Thư từ Đức: Ám ảnh khủng bố

Nước Đức lại “đổ máu”. Cảnh sát Đức thông báo trên Zeit.de  một thanh niên 18 tuổi gốc Iran đã tổ chức cuộc xả súng tại Trung tâm mua sắm Olympia (OEZ) ở TP München khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và gần 30 người người bị thương, có cả trẻ em.

Các tờ báo lớn nhất của Đức tràn ngập tin nóng về vụ xả súng, với những cái tít báo động đỏ theo kiểu “Way! Way! Hãy chạy vào bên trong” (lời cảnh sát), hay “München đóng cửa”. Nước Đức đang dần bước ra khỏi những ngày tháng bình yên.

Hoa tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng tại khu mua sắm Olympia. Ảnh: Johannes Simon/Seit.de

München được xem là một thành phố đẹp, yên bình với những khu thương mại đông đúc, những tuyến phố người dân đi dạo vào những buổi chiều với gió mát lạnh từ dòng sông Isar đầy thơ mộng.

Rất nhiều người đến Đức đều nghĩ đến München. Có kha khá số người Việt sống, học tập và làm việc ở đây. Nhiều người có tình cảm đặc biệt với thành phố nổi tiếng này của nước Đức, thế nên khi nghe vụ nổ súng, họ tiếc nuối quá khứ!

Sau vụ tấn công, các cửa hiệu, quán bar, trung tâm thương mại của München vốn đông đúc vào dịp cuối tuần sau những ngày làm việc vất vả nay đều được yêu cầu đóng cửa. Hệ thống giao thông công cộng trong khu vực phải tạm dừng hoạt động. Người dân xung quanh vùng nổ súng được thông báo nên ở trong nhà và hạn chế đến những đám đông.

Trông báo chí dẫn lời nhà chức trách thông báo mà cứ như đang xem phim hành động rằng một nhóm giang hồ đang tấn công một khu phố khiến hàng trăm căn nhà đồng loạt sập cửa trấn thủ.  

Khu vực xảy ra nổ súng ở München vẫn đang trong tầm kiểm soát của cảnh sát. Ảnh: Sven Hoppe/dpa

Bạn bè mình ở Việt Nam nhắn tin qua Facebook “tình hình bên đó sao? Mày thế nào? Nhớ cẩn thận nhé!”. Mình bảo: “Tao an toàn vì không gần vùng khủng bố”.

Nói là để trấn an mọi người thế thôi. Nước Đức hiện nay, trong mắt tôi, không biết chỗ nào thật sự an toàn tuyệt đối. Nhóm du học sinh chúng tôi có phần lo lắng, bởi vì “đất lạ” nên độ nhạy cảm về an toàn của chúng tôi cũng kém hơn người bản xứ. Và không thể lúc nào cũng xa lánh đám đông!

Tròn một tháng trước (23-6), một gã đeo mặt nạ tấn công một rạp phim ở Viernheim, cách nơi tôi sống (Mannheim) tầm chưa đến 20 cây số. Mới đây lại có vụ tấn công bằng rìu trên tàu công cộng, vụ tấn công ầm ĩ ở Berlin.

Những vụ nổi cộm này chưa đủ để mô tả những khối u nhọt đang âm ĩ trong lòng nước Đức, quốc gia đang vật vã trong vai trò “lãnh đạo” châu Âu và chịu nhiều áp lực từ khủng bố, nhập cư, bất ổn xã hội.

Rất khó cho người từ xa đến nhận ra đâu mới thật sự là người Đức, bởi đường phố tại nhiều nơi trên đất nước này rất đông người nhập cư. Vài chục năm có, vài năm có, mới năm ngoái và cả năm nay, thậm chí hôm nay.

Tuyên bố nước Đức mở cửa chào đón (đúng hơn là cứu trợ) người nhập cư nhiều nhất có thể của chính quyền bà Merkel năm trước có khiến nước Anh phẫn nộ (lấy cớ cho Brexit), nhưng trái lại tạo sức hút nam châm cực mạnh với người dân từ Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và nhiều quốc gia Trung Đông. Người ta kéo đến đây bằng “những con đường máu”, đánh cược mạng sống trên biển Địa Trung Hải mênh mông và hung hăng với hy vọng “trở thành người Đức”.

Xin phép không có ý kiến về việc chào đón người tị nạn nhập cư vốn vẫn đang tranh cãi quyết liệt giữa hai dòng quan điểm “nhân văn” và “thực dụng”. Nhưng dù thế nào cũng không thể lờ được những bất ổn thấy rõ.

Một người làm trong một tổ chức công của Đức (có trụ sở nhiều quốc gia) bày tỏ lo ngại rằng nước Đức phải mất hàng chục triệu euro để giải quyết riêng vấn đề nhập cư trong khi nền kinh tế nước này gặp nhiều khó khăn.

Người Đức phải xây dựng hàng trăm trường học để giúp người nhập cư hội nhập với văn hóa Đức. Nhiều ngành nghề Đức ngừng tiếp nhận người nước ngoài để ưu tiên giải quyết công ăn việc làm cho người nhập cư, bởi lo ngại rằng “nhàn cư vi bất thiện”.

Cảnh sát tập trung xử lý vụ nổ súng. Ảnh: dpa/Matthias Balk

Thế nhưng không phải người nhập cư nào cũng đối xử với vòng tay của Đức một cách công bằng. Họ nhận tiền trợ cấp và lòng bao dung của chính quyền bà Merkel một cách nhiệt tình nhưng họ trả lại bằng những hoài nghi, như vụ bê bối tấn công tình dục đáng sợ hồi đầu năm, hay các vụ khủng bố gần đây.

Các tuyến đường càng đông người nhập cư, sự nhếch nhác cũng hiện rõ, dù bản thân người Đức nổi tiếng với tính tự giác và kỷ luật cao. Từ lon bia, chai rượu, tàn thuốc trên lề đường; khạc nhổ làm ô uế trong nhà vệ sinh chung đến việc ăn to nói lớn, trốn tránh việc trả tiền khi đi tàu công cộng (Đức gần như không kiểm soát vé), hay thậm chí là xỉn say gây rối làm mất trật tự nơi sinh hoạt chung.

Cách đây hơn một tuần, tôi cùng nhóm bạn đi trên chuyến tàu về nhà ga trung tâm Mannheim. Một nhóm thanh niên da màu không nói tiếng Đức, say bí tỉ, lên tàu ầm ĩ. Họ mang loa và điện thoại, có cả những chai rượu đang uống dở. Họ bật nhạc inh ỏi như kiểu vũ trường và thay nhau nốc từng ngụm rượu, phá vỡ không khí yên tĩnh trên chuyến tàu đêm.

Mọi người tỏ thái độ khó chịu, nhóm thanh niên “mặc kệ”. Thậm chí họ còn khiêu khích một người đàn ông Đức đã lên tàu trước đó ngồi gần họ. Ông ấy chỉ biết cười nhạt, lắc đầu ngán ngẩm và tỏ ra bất lực khi bị vây quanh bởi những kẻ ăn to nói lớn, nhảy múa tưng bừng. 

Hình ảnh người đàn ông Đức vội vã xuống tàu như trút gánh nặng và thở phào; phía sau là cả một đoàn tàu đông người phải chịu trận một nhóm thanh niên nhập cư cho thấy phần nào sự khó khăn của nước Đức bây giờ: Khó bao quát và quản lý hết những bất ổn xã hội.

Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn trường học cũng khó có thể đưa hàng trăm ngàn người nhập cư đi vào nề nếp và biết trân trọng thành tựu mà người Đức xây dựng qua nhiều thế kỷ. 

Hơn cả những gì được mô tả trên mặt báo, nước Đức đang đối đầu với những khối u nhọt như vậy. Trông có vẻ nhỏ và bình thường nhưng nếu không kiểm soát, có khi lại hóa... quá hiểm nguy. 

Người Đức vẫn chiến đấu để bảo vệ những gì họ tạo dựng. Họ muốn được đi làm trong bình an, cuối tuần đi mua sắm, ăn uống, cắm trại, xem phim hay hòa nhạc cùng gia đình. Mong sao nước Đức sớm có những ngày bình yên!   

 

Theo Zeit.de, vụ nổ súng diễn ra tại Trung tâm mua sắm Olympia (Olympia-Einkaufszentrums (OEZ)) ở München. Cảnh sát được thông báo đến hiện trường lúc 17 giờ 50 phút chiều 22-7. Tại hiện trường, con đường Hanauer đã xảy ra vụ đấu súng giữa cảnh sát và nghi phạm. Tối cùng ngày, cảnh sát xác nhận có 10 người thiệt mạng bao gồm cả thanh niên. 26 người bị thương, bao gồm cả trẻ em, được đưa vào bệnh viện. 16 người trong số họ vẫn đang được cấp cứu, trong đó có 3 người đang trong tình trạng nguy kịch.

Cảnh sát trưởng München Hubertus Andrae sáng thứ Bảy (23-7) (giờ địa phương) tuyên bố đã kết thúc vụ đấu súng. Nghi phạm theo cảnh sát Đức thông báo là một nam thanh niên 18 tuổi gốc Iran. Nghi phạm được cho là đã tự sát. Động cơ thực hiện vụ xả súng của nghi phạm chưa được phía cảnh sát thông báo chi tiết, tuy nhiên cảnh sát cho biết chưa có bằng chứng cho thấy nghi phạm xả súng xuất phát từ động cơ liên quan Hồi giáo. Trước đó báo chí đưa tin có ba nghi phạm trong vụ tấn công nhưng cảnh sát khẳng định chỉ có một.

Cảnh sát đã thâm nhập vào một ngôi nhà ở khu phố Maxvorstadt nhưng vẫn chưa xác nhận đây là căn hộ của nghi phạm hay của ba mẹ hắn. Cảnh sát sẽ tiếp tục thông tin về cuộc điều tra vào trưa 23-7 (giờ địa phương).

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của cá nhân tác giả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm