Thông tin tình báo từ các phương tiện truyền thông

Trong cuộc chiến tranh Nam Tư chẳng hạn, ngay khi làn sóng công phẫn vì vụ máy bay Mỹ ném bom nhầm xuống tòa đại sứ Trung Quốc ở Belgrad chưa kịp lắng đi thì CIA đã rút ngay ra kết luận, sự cố đó có thể tránh được nếu các chuyên gia tình báo Mỹ có trong tay tấm bản đồ thủ đô Nam Tư với giá mua ngoài đường là 2,98 USD. Từ đó trở đi, CIA trở nên chú trọng hơn tới việc khai thác thông tin tình báo qua các phương tiện công khai.

Trong bản báo cáo mang tên “Kế hoạch đầu tư chiến lược cho công tác phân tích của cộng đồng phản gián”, CIA thừa nhận rằng họ đã không sử dụng hết khả năng của việc khai thác thông tin qua các nguồn công khai và vì thế, lĩnh vực này cần được ưu tiên đầu tư hơn cả. Chẳng gì thì khai thác thông tin công khai cũng đỡ nguy hiểm hơn là khai thác các thông tin tình báo. Bởi lẽ, những thông tin như thế không phải là tối mật nên nếu sử dụng nó thì Washington sẽ tránh khỏi nguy cơ bị buộc tội làm gián điệp. Sử dụng các điệp viên không khó nhưng bao giờ trong trường hợp này CIA cũng phải đối mặt với những hệ lụy chính trị khi điệp vụ bị đổ bể. Hơn nữa, không phải lúc giá trị của thông tin do điệp viên chuyển tới cũng tương xứng với mức độ nguy hiểm và tiền bạc phải trả.

Và thế là người Mỹ đã nới hầu bao cho việc thu thập những tin ttừ các nguồn công khai. Thí dụ ngay từ tháng 9/1999, Hãng Open Source Solutions Inc. chuyên về phân tích thông tin đã nhận được tới 500 nghìn USD chỉ để hiện đại hoá lại trang web của mình. Các nhà lãnh đạo chủ chốt của cơ sở tình báo này từng giữ những trọng trách trong các cơ quan điệp vụ như thư ký chấp hành Ủy ban nghiên cứu triển vọng của CIA, phụ trách cộng đồng tình báo hay Giám đốc Ủy ban thường trực về phản gián của Nhà Trắng...

Tay rắc tiền, tay thu nhận thông tin

CIA đặc biệt chú trọng tới vai trò của các quỹ tài chính quốc tế, thường hoạt động ở nước ngoài dưới những danh nghĩa dường như rất chính đáng và từ thiện nhưng thực chất là tìm mọi cách để “truy lùng” những bí mật của quốc gia, nơi mà họ hoạt động. Đến mức các cơ quan an ninh Liên bang Nga đã ghi trong sổ tay nghiệp vụ của mình rằng, các quỹ tài trợ made in USA là kẻ thù truyền kiếp của nền chính trị Nga.

Điều này có lẽ đúng vì nếu ta nhìn vào các sự kiện “thay ngựa giữa dòng” ở Gruzia gần đây, nguồn tài trợ chính cho lực lượng đối lập hoành hành để buộc ông Eduard Shevardnadze chính là Quỹ Soros của nhà tài phiệt Mỹ gốc Hungari đã và đang tung rất nhiều đô la vào không gian SNG nhằm cải biến bầu không khí chính trị ở đây cho phù hợp với những khái niệm xã hội và dân chủ phương Tây.

 Thông tin tình báo từ các phương tiện truyền thông ảnh 1

Chuyện thực ra chẳng có gì mới và Moskva đã để tâm tới nguy hiểm này từ lâu. Ngay từ năm 1995, cơ quan an ninh Nga đã công bố bản báo cáo về việc nhiều quỹ tài chính quốc tế, trong đó có cả Quỹ Soros, đã tiến hành những hoạt động gián điệp và thực hiện đường lối đối ngoại của Chính phủ Mỹ theo hướng kiềm chế Nga như một đối thủ cạnh tranh tiềm tàng.

Và quả thực là những quỹ tài chính như thế hiện đang hoạt động ở Nga rất đông. Tuy nhiên, cho tới hôm nay, các cơ quan an ninh Nga vẫn chưa tìm được cách đấu tranh hữu hiệu với các quỹ tài chính quốc tế như Quỹ Soros. Những món tiền mà các quỹ này bỏ ra để tổ chức các cuộc thi giữa các tài năng trẻ Nga quá hấp dẫn nên luôn thu hút được những tên tuổi hàng đầu tham gia so tài với nhau nhằm nhận được những khoản tài trợ hậu hĩnh nhất. Và nhận tiền rồi thì phải trình ra nội dung công trình nghiên cứu của mình. Thế là, Quỹ Soros mặc nhiên nắm được những thông tin lớn nhỏ về hướng nghiên cứu chính trong tất cả những ngành khoa học kỹ thuật khả dĩ triển vọng.

Tất nhiên, về phần mình, ngay từ khi chính quyền Xô viết còn tồn tại, người Nga cũng đã tìm mọi cách để khai thác thông tin tình báo qua những nguồn công khai. Tạp chí Mỹ Aviation Week & Space Technology (rất được người Nga ưa chuộng thời đó) đã được chuyển về Liên Xô theo từng chuyến bay của Hãng Hàng không Aeroflot và được chuyển ngữ ngay trên máy bay.

Mỗi năm có khoảng ba nghìn rưởi chuyên gia Xô viết được đưa sang tham dự các hội thảo khoa học ở nước ngoài để một công đôi việc thu lượm thông tin  tình báo mới (trong số này có tới 2 nghìn người được đưa sang Mỹ). Chỉ riêng từ 1979 tới 1981, các chuyên gia Xô viết đã tham dự tới 35 hội thảo quốc tế. Người Nga cũng rất chịu khó tổ chức các cuộc hội thảo khoa học quốc tế để thông qua đó nhặt nhạnh thông tin.

Tuy nhiên, ngành an ninh Xô viết lại yếu ở khâu xử lý nguồn thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Báo chí Xô viết một thời do những nguyên nhân chủ quan đã không thực hiện trọn vai trò làm tấm gương phản ánh trung thực tâm trạng và tinh thần của các tầng lớp nhân dân mà chỉ đơn thuần đóng vai trò “mua vui cũng được một vài trống canh”, lựa ý lãnh đạo mà phản ánh thực tế.

Tới những năm 90 của thế kỷ trước, tình hình mới bắt đầu được cải thiện sau khi một thê đội cán bộ trẻ gia nhập biên chế của Trung tâm phân tích thông tin của cơ quan an ninh quốc gia Nga. Tuy nhiên, sự thay đổi thực sự cơ bản đã đến sau khi các cán bộ an ninh Nga biết sử dụng thông tin của một cơ quan khác, FAPSI, cơ quan có nhiệm vụ cung cấp cho các thủ lĩnh trung ương nguồn thông tin độc lập, chuẩn xác. Bằng những phương tiện công nghệ tiên tiến, FAPSI đã tìm ra được những cách xử lý thông tin  đầy đủ và khách quan nhất, rất có ích cho việc suy ngẫm để đưa những quyết sách chính xác, không duy ý chí.

Không được quá đà

Thông tin nếu không được xử lý đúng và tốt sẽ không mang lại lợi ích gì cho các cơ quan an ninh. Để khỏi tự mình “phát minh ra xe đạp”, các cơ quan an ninh sử dụng các phương pháp của ngành xã hội học. Thí dụ như tiêu chí lặp lại - phân tích nội dung văn bản hay một tập hợp văn bản bằng cách thống kê tần số xuất hiện của những đối tượng nhất định. Phương thức này thực ra cũ như trái đất, một số nhà nghiên cứu cho rằng nó đã xuất hiện từ thế kỷ XVIII, khi tại Thụy Điển người ta đánh giá mức độ sùng đạo của cuốn sách này hay cuốn sách kia thông qua số lần của Chúa Jesus xuất hiện trong sách. Cũ không hẳn đã là tồi.

Cho tới gần đây, phương thức này vẫn được áp dụng. Các chuyên gia đã phân tích các bản thông điệp của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong những năm 1994-1995 bằng cách thống kê tần số xuất hiện của các từ liên quan tới kinh tế, giáo dục, ngân sách, tình trạng phạm tội, vấn đề gia đình, quốc tế, trợ cấp xã hội... để tìm ra kết luận về những thay đổi của chính sách quốc gia trong những lĩnh vực này.

Thí dụ, trong năm 1995, nội các của ông B. Clinton đã quan tâm hơn cả tới các vấn đề của ngành giáo dục, gia đình, nhưng lại ít để ý tới tình trạng tội phạm, các công chuyện quốc tế hay trợ cấp xã hội. Từ những hiện tượng trên, các chuyên gia của hệ thống an ninh Nga đã lập ra những nhận định về những xu thế ưu tiên trong chính sách quốc gia của nước Mỹ.

Những kết luận đưa ra trên cơ sở phân tích tần số như thế nhìn chung là đúng. Tuy nhiên, không nên tuyệt đối hóa những kết luận đó vì thực ra, ảnh hưởng tới chính sách quốc gia là vô số những yếu tố và tình huống khác nhau mà không phải lúc nào những bài nói của Tổng thống Mỹ cũng phản ánh hết, đủ và đúng.

Chỉ là huyền thoại

Đã từng có lúc tồn tại huyền thoại rằng trong các cơ quan an ninh của các nước lớn có những trung tâm nghiên cứu khoa học siêu bí mật vạn năng, chuyện gì cũng thông tỏ. Theo các chuyên gia xã hội học, sự thực không phải như vậy, ít ra là trong lĩnh vực khoa học xã hội. Tuy nhiên, thái độ thiên lệch của các cơ quan an ninh trong việc đánh giá các nghiên cứu huyền bí đôi khi dẫn tới hiện tượng có những ý tưởng rồ dại từ lâu đã bị nền khoa học công khai bác bỏ vẫn còn tiếp tục được các trung tâm khoa học tối mật tiến hành theo kiểu “dã tràng xe cát biển đông, nhọc mình mà chẳng nên công cán gì”.

Một trong những thí dụ điển hình về chuyện này là các công trình trong lĩnh vực nghiên cứu loại vũ khí tâm lý truyền qua máy thu hình dường như có thể làm mụ mị dân chúng tới mức độ điều khiển được họ như hình nhân. Phần nhiều những chuyện như thế chỉ là huyễn hoặc. Tuy nhiên, cũng có những kẻ nhờ thế mà cũng tạo được cơ hội thăng tiến cho mình, thí dụ như John Alexander, cựu Giám đốc Chương trình nghiên cứu vũ khí không tử thương trong phòng thí nghiệm quốc gia ở Los Alamos, kẻ mà trong những trường hợp khác rất dễ bị nghi là đã mất trí.

Anh này năm 1980 đã cho công bố cả một bài báo lớn trong tạp chí quân sự Military Review về những loại vũ khí của tương lai, trong đó khẳng định rằng “có những hệ thống vũ khí tác động được lên não và có thể nhìn thấy nhỡn tiền tác dụng sát thủ của chúng”.

Tuy lập luận của bài báo rất mù mịt và rối rắm nhưng không hiểu sao các viên tướng ở Lầu Năm Góc đã chú ý tới nó và năm 1983, John Alexander đã kết thân được với người về sau đã trở thành Phó Tổng thống Mỹ, Al Gore. Ông ta dạy cho Al Gore các phương thức tác động tâm lý tới quần chúng. Thực tiếc là trong cuộc bầu cử năm 2000, ông Al Gore đã không sử dụng được các bài học của “sư phụ” để lôi kéo cử tri ủng hộ mình nhiều hơn là ủng hộ đối thủ George Bush.

Nói thế nhưng vẫn phải thấy rằng, tìm thông tin mật qua những nguồn công khai không phải là không có tác dụng nhất định. Có điều, mọi sự đều cần tồn tại ở mức độ hợp lý. Cái gì quá đà cũng dễ trở thành tức cười. Không phải ai cũng dễ bị biến thành điệp viên, dù hữu ý hay vô tình.

Theo Khánh Hưng (ANTG cuối tháng)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm