Thực trạng thất nghiệp trong cộng đồng người Việt

Thực trạng thất nghiệp trong cộng đồng người Việt ảnh 1
Cabramatta - khu vực tập trung đông người Việt nhất tại Sydney. Ảnh: Bayvut.com

Hoàn cảnh hình thành cộng đồng người Việt tại Úc không giống một số cộng đồng như Hy Lạp, Ý, Hàn Quốc. Đến Úc từ một đất nước nghèo khó, họ chủ yếu là những người tị nạn và sau đó là những người đi theo diện đoàn tụ gia đình với hai bàn tay trắng, không biết tiếng Anh và thiếu kỹ năng làm việc.

Cách đây 17 năm, chị Hương cùng chồng và đứa con hai tuổi rời Việt Nam đến Úc. Bảy tháng sau khi đặt chân đến Melbourne, chồng chị qua đời, một mình chị phải bươn chải nuôi con mà không có lấy một người thân bên cạnh. Bản thân sức khoẻ yếu, lại phải chăm sóc con nhỏ nên chị Hương chủ yếu sống bằng tiền trợ cấp của chính phủ. Chị cũng đi làm nhưng lúc được lúc không.

Giờ khi con đã lớn, chị bắt đầu tham gia các khoá học tiếng Anh, vi tính tại một trung tâm cộng đồng nơi chị đang sống. Chị bảo rằng đi học để hiểu những người xung quanh nói gì, vả lại nhân viên tư vấn tại nơi chị ở cũng khuyên chị nên ra ngoài nhiều thì có lợi cho sức khoẻ hơn.

Chị Hương cũng muốn tìm việc làm, tuy nhiên chị không tin tưởng lắm vào điều này.

Chị kể: "Hai mẹ con đã từng đi xin việc tại một cửa hàng. Người chủ tưởng rằng con chị đi xin việc nên đồng ý nhận ngay. Đến khi con trai chị bảo rằng xin việc cho mẹ thì người chủ từ chối ngay. Họ bảo cần người trẻ và nói tiếng Anh lưu loát. Mà cũng đúng thôi, nếu chị là chủ thì chị cũng sẽ như vậy".

Tỉ lệ thất nghiệp cao

Năm 2001, Chính phủ Úc đã tiến hành một cuộc điều tra dân số đối với bốn nhóm cộng đồng tại Úc gồm Anh, New Zealand, Ý và Việt Nam (người Úc gốc Việt - sinh ra ở Việt Nam). Kết quả cho thấy cộng đồng người Việt có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất so với các nhóm còn lại - 18%. Con số này cũng được xem là cao so với các nhóm cộng đồng khác ở Úc. Đến năm 2006, tỉ lệ này đã giảm xuống còn 11,4%. Tuy vậy, con số này vẫn được đánh giá là cao. Trong số 84.150 người Úc gốc Việt được tuyển dụng, có đến 21,8% người làm những công việc không đòi hỏi kỹ năng lao động nhiều, được xếp vào nhóm Skill Level 1. Người Việt chủ yếu làm việc trong các ngành may mặc, chế biến, sản xuất, xây dựng và tiểu thương.

Một trong những lý do chính của tình trạng này là tiếng Anh kém. Theo thống kê năm 2006, có đến 43,3% người Việt nói tiếng Anh kém hoặc không thể nói tiếng Anh. Bên cạnh vấn đề rào cản ngôn ngữ, thiếu kỹ năng làm việc cũng là một trong những nguyên dân dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp cao trong cộng đồng người Việt.

Ông Bùi Nam, chuyên gia tư vấn lao động của công ty Sarina Russo tại Melbourne, cho biết: "Tuy thiếu tiếng Anh và không có kinh nghiệm làm việc tại Úc để có thể hoà vào thị trường lao động chính mạch nhưng người Việt, đặc biệt là nhóm tuổi trung niên, đã phát huy sức mạnh truyền thống văn hoá Việt Nam là cần cù, chịu khó, cố gắng chấp nhận mọi khổ cực vì tương lai con cái và cuộc sống gia đình. Nếu không nhờ những yếu tố này thì có lẽ tỉ lệ thất nghiệp không chỉ dừng lại ở con số 18% hay 11,4% mà có khi lên đến mức 30-40%".

Nỗ lực của bản thân và sự trợ giúp của xã hội

Do tiếng Anh kém mà có nhiều người Việt không thể tìm được việc làm. Chính vì vậy mà họ mới tìm đến sự giúp đỡ tại các trung tâm tư vấn việc làm. Thế nhưng cơ hội này càng trở nên hạn hẹp khi có rất ít các nhân viên tư vấn lao động có khả năng nói tiếng Việt, có kinh nghiệm và sự hiểu biết để giúp đỡ người Việt thất nghiệp lâu năm từng bước tìm được việc làm bằng cách tham gia các khoá học tiếng Anh, đào tạo nghề từ bước sơ cấp...

Ông Nam cho biết: "Mỗi công ty tư vấn lao động phải có trung bình ba nhân viên tư vấn người Việt. Nếu giả sử có khoảng 1.000 công ty trong lĩnh vực này trên toàn nước Úc thì cộng đồng chúng ta cần phải đào tạo đến hơn 4.000 nhân viên tư vấn. Thế nhưng trên thực tế, số nhân viên có chuyên môn trong ngành nghề này chỉ có khoảng vài trăm người".

Ngay cả các tổ chức cộng đồng hay cơ quan đại diện người Việt cũng ít quan tâm đến các chương trình đào tạo nghề trực tiếp cho người Việt tại Úc mà nguyên nhân có lẽ vì thiếu nguồn tài trợ từ chính phủ hoặc do các tổ chức này không có chức năng về hỗ trợ tìm việc làm.

Trước khi nhận được sự trợ giúp từ xã hội, bản thân người Việt cần làm gì để vượt qua những khó khăn khi tìm việc và hội nhập vào xã hội Úc? "Người lao động nên đặt mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cho bản thân. Trước mắt, họ có thể tham gia các khoá học tiếng Anh ngắn hạn để có đủ khả năng căn bản tìm việc và giao tiếp, đồng thời phải thực tập nói tiếng Anh ở mọi nơi để xây dựng sự tự tin cho mình, xem xét các công việc ở nơi mình ở xem có việc làm nào thích hợp hay không, tham gia tích cực vào những công việc thiện nguyện để có thêm kinh nghiệm về một số công việc đơn giản, tích cực đi tìm việc và nộp đơn xin việc làm đều đặn cho đến khi thành công. Về lâu dài, người lao động nên quyết định vài ngành nghề thích hợp với mình và lên kế hoạch học nghề ấy, có thể kết hợp vừa đi học vừa đi làm. Quan trọng nhất là bạn phải giữ vững niềm tin vào tương lai" - ông Nam tư vấn.

Theo Lao Động

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm