Thượng đỉnh Mỹ-Triều gặp thách thức lớn

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol sau khi đến New York đã xúc tiến ngay cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, bàn về tương lai chương trình hạt nhân Triều Tiên cũng như khả năng tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Cuộc gặp kéo dài hai ngày liền

Cuộc gặp diễn ra vào lúc 7 giờ tối 30-5 (giờ Mỹ, tức 6 giờ sáng 31-5 giờ Việt Nam) và kéo dài cả ngày 31-5 (giờ Mỹ). Theo Yonhap, tối 30-5, hai ông Kim và Pompeo đã gặp nhau ăn tối và trao đổi khoảng 90 phút tại căn nhà của phó đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc ở Manhattan, sau đó rời đi, không trả lời báo chí chờ bên ngoài.

Theo Yonhap, khả năng lớn ông Kim có mang theo một lá thư riêng của lãnh đạo Kim chuyển đến Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chiều 30-5, trước khi lên đường đi New York, ông Pompeo đã gặp ông Trump bàn chuyện gặp ông Kim.

Cuộc gặp giữa ông Kim và ông Pompeo là một trong ba nhánh gặp giữa các phái đoàn Mỹ và Triều Tiên chuẩn bị thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Tại Singapore, cuộc gặp giữa hai phái đoàn Mỹ-Triều bàn chuyện hậu cần thượng đỉnh vẫn đang diễn ra. Phái đoàn Mỹ do Đại sứ Sung Kim dẫn đầu quyết định sẽ đối thoại thêm với phía Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm một lần nữa. Hai bên đã gặp nhau hai lần, một vào ngày 27-5 và một vào ngày 30-5.

Dù Nhà Trắng ngày 30-5 đánh giá cuộc gặp ở Bàn Môn Điếm diễn ra tốt đẹp nhưng Yonhap dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết tiến trình thương lượng về nội dung sẽ bàn đến trong thượng đỉnh Mỹ-Triều vẫn tiến triển rất chậm. Hai vấn đề chính, định nghĩa thế nào là giải trừ hạt nhân Triều Tiên và cả hai hành động cùng lúc hay riêng rẽ, vẫn chưa được thống nhất.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến địa điểm gặp Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol ở New York ngày  30-5. Ảnh: REUTERS

Khó thỏa hiệp

Mấy ngày qua, băn khoăn thượng đỉnh có thể xảy ra hay không đã che mờ đi vấn đề quan trọng hơn là liệu có đạt được thỏa thuận giải trừ hạt nhân nếu hai ông Trump và Kim gặp nhau, và nếu có thì thỏa thuận đó sẽ thế nào. Trong một bài viết trên Foreign Affairs, nhà ngoại giao Mỹ Joseph Jun, từng là đại diện đặc biệt của Mỹ về chính sách Triều Tiên, nhận định đạt được một thỏa thuận thực chất và thỏa mãn cả hai bên là một thách thức và phức tạp lớn.

Đến lúc này, không ai có thể nói chắc hai bên sẽ thống nhất được phương án giải trừ hạt nhân Triều Tiên khi hai bên có nhiều khác biệt. Mỹ muốn Triều Tiên giải trừ nhanh chóng, một lần, tránh khả năng Triều Tiên từ bỏ cam kết nửa chừng. Trong khi đó Triều Tiên lại muốn giải trừ từng giai đoạn và muốn Mỹ đảm bảo an ninh cho mình.

Cả hai ông Kim và Pompeo đều mong muốn có một thỏa thuận vừa thỏa mãn yêu cầu CVID của Mỹ (giải trừ hạt nhân toàn diện, có thể thẩm tra và không thể đảo ngược) vừa thỏa mãn yêu cầu CVIg của Triều Tiên (đảm bảo an ninh toàn diện, có thể thẩm tra và không thể đảo ngược).

Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ không nêu tên, thân cận với các cuộc đối thoại về vấn đề này cho biết quan điểm của Mỹ vẫn là Triều Tiên phải đồng ý giải trừ hạt nhân hoàn toàn trước khi nhận được bất kỳ hỗ trợ tài chính nào từ phía Mỹ. Trong khi đó, quan điểm của Triều Tiên khi đến đối thoại với ông Pompeo ở New York là chỉ cần nước này cam kết giải trừ hạt nhân thì Mỹ phải dỡ bỏ bớt áp lực kinh tế cho mình.

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon ngày 30-5 thừa nhận các khác biệt giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn “quá lớn” và sẽ không dễ thỏa hiệp, tuy nhiên hy vọng cũng không nhỏ khi cả hai lãnh đạo Mỹ-Triều đều rất mong đợi mục tiêu này.

Làm sao giải trừ hạt nhân?

Một diễn biến đáng chú ý, Asahi Shimbun ngày 31-5 dẫn lời một người Triều Tiên bỏ sang Nhật nói về một đoạn video ghi lại cảnh lãnh đạo Kim rơi lệ vì không thể cải thiện kinh tế đất nước. Người này cho biết có thông tin này từ một nguồn tin Triều Tiên.

Đoạn video này lan truyền trong hàng ngũ quan chức cấp cao Triều Tiên, và theo lời người đào ngũ này, đoạn video có thể nhằm thuyết phục quan chức Triều Tiên chấp nhận kết quả thượng đỉnh với Mỹ sắp tới. Thông tin này nếu là sự thật là dấu hiệu cho thấy lãnh đạo Kim chân thành trong thương lượng với Mỹ và là tín hiệu tích cực với khả năng có được thỏa thuận.

Trường hợp có được thỏa thuận, nhiều nhà quan sát cũng không lạc quan khả năng nước này sẽ giải trừ hạt nhân chỉ sau lần gặp thượng đỉnh này. Theo bà Lindsey Ford, từng hoạch định chính sách châu Á tại Bộ Quốc phòng Mỹ, thậm chí với Iran, nước chưa sở hữu vũ khí hạt nhân như Triều Tiên, Mỹ cũng không thể làm được điều này.

Theo chuyên gia Joel Wit, cựu quan chức ngoại giao Mỹ phụ trách thực hiện hiệp ước hạt nhân 1994 với Triều Tiên, người sáng lập trang web 38 North chuyên đưa tin về Triều Tiên, bước đầu tiên trong nỗ lực giải trừ hạt nhân nên là di dời các yếu tố hạt nhân chủ chốt ra khỏi Triều Tiên. Đó là vũ khí hạt nhân, vật liệu sản xuất vũ khí hạt nhân. Bước tiếp theo là phải giải quyết các cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, phát triển, sản xuất vũ khí hạt nhân, chưa kể các nhà khoa học hạt nhân Triều Tiên mà theo ước tính của ông là khoảng 10.000 người. Và theo các chuyên gia, di dời bộ não hạt nhân khỏi Triều Tiên khó khăn hơn nhiều di dời vũ khí hạt nhân. Vì vậy, sẽ không thể giải trừ được hạt nhân Triều Tiên nếu không có sự hợp tác triệt để từ nước này.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều chỉ là điểm bắt đầu tiến trình dài giải trừ hạt nhân với rất nhiều thách thức.

Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc CHO MYOUNG-GYON

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm