Thư từ Đức sau vụ xả súng: Tại sao bất ổn kéo dài?

Những tờ báo nổi tiếng nhất nước Đức đồng loạt dẫn lời nhân chứng trong vụ xả súng tại München (Đức) cho biết tay súng Ali Sonboly, 18 tuổi gốc Iran, đã hét lên thất thanh “Allahu Akbar” (Đấng tối cao vĩ đại) khi xuống tay hạ sát 10 người và khiến hàng chục người khác bị thương. 

Có một điểm lạ đó là sau khi thét lên “Allahu Akbar”, tay súng còn la lớn rằng y là người Đức, lớn lên ở Đức và lên tiếng mắng chửi những người Thổ Nhĩ Kỳ. Không giống như nhiều vụ xả súng khác, cảnh sát cho biết dù tay súng này theo Hồi giáo nhưng không có liên quan đến Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Báo chí Đức dẫn lại một đoạn Video cho thấy Ali Sonboly thừa nhận mình bị ức hiếp trong suốt nhiều năm qua.

Vụ xả súng mở ra thêm một góc nhìn mới về những rủi to an ninh của Đức nói riêng và châu Âu nói chung liên quan việc hòa nhập xã hội của người nhập cư. Bài toán này tạo ra ba luồng áp lực lên đất nước của “những cỗ xe tăng”: va chạm giữa những người nhập cư; giữa người nhập cư với người Đức; và giữa người Đức với nhau (về việc mở cửa cho người tị nạn).

Tại hiện trường, nhiều người Đức đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân. Họ không quên đặt bên cạnh một tấm bảng viết một câu hỏi sắc bén: "Tại sao?" (Warum?)

Câu hỏi: "Warum?" (Tại sao?) không chỉ đặt tại hiện trường vụ xả súng, mà còn đặt lên vai của chính quyền Đức thời gian tới phải giải quyết. Ảnh: sueddeutsche.de

Thách thức hòa nhập xã hội

Nhìn lại thống kê của Liên Hợp Quốc, xu hướng vượt biển đến châu Âu có giảm kể từ sau khi đạt đỉnh điểm với con số hơn 200.000 người chỉ tính riêng tháng 10-2015. Dù vậy, xã hội Đức dường như đang bảo hòa khi nước này đã nhận hơn một triệu người tị nạn nhập cư. Hầu hết người nhập cư đến từ Syria, Afghanistan, Iraq,... vốn có đông tín đồ Hồi giáo, lại là những quốc gia kém phát triển về kinh tế, hạn chế về giáo dục, “lục đục” về an ninh, luôn xảy ra xung đột mỗi ngày mỗi giờ.

Thế nên khi họ đến Đức, sau khi cược tính mạng với những con sóng dữ trên Địa Trung Hải, với nền tảng nhận thức thấp, càng có lý do cho nhiều người nhập cư sống theo kiểu không còn gì để mất, phấn khích quá đà khi đặt chân đến vùng đất mới. Họ không chỉ mang theo những mâu thuẫn nội bộ của họ (ví dụ sự đối đầu thế kỷ giữa người Hồi giáo dòng Sunni và dòng Shia); mà còn tạo ra cả những mâu thuẫn mới (giữa văn hóa của người nhập cư và người bản xứ).

Ví dụ, cùng là người theo Hồi giáo, nhưng người Đức theo đạo Hồi có phong cách giao tiếp, văn hóa ứng xử, cách hòa nhập cộng đồng, cách đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng khác hơn so với rất nhiều người nhập cư theo Hồi giáo. Vậy là, không chỉ mâu thuẫn ý thức hệ tôn giáo, xã hội Đức còn gặp phải mâu thuẫn về văn hóa ứng xử và hòa nhập cộng đồng.

Tình trạng bất ổn an ninh ngày càng tăng tai Đức. Ảnh: sueddeutsche.de

Người Đức đã phải mở ra hàng ngàn trường học và các chương trình phát triển xã hội cho người nhập cư hòa nhập vào văn hóa phương Tây, hạn chế những “cú sốc văn hóa” cho cả người nhập cư lẫn người bản xứ. Họ phải dạy người nhập cư luật pháp, cách nói chuyện với mọi người xung quanh, giao tiếp với cảnh sát, ứng xử với phụ nữ và sử dụng những cơ sở hạ tầng tại Đức.

Tuy nhiên, không phải người nhập cư nào cũng (chịu) hòa nhập. Bất chấp việc giáo dục hòa nhập cộng đồng, các vụ bê bối từ đầu năm 2016, bao gồm cả vụ tấn công tình dục kinh hoàng đêm giao thừa và các vụ xả súng, cho thấy sự bất đối xứng trong nhận thức của người nhập cư với quy chuẩn của nước Đức.

Không phải đa phần trong số hàng triệu người nhập cư tổ chức những vụ bê bối này, nhưng bấy nhiêu cũng đủ để người Đức ngán ngẫm, ám ảnh, phản ứng lại sự hiện diện của người nhập cư bất chấp lòng bao dung của họ có lớn đến đâu.

Và sự đụng độ giữa các nền văn hóa

“Một con sâu làm rầu nồi canh”, một vài vụ bê bối dẫu do thiểu số người nhập cư thực hiện cũng tạo ra phản ứng tâm lý phân biệt đối xử và kỳ thị trong lòng không ít người dân Đức. Làn sóng phản đối người nhập cư, chống lại người nhập cư tại Đức dâng mỗi lúc một cao.

Ali Sonboly, được cho là đã sống ở Đức ít nhất 2 năm, khi xả súng đã thét lên “tôi là người Đức” và lên tiếng mắng chửi người Thổ Nhĩ Kỳ, cáo buộc nhiều người đã ức hiếp mình, thừa nhận gặp khó khăn về quyền và phúc lợi xã hội. Điều đó cho thấy góc khuất khác của bức tranh nhập cư, rằng không phải ai cũng thực sự được chào đón và có cơ hội được hòa nhập vào cộng đồng người Đức sau hàng loạt vụ bê bối.

Cũng phải nói thêm một chút về người Thổ Nhĩ Kỳ ở nước Đức. Sau thất bại nặng nề ở Thế chiến thứ hai, công cuộc tái thiết đất nước của Đức có dấu ấn mạnh của người Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện có khoảng hơn 3 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức, và hơn một phần ba trong số đó có quốc tịch Đức – con số lớn nhất trong số người nhập cư. Ngay như dàn cầu thủ tuyển bóng đá Đức cũng có sự hiện diện của đông người gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài chuyện người Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ phức tạp trong vấn đề Hồi giáo, thì ngay cả người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ cũng có văn hóa sống khác với người Đức bản xứ. Người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ồn ào hơn, dễ kích động hơn, thích nổi bật, thậm chí phong cách phục vụ tại một số điểm công sở cũng có phần “khó chịu” hơn người Đức. Vụ đảo chính bất thành tại ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến hàng ngàn người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường biểu tình. Báo chí quốc tế gọi đây là “những ngòi nổ” trong lòng nước Đức. Thế nên sự đụng độ giữa người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ và người nhập cư mới (nếu có) là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Nhiều người Đức chống lại làn sóng nhập cư. Ảnh: independant UK

Trong khi một bộ phận người nhập cư không hòa nhập được với văn hóa Đức, cố ý tạo dựng và gây ra những bất ổn xã hội tại đây thì ngược lại, một bộ phận không nhỏ người Đức vẫn chưa quen với sự hiện diện của người nhập cư.

Họ đang phân biệt đối xử, thậm chí tấn công lại những người nhập cư sau thời gian “ức chế” tâm lý. Đó là một minh chứng sống cho sự va chạm đổ máu giữa “hai nền văn minh”, vốn đã được lý thuyết hóa trong quyển sách “Sự đụng độ giữa các nền văn minh” của Samuel Huntington. 

Rủi ro những đội “chiến binh hiếu chiến”

Một đặc điểm khác cần nhìn vào con số hàng triệu người nhập cư ở Đức chính là cơ cấu độ tuổi và giới tính. Nếu nhìn trên bình diện châu Âu, có đến hơn 70% người nhập cư là thanh thiếu niên và những trẻ tuổi, trong đó điểm đáng nói chính là nam giới chiếm ưu thế tuyệt đối so với phụ nữ và trẻ em. Ở góc độ kinh tế, đây chính là gánh nặng của thị trường lao động khi họ có trình độ thấp. Còn ở góc độ an ninh - trật tự xã hội, cơ cấu độ tuổi và giới tính này mang đến những rủi ro vô cùng lớn.

Thứ nhất, độ tuổi trẻ em và thanh niên trong môi trường mới hoàn toàn về văn hóa rất dễ bị tổn thương. Sự lạ lẫm với mọi thứ xung quanh, nếu không được can thiệp kịp thời và đúng mức, sẽ dẫn đến những cú sốc tinh thần, điển hình như việc nam thanh niên 18 tuổi giết người hàng loạt trong tình trạng kích động mạnh. Các cú sốc tinh thần về văn hóa thường gây ra những hiểm họa bất ngờ hơn là sự kiện tích cực. Thậm chí, đây là đối tượng rất dễ bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia lực lượng IS chống lại nước Đức.

Rủi ro thanh niên nhập cư đầu quân IS. Ảnh: Getty Images

Thứ hai, nếu không giải quyết công ăn việc làm và giáo dục kịp thời, hàng trăm ngàn thanh niên nhập cư (đa phần theo Hồi giáo) có thể trở thành một “đội quân đáng sợ”, nhẹ thì trộm cướp, nặng thì khủng bố đầu quân theo IS. Đây chắc chắn sẽ là “món hời” mà IS và các lực lượng khủng bố khác tìm cách khai thác một cách triệt để. Nếu Đức mất kiểm soát, đây không phải là một cuộc di cư lánh nạn chiến tranh, mà rủi ro sẽ là một cuộc “di quân” để chiến tranh.

Tất cả những rủi ro và hệ lụy từ vấn đề nhập cư ngày càng đè nặng lên chính quyền Thủ tướng Merkel. Làn sóng phản đối vị Thủ Tướng được thế giới ca ngợi vì đã “chào đón người nhập cư” ngày càng tăng. Berlin chắc chắc sẽ phải bận rộn để giải quyết thách thức trong ngoài, dù Đức đã không mở cửa cho thêm người nhập cư nào trong thời gian tới nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm