải mua vé.

Tạp chí tin tức tài chính Caixin nhận định giới truyền thông Thượng Hải đã có thông báo đến người dân về chương trình biểu diễn ánh sáng nhỏ vài ngày trước khi sự kiện diễn ra, tuy nhiên không cung cấp nhiều thông tin. Chưa kể truyền thông còn thổi phồng quy mô của chương trình. Thông tin địa điểm diễn ra sự kiện không rõ ràng khiến người dân nhầm lẫn, đua nhau kéo đến bến Thượng Hải.

Một người dân đặt vấn đề: “Các vị đã hủy bỏ đêm diễn ánh sáng thường niên nhưng đã thông báo đến người dân chưa?”. Sĩ quan tuần tra Wang Qiang cho rằng nhiều người đã hỏi “đêm trình diễn ánh sáng truyền thống có diễn ra hay không?” Mãi đến khoảng 23 giờ 20 - 40 phút trước giao thừa, các đám đông đã “quá cỡ”, ngành chức năng mới nhắc chương trình biểu diễn ánh sáng hằng năm ở bờ sông đã bị hủy bỏ.

Không có phương án dự phòng

Một người cha có con gái thiệt mạng sau thảm kịch bức xúc: “Khi mọi người lũ lượt kéo đến bến Thượng Hải khiến đám đông gia tăng đột biến, cơ quan chức năng đã có biện pháp dự phòng đảm bảo an toàn cho người dân chưa? Ngành chức năng ở đâu trong suốt thời gian đám đông tăng lên rất nhanh? Các ngành chức năng đã thiếu trách nhiệm trầm trọng trong việc kiểm soát an ninh”.

Đồng tình với nhận định trên, Zhao Chu - một bình luận viên độc lập nhận định rằng: “Đêm trình diễn ánh sáng đón mừng năm mới được xem là truyền thống của TP Thượng Hải và người Trung Quốc ai cũng biết rõ điều này. Chính phủ lẽ ra đã phải dự tính trước sự khủng khiếp của đám đông đêm hôm ấy. Điều đó sẽ giúp thành phố tránh khỏi sự cố đáng tiếc xảy ra”.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Liu Tiemin (Học viện Khoa học và Công nghệ an toàn Trung Quốc) đã phát biểu trên tờ Tân Hoa Xã rằng việc quản lý một đám đông lớn như vậy đòi hỏi ngành chức năng phải tách “làn sóng người” thành từng khối nhỏ hơn, ít hỗn loạn hơn và phải làm mọi cách để đảm bảo đám đông di chuyển theo một hướng. Thực tế không một yêu cầu nào nói trên được TP Thượng Hải đảm bảo.

Cấm báo chí phỏng vấn người thân nạn nhân

Hãng tin FT cho biết chính quyền Thượng Hải đã triển khai các giải pháp ngăn chặn sự chỉ trích của công chúng về vai trò của ngành chức năng trong vụ giẫm đạp. Theo đó, các cuộc phỏng vấn của báo chí với người thân của nạn nhân bị cấm. Chỉ cho phép đăng báo các hình ảnh đã được kiểm duyệt. Các cuộc thảo luận trên cộng đồng mạng đã bị dừng lại. Những bài viết chỉ trích bị gỡ bỏ. Tác giả đăng tải bài viết chỉ trích bị cảnh sát gọi đến thẩm vấn.

Xuống đường đòi thi thể người gặp nạn

Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng đưa tin nhiều người dân Trung Quốc có người thân gặp nạn trong vụ giẫm đạp đêm giao thừa tại Thượng Hải đã yêu cầu chính quyền phải trả thi thể nạn nhân về với người thân. Hiện đám đông tụ tập bên ngoài cổng tòa nhà chính quyền TP Thượng Hải phản đối việc “chỉ có thi thể người nước ngoài được hoàn trả về gia đình”. Nhiều thi thể nạn nhân vẫn bị giữ lại tại nhà tang lễ để điều tra, trong khi thi thể của hai người nước ngoài đã được chuyển về nhà.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm