Thủ tướng Malaysia: Dịch COVID-19 hết, sẽ tổ chức bầu cử

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin thông báo rằng cuộc tổng tuyển cử ở nước này chỉ có thể diễn ra sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc, kênh tin Channel News Asia cho hay.

Ngày 28-11, ông Muhyiddin cho biết "khi COVID-19 kết thúc, chúng ta sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử. Chúng tôi sẽ giao lại quyền lực cho người dân và để họ tự chọn chính phủ mà họ muốn".

Tuyên bố của Thủ tướng Muhyiddin được đưa ra trong bối cảnh liên minh cầm quyền của ông vốn không mấy áp đảo so với các đảng đối lập lại gặp nhiều thách thức trong nội bộ và từ các đối thủ chính trị

Các nhân viên y tế ở TP Klang, bang Selangor (Malaysia) lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho các công nhân ở địa phương. Ảnh: REUTERS

Hôm 26-11, quốc hội Malaysia đã bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch ngân sách năm 2021, bất chấp chỉ trích từ lực lượng đối lập và một số đồng minh của ông Muhyiddin. Kết quả này được coi như chiến thắng của liên minh cầm quyền trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.

Bất đồng chính trị tạm lắng ở Malaysia

"Một số người cảm thấy ngân sách năm 2021 nên bị bác bỏ để buộc phải tổ chức tổng tuyển cử. Không cần thiết phải làm như vậy" - ông Muhyiddin nói.

Ông Muhyiddin giải thích rằng ông đã nghĩ tới chuyện khuyên Quốc vương Malaysia giải tán quốc hội để tổ chức tổng tuyển cử sớm nhưng lý do ngăn cản cuộc bầu cử chính là đại dịch COVID-19.

Chính quyền Kuala Lumpur đề xuất ngân sách 322,5 tỉ ringgit (khoảng 79 tỉ USD). Đây là mức đề xuất cao nhất từ trước đến nay ở Malaysia.

Các đảng đối lập yêu cầu phải bổ sung nhiều điều khoản để kiểm soát việc chi tiêu khoản tiền khổng lồ trên, bao gồm yêu cầu gia hạn chương trình hoãn trả nợ vay vốn ngân hàng để hỗ trợ người dân giữa bối cảnh đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Muhyiddin tuyên bố sẽ xem xét kỹ lưỡng các yêu cầu của phe đối lập, bày tỏ "thái độ cởi mở trong việc tiếp nhận bất kỳ quan điểm, lời khiển trách và chỉ trích nào".

Từ tuần sau cho đến ngày 15-12, kế hoạch ngân sách này sẽ tiếp tục được thảo luận chi tiết. Ông Muhyiddin kỳ vọng khoản ngân sách này sẽ là "chất xúc tác cho những nỗ lực cải thiện đời sự nhân dân".

Liên minh cầm quyền của ông Muhyiddin tự tin về kết quả bầu cử

Ông Muhyiddin nhấn mạnh rằng ông hiểu người dân đã chán ngấy sự đấu đá chính trị kéo dài và người dân Malaysia "muốn được các nhà lãnh đạo chính trị giúp đỡ chứ không phải liên tục tranh giành quyền lực". 

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin vui mừng sau khi kế hoạch ngân sách năm 2021 được quốc hội ủng hộ. Ảnh: REUTERS

Về cơ hội giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc, ông Muhyiddin tự tin rằng Liên minh Quốc gia (PN) của mình sẽ được người dân ủng hộ.

Ông cho biết liên minh cầm quyền đang xem xét đơn xin gia nhập của các đảng phái chính trị bên ngoài để đưa PN trở thành "liên minh chính trị quốc gia và đại diện cho lợi ích của tất cả người dân Malaysia.

COVID-19 ở Malaysia nghiêm trọng với làn sóng lây nhiễm thứ ba

Theo thông báo của Bộ Y tế Malaysia, tính tới hết ngày 28-11, nước này đã phát hiện tổng cộng 63.176 ca nhiễm COVID-19. Riêng trong ngày 28-11, Malaysia ghi nhận 1.315 ca nhiễm (gồm năm ca nhiễm bệnh trước khi nhập cảnh vào Malaysia). Malaysia là ổ dịch lớn thứ tư trong khu vực Đông Nam Á.

Giới chức Malaysia cho rằng nước này đang đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ ba. Số ca nhiễm mới mỗi ngày cao hơn nhiều so với hai làn sóng dịch trước, đã có lúc tăng lên tới 2.188 (ngày 24-10).

Theo Channel News Asia, tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở Malaysia đang là 354, bao gồm bốn trường hợp chưa được Bộ Y tế Malaysia cập nhật trong thống kê chính thức.

Trong số bốn ca tử vong mới nhất, một trường hợp là bé gái bốn tuổi ở bang Sabah. Từ ngày 6-10, Sabah luôn là bang có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất cả nước và hiện nay, số ca nhiễm ở đây đã gấp đôi ổ dịch lớn thứ hai của Malaysia (bang Selangor).

Hôm 27-11, ông Muhyiddin đã công bố hợp đồng mua vaccine ngừa COVID-19 do công ty dược phẩm Pfizer (Mỹ) và công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) hợp tác phát triển. Pfizer đã nộp hồ sơ xin cấp phép sử dụng vaccine này ở Mỹ và giới chức Mỹ đang lên kế hoạch thảo luận về giấy phép này.

Kuala Lumpur kỳ vọng với hợp đồng trên, cùng lượng vaccine do chương trình COVAX (do Tổ chức Y tế thế giới điều phối), 30% người dân Malaysia sẽ được tiêm ngừa COVID-19 trong năm 2021. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm