Thỏa thuận Mỹ-Trung: Washington đã nhượng bộ nhưng vẫn chưa đủ

Tờ Financial Times đưa tin các quan chức Mỹ đang cân nhắc việc cắt giảm 15% thuế nhập khẩu vào hàng hóa Trung Quốc (TQ) trị giá hơn 100 tỉ USD đã áp đặt hồi đầu tháng 9. Các nguồn tin đáng tin cậy còn cho biết cả hai nước đang nỗ lực đưa ra những nhượng bộ có thể nhằm kết thúc thỏa thuận giai đoạn một sau nhiều tháng giao chiến thương mại.

Sau khi Chile hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) dự kiến sẽ là nơi tổng thống Mỹ và chủ tịch TQ gặp nhau để ký kết thỏa thuận, nhiều chuyên gia bắt đầu phân tích nơi nào sẽ là địa điểm phù hợp hơn cho cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo. Các quan chức Mỹ đã đề nghị ba địa điểm trên đất Mỹ là Iowa, Alaska và Hawaii, tờ South China Morning Post đưa tin.

Một quyết định chính trị

Một số chuyên gia cho biết TQ có thể lo ngại họ đã nhượng bộ Mỹ quá nhiều và Washington cần phản ứng nhanh nhạy hơn với những mối quan tâm chủ yếu của Bắc Kinh. “Thỏa thuận Mỹ-Trung lần này vẫn chưa được cân bằng” - một nguồn tin từ chính phủ TQ nhận xét trên tờ Nhật Báo Hong Kong.

Theo một bài bình luận đăng trên tài khoản WeChat Taoran Notes (TQ) hôm 5-11, việc loại bỏ thuế quan là vấn đề cốt lõi mà TQ bận tâm, không quan trọng hai bên sẽ ký thỏa thuận giai đoạn một hay giai đoạn cuối cùng. Hơn nữa, việc đánh giá sai lầm khía cạnh này sẽ một lần nữa đảo ngược tình thế của các cuộc đàm phán. Trong vòng đàm phán thất bại hồi tháng 5, Bắc Kinh đã gần như đạt được sự đảm bảo của Washington về việc loại bỏ hầu hết các mức thuế dành cho hàng hóa TQ.

Nếu hai bên đạt được thỏa thuận tạm thời trong tháng này, theo South China Morning Post, nhiều khả năng Mỹ sẽ hoãn mức thuế 15% đối với 160 tỉ USD hàng hóa TQ dự kiến có hiệu lực ngày 15-12. Tờ Politico còn cho biết TQ cũng yêu cầu Mỹ loại bỏ 15% thuế quan đối với 112 tỉ USD các sản phẩm TQ đã áp từ ngày 1-9 và giảm 25% thuế quan đối với một loạt  hàng hóa khác.

Mỹ đã rục rịch loại bỏ thuế quan đã áp từ hồi tháng 9 nhưng như thế vẫn chưa đủ để đảm bảo một thỏa thuận Mỹ-Trung. “Mỹ cần đưa ra một cam kết chắc chắn hơn với TQ về vấn đề thuế quan. Ít nhất là Mỹ nên cắt thuế sẽ áp vào cuối năm này hoặc ngừng gọi TQ là đất nước thao túng tiền tệ để thể hiện lòng thành với TQ. Họ vẫn chưa tin tưởng lẫn nhau. Quyết định bây giờ mang tính chính trị hơn là thương mại” - tờ Nhật Báo Hong Kong dẫn lời nguồn tin cho biết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: REUTERS

Sự cần thiết của việc loại bỏ thuế quan

Theo cựu cố vấn thương mại Nhà Trắng Clete Willems, Washington nhận thức được việc áp thuế quan vào cuối năm nay sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ hơn những vòng thuế trước đây vì chúng sẽ nhắm vào các loại hàng tiêu dùng từ iPhone, laptop đến máy chơi game. Khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 cận kề, đòn đánh này có vẻ không khôn ngoan lắm vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền cử tri.

Mỹ nên phản ứng rõ ràng hơn về những mối quan tâm chính của TQ với nhiều cam kết cụ thể hơn về vấn đề thuế quan. Nếu nhà lãnh đạo TQ đồng ý ký kết, thỏa thuận đó phải cân bằng hơn và giải quyết những lo ngại của TQ.

WANG YONGGS quan hệ quốc tế tại ĐH Bắc Kinh (TQ) 

Trong khi đó, TQ cũng ghi nhận mức tăng trưởng 6% trong quý III năm nay. Đây là mức chậm nhất trong lịch sử của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Xuất khẩu nước này cũng đã giảm trong hai tháng liên tiếp, trong khi nhập khẩu cũng giảm mỗi tháng trong năm ngoại trừ tháng 4.

Loại bỏ một số thuế quan đối với TQ có thể mở rộng phạm vi của thỏa thuận giai đoạn một bao gồm nhiều điều khoản tổng thể hơn, theo tờ The Wall Street Journal. Điều này sẽ cho phép Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập nhiều vấn đề gai góc hơn trong giai đoạn đầu này, vì vẫn chưa rõ khi nào thỏa thuận giai đoạn tiếp theo sẽ bắt đầu. Bên cạnh đó, việc đẩy lùi thuế quan còn cải thiện mối quan hệ giữa hai nước nếu các nhà đàm phán cả hai bên muốn theo đuổi những giai đoạn tiếp theo.

Mỹ, Trung tổn thất vì thương chiến

Theo một công trình nghiên cứu của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố hôm 5-11, thương chiến Mỹ-Trung đã cắt giảm hơn 1/4 số hàng hóa TQ nhập khẩu vào Mỹ trong nửa đầu năm nay, tương đương 35 tỉ USD và đẩy giá cả tiêu dùng ở Mỹ tăng lên. Theo đó, trị giá số hàng xuất khẩu của TQ sang Mỹ chịu thuế quan đã giảm xuống còn 95 tỉ USD trong khoảng sáu tháng đầu năm so với 130 tỉ USD cùng kỳ năm 2018. “Nhìn chung, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng thuế quan của Mỹ đối với TQ đang gây tổn hại về kinh tế cho cả hai nước. Thiệt hại về phía Mỹ chủ yếu liên quan đến giá tiêu dùng tăng cao, còn tổn thất ở phía TQ liên quan đến tổn thất xuất khẩu đáng kể” - bản báo cáo nhận định. Lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thuế quan của Mỹ là máy móc văn phòng và thiết bị viễn thông nhập khẩu từ TQ, giảm 15 tỉ USD. Theo thời gian, quy mô tổn thất xuất khẩu của TQ sẽ tăng cùng với mức thuế tăng lên. Từ đó các quốc gia khác sẽ nhảy vào lấp đầy phần lớn khoảng trống mà TQ để lại, bản nghiên cứu cho biết. Đài Loan hưởng lợi lớn nhất từ tình hình này với 4,2 tỉ USD xuất khẩu bổ sung sang Mỹ trong nửa đầu năm 2019, chủ yếu là thiết bị văn phòng và viễn thông. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm