Thủ hiến Catalonia đang ở đâu?

Trong diễn biến khủng hoảng chính trị Tây Ban Nha hiện tại xuất hiện câu hỏi: Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont đã ở đâu cuối tuần rồi, sau khi bị chính phủ trung ương sa thải vì Catalonia tuyên bố độc lập? Và số phận ông Puigdemont sẽ ra sao?

Theo Daily Mail, cuối tuần rồi ông Puigdemont về căn nhà riêng khiêm tốn trị giá 280.000 euro (gần 7,3 tỉ đồng) trên vùng đồi thị trấn nhỏ Sant Julià de Ramis, cách TP Barcelona chừng một giờ rưỡi đi xe. Ông Puigdemont cùng vợ đã về đây từ sau buổi chiều nghị viện Catalonia bỏ phiếu tuyên bố độc lập.

Căn nhà của ông Puigdemont ở thị trấn Sant Julià de Ramis (Catalonia). Ảnh: MAIL ONLINE

Căn nhà của ông Puigdemont ở thị trấn Sant Julià de Ramis (Catalonia). Ảnh: MAIL ONLINE

Căn nhà được ông Puigdemont mua từ năm 2003, sống đến năm 2007. Gia đình ông chuyển đến sống ở TP Girona gần đó chín năm, sau khi được bầu làm thị trưởng. Căn nhà ở thị trấn Sant Julià de Ramis cho du khách thuê. Khi được bầu làm Thủ hiến Catalonia năm ngoái, ông Puigdemont chuyển gia đình về Barcelona. Căn nhà ở Sant Julià de Ramis được lấy lại làm nơi nghỉ cuối tuần của gia đình.

An ninh bảo vệ ông Puigdemont cuối tuần rồi khá sơ sài. Bên ngoài chỉ có ba bảo vệ mặc thường phục ngồi canh gác từ trong xe. Trao đổi với Daily Mail, một cận vệ của ông Puigdemont cho biết ông có ý định thứ Hai (30-10) quay về Barcelona làm việc, bất kể nguy cơ sẽ bị chính phủ trung ương bắt. Thông tin này trái với thông tin của Reuters trước đó rằng ông Puigdemont không muốn chống đối dẫn tới va chạm với chính phủ trung ương.

Ông Puigdemont phát biểu trên truyền hình chiều 27-10, sau khi bị chính phủ trung ương sa thải. Ảnh: MAIL ONLINE

Ông Puigdemont phát biểu trên truyền hình chiều 27-10, sau khi bị chính phủ trung ương sa thải. Ảnh: AP

“Thủ hiến căng thẳng vì chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai. Ông ấy nói với tôi sẽ trở về Barcelona ngày mai. An ninh đang báo động cao” - nguồn tin bảo vệ nói với Daily Mail, tuy nhiên không nói rõ liệu lực lượng bảo vệ ông Puigdemont có chống trả cảnh sát quốc gia một khi họ muốn bắt ông.

“Chúng tôi ít liên lạc. Ông ấy chỉ gọi chúng tôi, nói rằng muốn đi đâu đó và chúng tôi phải chuẩn bị. Ông ấy có vẻ quá căng thẳng, không chia sẻ kế hoạch của mình. Không ai biết điều gì đang và sẽ xảy ra. Mọi người đều rất căng thẳng” - nguồn tin này nói thêm.

Ông Puigdemont (phải) được người ủng hộ độc lập chào đón trên đường phố TP Girona ở Catalonia ngày 28-10. Ảnh: REUTERS

Ông Puigdemont (phải) được người ủng hộ độc lập chào đón trên đường phố TP Girona ở Catalonia ngày 28-10. Ảnh: REUTERS

Ông Puigdemont cùng toàn bộ bộ máy chính quyền cũng như nghị viện Catalonia đã bị chính phủ trung ương Tây Ban Nha tuyên bố sa thải, giải tán từ chiều 27-10. Một số nguồn tin trong văn phòng công tố Tây Ban Nha cho biết cơ quan này đang chuẩn bị xin bắt giữ và truy tố ông Puigdemont về tội xúi giục nổi loạn và sử dụng sai mục đích công quỹ cho cuộc trưng cầu độc lập ngày 1-10. Mức án ông Puigdemont phải chịu có thể đến 30 năm tù.

Tuy nhiên, nói trên đài truyền hình TV3 (Catalonia) ngày 29-10, cựu thẩm phán Tây Ban Nha Elpidio Jose Silva cho rằng chính phủ trung ương không có căn cứ gì để truy tố ông Puigdemont, vì tuyên bố độc lập không hề có bóng dáng bạo lực. Trước đó, cựu luật sư cấp cao Tây Ban Nha Elpidio Jose Silva cho rằng tội xúi giục nổi loạn chỉ cấu thành khi ông Puigdemont sử dụng bạo lực để lật đổ chính phủ Tây Ban Nha.
Người dân Catalonia kêu gọi chính phủ trung ương bắt ông Puigdemont trong ngày biểu tình 29-10. Ảnh: MAIL ONLINE

Người dân Catalonia kêu gọi chính phủ trung ương bắt ông Puigdemont trong ngày biểu tình 29-10. Ảnh: AFP

Trong khi đó, nói với đài phát thanh Bỉ VTM ngày 29-10, Bộ trưởng Nhập cư Bỉ Theo Francken cũng nêu lo ngại về chuyện xét xử công bằng ông Puigdemont: “Đã nghe nói về hình phạt tù. Câu hỏi là ông ấy có được xét xử công bằng hay không”.

Về khả năng cho ông Puigdemont tị nạn, ông Francken xác định: “Đây không phải là điều gì đó không tưởng, chúng tôi sẽ cân nhắc nghiêm túc. Rõ ràng điều này sẽ đưa chúng tôi vào một tình huống ngoại giao khó khăn với chính phủ Tây Ban Nha. Nhưng như mọi đơn xin cấp quyền tị nạn khác, đơn của ông Puigdemont cũng sẽ được xem xét khách quan”. Bỉ là một trong số ít nước EU có quyền trao quyền tị nạn cho các công dân từ các nước EU khác.

Trong khi nhiều lãnh đạo châu Âu kiềm chế bình luận về khủng hoảng chính trị Tây Ban Nha, cho rằng đó là chuyện nội bộ thì ông Francken ngày 29-10 kêu gọi đối thoại giữa chính phủ trung ương Tây Ban Nha và chính quyền Catalonia.

Cá biệt hơn, một nghị sĩ Phần Lan còn gửi lời chúc mừng đến người dân Catalonia, hứa hẹn sẽ kiến nghị Quốc hội duyệt để Phần Lan trở thành nước châu Âu đầu tiên công nhận Catalonia độc lập. “Chúc mừng sự độc lập của nước Cộng hòa Catalonia. Tuần tới tôi sẽ trình bản kiến nghị lên Quốc hội Phần Lan công nhận các bạn” - nghị sĩ Mikko Kärnä viết trên Twitter.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm