Thượng đỉnh Nga - Mỹ: Cuộc gặp 'thực dụng cho lợi ích hai quốc gia'

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 16-6 (giờ địa phương) trong bối cảnh quan hệ hai nước ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Hội nghị kéo dài khoảng 3 tiếng. Phiên họp kín đầu tiên giữa hai tổng thống và hai ngoại trưởng kéo dài 93 phút. Sau 45 phút giải lao, phái đoàn hai nước bước vào phiên họp mở rộng khoảng 65 phút rồi kết thúc. Ông Putin và ông Biden họp báo riêng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái)
gặp nhau tại TP Geneva (Thụy Sĩ) ngày 16-6. Ảnh: AP

Cùng thừa nhận cần thiết phải hợp tác

Họp báo sau thượng đỉnh, ông Biden nhận xét sự kiện diễn ra tương đối thành công và mang tính xây dựng. Hai bên đã tìm được “ngôn ngữ chung” và chứng minh được rằng Moscow và Washington có thể ngồi trên bàn đàm phán để nói chuyện hòa bình thay vì cứ liên tục đe dọa lẫn nhau.

“Ông Putin và tôi có chung trách nhiệm quản lý mối quan hệ giữa hai quốc gia hùng mạnh và đáng tự hào này. Chúng tôi sẽ có thể hợp tác ở những lĩnh vực có lợi ích chung. Đối với những vấn đề có sự khác biệt, tôi đã trao đổi để ông Putin hiểu là tại sao tôi nói những gì tôi cần nói, làm những gì tôi nên làm và cách chúng tôi sẽ phản ứng với những kiểu hành động gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ” - đài CNN dẫn lời ông Biden.

Còn ông Putin thì nhận xét thẳng thắn hơn là thượng đỉnh nên được xem là một cuộc trao đổi “thực dụng cho lợi ích hai quốc gia” hơn là “mang tính bạn bè”. Ông cũng dành lời khen cho ông Bidden là một nhà lãnh đạo có năng lực và nhiều kinh nghiệm.

Theo hãng tin Reuters, tại hội nghị, hai lãnh đạo đã thẳng thắn trao đổi nhiều bất đồng trong quan hệ Nga - Mỹ cũng như các vấn đề tầm quốc tế lẫn khu vực mà hai nước cùng quan tâm. Trọng tâm là tìm điểm giao nhau về mặt lợi ích để Moscow và Washington có thể hợp tác cùng giải quyết trong hòa bình.

Về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân, Tổng thống Putin cho biết Nga và Mỹ cùng chia sẻ trách nhiệm về sự ổn định hạt nhân. Thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục đàm phán về những thay đổi có thể xảy ra đối với Hiệp ước Cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) vừa được gia hạn đến năm 2026. Hai lãnh đạo cũng thông qua Tuyên bố chung Nga - Mỹ về ổn định chiến lược nhằm ngăn chặn kịch bản chiến tranh hạt nhân nổ ra.

Ông Biden và ông Putin đồng ý tiếp nhận lại đại sứ của nhau. Hiện cả đại sứ Nga ở Mỹ Anatoly Antonov và đại sứ Mỹ ở Nga John Sullivan đều không có mặt ở nước mình nhận nhiệm vụ. Cả hai được triệu hồi về nước vào đầu năm nay sau khi ông Biden trừng phạt Nga với cáo buộc nước này tấn công mạng nhằm vào Mỹ.

Vẫn chưa thể gỡ hết gai góc

Một bất đồng lớn chưa thể giải quyết là chuyện Mỹ cáo buộc Nga tổ chức tấn công mạng nhằm vào mình. Tại hội nghị, ông Putin tiếp tục phủ nhận mọi cáo buộc và nhấn mạnh đã cung cấp tất cả dữ liệu cần thiết về các cuộc tấn công cho Mỹ điều tra. Kết quả khả quan nhất là hai lãnh đạo thống nhất sẽ tham vấn lẫn nhau dựa trên khuôn khổ hiểu biết chung rằng tấn công mạng nhằm vào các cơ sở hạ tầng chủ chốt cần được xem là vấn đề nghiêm trọng đối với cả hai nước.

“Các cơ sở hạ tầng quan trọng nên được xem là vùng cấm đối với tấn công mạng và bất kỳ phương thức tấn công nào khác. Tôi đã đưa ra cho họ một danh sách gồm 16 thực thể được định nghĩa là cơ sở hạ tầng chủ chốt theo chính sách của Mỹ, từ lĩnh vực năng lượng cho tới các hệ thống cấp nước. Chúng tôi cũng đã nhất trí giao nhiệm vụ cho chuyên gia ở mỗi nước đưa ra hiểu biết cụ thể về việc đâu là vùng cấm và cách thức xử lý những vụ tấn công xuất phát từ các quốc gia khác hoặc từ một trong hai nước” - ông Biden cho biết.

Việc Moscow bắt giữ nhân vật đối lập Alexei Navalny và kéo quân áp sát biên giới Ukraine gần đây cũng là các “vật cản” với quan hệ hai bên. Ông Putin gần như bác bỏ hoàn toàn mọi cáo buộc từ phía ông Biden rằng Nga là bên cố tình khơi mào căng thẳng. Ông Putin nhấn mạnh ông Navalny cố tình không chấp hành luật pháp Nga và đã biết rõ số phận của mình khi quay về Nga từ Đức. Còn việc tập trung ở biên giới với Ukraine do chính quyền Kiev đã vi phạm các điều khoản thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine nên Moscow buộc phải hành động can thiệp.

Cần thêm nhiều cuộc gặp cấp cao

Theo Reuters, kết quả thượng đỉnh Nga - Mỹ lần này đúng như dự đoán của giới chuyên gia: Chưa đột phá mà chủ yếu là để hai bên có cơ sở tổ chức thêm nhiều cuộc gặp cấp cao khác với nội dung cụ thể hơn.

Giới chức hai nước trên thực tế cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm hạ thấp kỳ vọng trước khi cuộc gặp diễn ra. Trả lời tờ The Washington Post, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jeanne Shaheen làm rõ cuộc gặp chỉ nhằm truyền thông điệp rằng Mỹ sẽ không làm ngơ các “hành vi khiêu khích” của Nga. Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa thì lại chỉ trích cuộc gặp thượng đỉnh lần này diễn ra quá sớm khi các điều kiện chính trị chưa chín muồi. Theo các nghị sĩ này, ông Biden đã nhượng bộ không cần thiết ông Putin thay vì các động thái cứng rắn nên có.

Dù vậy, trả lời đài CNBC, chuyên gia Tom Block thuộc công ty phân tích thị trường Fundstrat (Mỹ) nhận xét cuộc gặp tuy không đạt được nhiều kết quả quá nổi bật nhưng có lợi về mặt hình ảnh cho một tân tổng thống như ông Biden. Theo ông, “cuộc gặp củng cố hình ảnh một chính trị gia và một nhà lãnh đạo lão luyện cho ông Biden khi phải đối mặt với ông Putin - người đã gặp rất nhiều đời tổng thống Mỹ”. Và “ông Biden cần sự tích cực đó để củng cố sự ủng hộ trong nước” - ông Block nhận định.•

Nhiều hãng truyền thông quốc tế đưa tin rằng ông Biden trực tiếp mời ông Putin đến thăm Nhà Trắng trong năm nay. Tuy nhiên, họp báo sau cuộc gặp ông Putin bác bỏ thông tin này. Giới quan sát cũng đồng ý là việc ông Putin thăm Mỹ là chuyện khó xảy ra bởi hai nước chưa giảm được căng thẳng. 

Ông Trump bình luận  về thượng đỉnh Nga - Mỹ

Trả lời phỏng vấn đài Fox News ngày 17-6, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ đã diễn ra khá thành công nhưng kết quả lại có lợi cho Moscow, trong khi đó Washington gần như “tay trắng” ra về.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta không đạt được bất cứ mục tiêu nào. Đó là một sự kiện tốt đẹp cho Nga còn tôi không hiểu Mỹ đã mang về được gì” - ông Trump nói.

Trước thượng đỉnh ở Geneva, ông Trump từng khuyên ông Biden nên tỉnh táo trong cuộc gặp với ông Putin.

Theo Fox News, việc tổ chức các cuộc họp báo riêng biệt trong thượng đỉnh năm nay đã cho thấy sự kiện diễn ra không tốt đẹp, ít nhất là so với hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Putin ở thủ đô Helsinki (Phần Lan). Tại buổi họp báo chung ở Phần Lan lúc đó, ông Putin đã tận tay tặng ông Trump một quả bóng đá. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm