Thượng đỉnh 'Bộ tứ kim cương': Nóng vấn đề Trung Quốc

Ngày 12-3, lãnh đạo nhóm “Bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD gồm Úc, Mỹ, Nhật, Ấn Độ) trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên đã thảo luận về việc Trung Quốc gây hấn và gây sức ép đối với các thành viên của nhóm, báo South China Morning Post đưa tin.

Nội dung thượng đỉnh "nóng" vấn đề Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison đã có cuộc họp trực tuyến qua màn hình lớn. Các lãnh đạo thảo luận về việc Trung Quốc áp lệnh trừng phạt đối với các sản phẩm của Úc, tăng cường hoạt động xung quanh quần đảo Senkaku của Nhật và gây hấn tại biên giới Ấn Độ ”, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết trong một cuộc họp báo tại Washington sau cuộc hội đàm.

Nhóm QUAD đã phát triển trong hơn một thập niên, nhưng cuộc họp thieiwjnh đỉnh hôm 12-3 là cuộc họp đầu tiên ở cấp lãnh đạo và diễn ra khi cả bốn quốc gia đều nhận thấy quan hệ của nước mình với Trung Quốc xấu đi.

Tại cuộc họp, nhóm này kêu gọi khu vực gìn giữ các giá trị dân chủ, lấy tự do hàng hải và hàng không là các mục tiêu chính, đồng thời tránh mọi liên quan trực tiếp đến Trung Quốc.

"Chúng ta đang đổi mới cam kết của mình để đảm bảo rằng khu vực của chúng ta được điều chỉnh vì luật pháp quốc tế, cam kết duy trì các giá trị phổ quát và không bị ép buộc. Một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở là điều cần thiết" - Tổng thống Joe Biden nói tại cuộc họp.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga kêu gọi cả bốn nước "hành động mạnh mẽ để hướng tới việc hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời đóng góp rõ ràng cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực, bao gồm cả việc khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19".

Lãnh đạo nhóm Bộ tứ kim cương gồm Thủ tướng Úc Scott Morrison, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: AP

Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng hội nghị thượng đỉnh đánh dấu "một bình minh mới ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

“Với tư cách là bốn nhà lãnh đạo của các nền dân chủ tự do lớn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mối quan hệ đối tác của chúng ta có thể là động lực thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực của chúng ta” - ông Morrison nói: 

Thủ tướng Narendra Modi cho biết Bộ tứ kim cương sẽ là "một lực lượng vì lợi ích toàn cầu."

"QUAD đã đến tuổi trưởng thành. Giờ đây, nó sẽ vẫn là một trụ cột quan trọng của sự ổn định trong khu vực" - ông Modi nói.

Phối hợp phân phối vaccine COVID-19

Tại cuộc họp, các lãnh đạo cũng đã thỏa thuận về “QUAD vaccine Partnership”, một chương trình cung cấp tài chính và các hỗ trợ khác để sản xuất và phân phối vaccine COVID-19. Động thái này diễn ra khi Washington đang phải đối mặt với những lời chỉ trích về việc tích trữ số lượng lớn vaccine cho nước mình.

"Chúng ta đang khởi động một quan hệ đối tác chung mới đầy tham vọng nhằm thúc đẩy sản xuất vaccine COVID-19, vì lợi ích toàn cầu và tăng cường tiêm chủng để mang lại lợi ích cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" - ông Biden nói thêm.

Phía Mỹ cho biết sáng kiến này sẽ sản xuất tới một tỉ liều vaccine COVID-19 vào năm 2022, khi thế giới tìm cách để khôi phục lại mọi thứ sau một năm bị đại dịch COVID-19 tàn phá.

Kế hoạch này sẽ chứng kiến trung tâm dược phẩm Ấn Độ sản xuất vaccine đơn liều của hãng dược Johnson & Johnson (Mỹ), với sự hỗ trợ tài chính từ Nhật và Úc chịu trách nhiệm vận chuyển.

Các quan chức Mỹ cho biết trọng tâm sẽ là khu vực Đông Nam Á trong thời điểm Trung Quốc đang muốn biến mình thành một người chữa bệnh toàn cầu khi nước này tăng cường phân phối vaccine COVID-19 cho các nước khác.

Một màn hình ở Tokyo, Nhật hiển thị cuộc họp trực tuyến của các lãnh đạo “Bộ tứ kim cương” vào hôm 12-3. Ảnh: AFP

Hiện nay, Trung Quốc đã vận chuyển vaccine đến tận Cộng hòa Dominica và cung cấp vaccine cho các đối tác quốc tế như Pakistan và Zimbabwe.

Sau cuộc họp thượng đỉnh, nhóm đã đưa ra tuyên bố chung, trong đó khẳng định rằng nhóm sẽ mang đến những quan điểm đa dạng, thống nhất trong một tầm nhìn chung vì Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, vì một khu vực hòa nhập, lành mạnh, được neo giữ với các giá trị dân chủ và không bị hạn chế vì sự ép buộc. 

“Chúng tôi ủng hộ pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi sẽ tiếp tục ưu tiên vai trò của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt những điều được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)” - tuyên bố chung của nhóm nêu rõ.

Nhóm cũng cam kết hợp tác chống tác động của biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận khí hậu Paris; hướng tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên và tìm cách khôi phục nền dân chủ ở Myanmar.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2007, lãnh đạo của Bộ tứ kim cương họp. Gần đây, các cuộc họp của QUAD đều diễn ra ở cấp thấp hơn, một phần vì lo ngại các phản ứng từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, đã có các chỉ dấu cho thấy Bộ Tứ đang hướng tới tập hợp sức mạnh kinh tế để đối chọi Bắc Kinh bên cạnh sức mạnh quân sự.

Trong khi đó, truyền thông nhà nước và giới học giả Trung Quốc từ lâu đã xem QUAD là một tập hợp quân sự nhằm kiềm chế nước này.

“Nhóm QUAD không phải là một liên minh của các quốc gia cùng chí hướng như Mỹ tuyên bố. Ba quốc gia khác phải đối mặt với sự bối rối giữa áp lực từ Mỹ và lợi ích của chính họ với Trung Quốc" - tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho biết.

Dự kiến cuộc gặp trực tiếp của bốn nhà lãnh đạo sẽ diễn ra vào cuối năm 2021.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm