Thuốc đặc trị COVID-19: Bắt đầu nóng cuộc đua đặt hàng dù thuốc chưa xuất hiện

Hãng tin Reuters mới đây cho biết Liên minh châu Âu (EU) vừa ký thành công hợp đồng với hãng dược GlaxoSmithKline (Anh) để đặt trước 220.000 liều thuốc đặc trị COVID-19 Sotrovimab dạng tiêm dùng công nghệ kháng thể đơn dòng do hãng này phối hợp với Công ty công nghệ sinh học Vir Biotechnology (Mỹ) nghiên cứu. GlaxoSmithKline cũng đã ra thông báo xác nhận hợp đồng với EU.

Kháng thể đơn dòng là các kháng thể nhân tạo được tạo ra trong môi trường thí nghiệm với chức năng tương tự các kháng thể tự nhiên, được đưa vào trong cơ thể để chống lại mầm bệnh. Nó không tiêu diệt được virus nhưng hạn chế virus nhân lên. Thuốc Sotrovimab đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ để điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ và trung bình nhưng có nguy cơ chuyển nặng cao.

 Nếu tham khảo giá ở một số nước chuẩn bị mở bán thì có thể thấy mức giá này vẫn còn khá cao, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển. Chẳng hạn, thuốc Casirivimab/Imdevimab được bán tại Ấn Độ với giá trung bình dự kiến là 800 USD/liều và 1.600 USD cho gói hai liều, theo Reuters.

Nhiều ứng viên thuốc đặc trị COVID-19 tiềm năng

Trước đó hồi tháng 4, EU cũng từng ký hợp đồng khác với hãng dược Roche (Thụy Sĩ) đặt mua 55.000 liều thuốc trị COVID-19 Ronapreve dạng tiêm tĩnh mạch cũng dùng kháng thể đơn dòng do Roche phối hợp với hãng dược Regeneron (Mỹ) phát triển. Ronapreve gần đây cũng được Nhật cấp phép sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ và trung bình.

Roche và Regeneron ngoài ra cũng đang nghiên cứu một loại thuốc trị COVID-19 dùng kháng thể đơn dòng khác là Casirivimab/Imdevimab. Dù thuốc chưa chạm tới mức độ hoàn thiện để đưa ra thị trường như Ronapreve song các kết quả thử nghiệm đến nay cho thấy Casirivimab/Imdevimab có thể giảm đáng kể khả năng lây bệnh đối với người chưa bị nhiễm và rút ngắn thời gian hồi phục đối với bệnh nhân có biểu lộ triệu chứng.

Hiện đã có Ấn Độ, Mỹ, Thụy Sĩ và Nhật cấp phép sử dụng khẩn cấp Casirivimab/Imdevimab, còn EU và Pháp đang đánh giá để cân nhắc. Casirivimab/Imdevimab cũng từng được dùng để điều trị COVID-19 cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm ngoái.

Chuyên viên nghiên cứu của hãng dược Mỹ Regeneron tại một phòng thí nghiệm ở bang Nevada hồi tháng 4. Ảnh: NBC

Ngoài EU, Bộ Y tế Mỹ hồi tháng 6 từng thông báo xác nhận Washington sẵn sàng chi 1,2 tỉ USD để mua khoảng 1,7 triệu liều thuốc trị COVID-19 Molnupiravir dạng uống do hai hãng dược trong nước là Merck và Ridgeback Biotherapeutics phát triển, nếu thuốc được cấp phép.

Tại Ấn Độ cũng đã có năm hãng dược là Cipla, Dr Reddy’s Laboratories, Sun Pharmaceutical Industries và Torrent Pharmaceuticals ký hợp đồng đối tác với Merck để thử nghiệm Molnupiravir cho các bệnh nhân COVID-19 ở nước này. Các công ty ký hợp đồng với Merck hồi tháng 3 và tháng 4 để sản xuất, dự kiến sẽ cung cấp loại thuốc này cho thị trường Ấn Độ cùng hơn 100 nước có thu nhập thấp và trung bình khác.

Hiện Molnupiravir đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với các bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ hoặc vừa. Thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 cho thấy thuốc có hiệu quả 100% trên các bệnh nhân COVID-19. Sau năm ngày sử dụng, lượng virus trong cơ thể bệnh nhân giảm xuống dưới mức có thể lây lan cho người khác.

Ngoài các loại thuốc được nghiên cứu chuyên trị cho COVID-19 thì vẫn có thể ứng dụng thêm các loại thuốc chữa các bệnh khác vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Tờ The Times of Israel cho hay các nhà khoa học thuộc ĐH Hebrew (Israel) mới đây thông báo đã tìm ra được hai loại thuốc có sẵn trên thị trường, có triển vọng tốt trong điều trị bệnh nhân COVID-19, đó là Darapladib - chuyên điều trị chứng xơ vữa động mạch và Flumatinib - thuốc điều trị ung thư.

Đặt mua sớm - lợi cả hai bên

Tương tự việc đặt mua từ rất sớm các loại vaccine khi chúng còn đang trong quá trình thử nghiệm hồi năm ngoái, việc đặt trước thuốc trị COVID-19 nhằm đảm bảo nguồn cung kịp thời và ổn định. Trả lời chuyên san khoa học The BMJ, Chủ tịch Quỹ bảo trợ khoa học Wellcome Trust (Anh) Alex Harris cho biết việc đặt mua trước đảm bảo quyền tiếp cận với những lô vaccine và thuốc trị đầu tiên cho bên mua, trong khi góp phần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu cho bên phát triển.

Hồi năm ngoái, Anh là một trong những nước sớm nhất đặt mua khoảng 340 triệu liều vaccine COVID-19 của sáu hãng dược gồm AstraZeneca (Anh - Thụy Điển), Janssen (Bỉ), Pfizer/BioNTech (Mỹ - Đức), GSK/Sanofi Pasteur (Anh - Pháp), Novavax (Mỹ) và Valneva (Pháp). Sở dĩ Anh đặt mua nhiều hơn gấp nhiều lần dân số trong nước bởi ở thời điểm mua, nước này chỉ có niềm tin vào khả năng nghiên cứu của hãng dược chứ cũng không dự đoán vaccine nào sẽ hiệu quả và ra đời trước. Do vậy, thay vì mạo hiểm đặt vaccine của chỉ một hãng dược thì Anh đặt cược vào nhiều ứng viên. Mỹ, Canada hoặc EU cũng có chiến lược tương tự.

“Các nước hiểu rằng nếu không có khoản đầu tư trả trước, các nhà sản xuất sẽ không dám mạo hiểm. Họ sẽ rất thận trọng và đợi đến khi có tất cả dữ liệu về an toàn và hiệu quả, cũng như được cơ quan quản lý chấp thuận thì mới đầu tư sản xuất để giảm thiểu rủi ro hết mức có thể. Lúc đó, thời gian từ nghiên cứu đến sản xuất sẽ bị kéo dài và nguồn cung ban đầu cũng rất hạn chế” - ông Harris cho hay.

Cho đến nay, việc phát triển vaccine COVID-19 gần như đã hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, thế giới vẫn cần đẩy mạnh phát triển thuốc điều trị để bảo vệ những người đã tiêm nhưng không hiệu quả hoặc không thể tiêm do bệnh lý đặc thù. Trong bối cảnh nhiều khu vực đang bùng lại dịch với mức độ nghiêm trọng thì các hợp đồng mua trước như vậy càng giúp các công ty tự tin nghiên cứu hơn và thuốc đến tay bệnh nhân sớm hơn.•

 

Sau thành công đột phá của vaccine ngừa COVID-19, hãng dược Mỹ Pfizer hiện tập trung chuyển hướng sang nghiên cứu thuốc trị. Hãng này hồi tuần trước thông báo đã tập hợp một số nhà khoa học và nhà hóa học hàng đầu để xác định phương pháp điều trị tiềm năng nhất chống lại COVID-19, đài CNN cho biết. Pfizer đặt mục tiêu sản xuất thêm loại thuốc có thể ngăn chặn sự lây nhiễm với giá thành dễ chịu và phổ biến để ai cũng có thể tự chữa COVID-19 tại nhà.

Pfizer cũng nhấn mạnh những thách thức trong việc phát triển phương pháp điều trị thông qua đường uống. Không giống vaccine chỉ cần kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể, thuốc kháng virus hiệu quả phải ngăn chặn được virus lây lan khắp cơ thể, đồng thời tránh tác động đến các tế bào khỏe mạnh. Giám đốc điều hành Pfizer - ông Albert Bourla cho biết hãng có thể xin cấp phép sử dụng khẩn cấp viên uống trị COVID-19 do hãng nghiên cứu tại Mỹ sớm nhất là vào cuối năm nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm