Thổ Nhĩ Kỳ thắng lớn trước Mỹ về Syria

Sau nhiều tháng giằng co, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4-6 cho biết đã thống nhất kế hoạch chi tiết rút Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) khỏi Manbij - TP chiến lược ở tỉnh Aleppo (bắc Syria), trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Mỹ ủng hộ YPG.

YPG là lực lượng chính trong Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - đối tác chính của Mỹ trong cuộc chiến chống IS ở Syria. YPG kiểm soát phần lớn vùng đông bắc Syria, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Với Thổ Nhĩ Kỳ, YPG là cánh tay nối dài của Đảng Công nhân người Kurd - lực lượng người Kurd hàng thập niên chiến đấu đòi ly khai ở miền nam nước mình.

Buộc được Mỹ thôi ủng hộ YPG

Manbij trở thành một điểm nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai đồng minh NATO, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào đánh Afrin và thề sẽ kéo sang Manbij, nơi Mỹ đang sát cánh với YPG đánh IS.

Căn cứ Mỹ ở Manbij. Ảnh: REUTERS
Căn cứ Mỹ ở Manbij. Ảnh: REUTERS

Kế hoạch rút YPG khỏi Manbij được thống nhất trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đến Mỹ. Chủ đề chính trong cuộc gặp giữa ông Cavusoglu và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là bàn về Syria cũng như quan hệ Mỹ-Thổ.

Tuyên bố chung sau cuộc gặp cho biết hai bên thống nhất “lộ trình” nhằm đảm bảo an ninh và ổn định cho Manbij nhưng không đề cập chi tiết. Tuy nhiên, từ Ankara, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cho biết nước này và Mỹ đã thống nhất thời gian cũng như phương pháp rút YPG khỏi Manbij. Các lực lượng dân quân Ả Rập thuộc SDF vẫn sẽ ở lại Manbij.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) bắt tay Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở thủ đô Washington (Mỹ) ngày 4-6. Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) bắt tay Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở thủ đô Washington (Mỹ) ngày 4-6. Ảnh: REUTERS

New York Times dẫn lời hai quan chức Mỹ không nêu tên xác nhận có lộ trình rút YPG khỏi Manbij. Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận về bất kỳ chi tiết nào của lộ trình. Tuy nhiên, theo ông Cavusoglu trao đổi với các nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ báo sau cuộc gặp với ông Pompeo thì lộ trình sẽ được thực hiện trong vòng sáu tháng.

Các tay súng YPG trong một chiến dịch đánh IS ở ngoại ô Manbij hồi tháng 1. Ảnh: NYT
Các tay súng YPG trong một chiến dịch đánh IS ở ngoại ô Manbij hồi tháng 1. Ảnh: NYT

Theo ông Cavusoglu thì “mục tiêu của lộ trình là giải phóng Manbij khỏi mọi tổ chức khủng bố và thiết lập an toàn và an ninh lâu dài”, mà với Thổ Nhĩ Kỳ, YPG là một nhánh của tổ chức khủng bố PKK. Ông Cavusoglu khẳng định mọi ủng hộ thêm nữa của Mỹ với YPG là không thể chấp nhận.

Ông Cavusoglu cho biết Manbij tới đây sẽ do các lực lượng của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ giữ an ninh, lộ trình này cũng sẽ được thực hiện ở các khu vực khác của Syria. Hiện tại bắc Syria có sự hiện diện của không chỉ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, YPG, mà cả quân chính phủ Syria và phe nổi dậy Syria (FSA).

Quân Thổ Nhĩ Kỳ và phe nổi dậy Syria (FSA) chiếm TP Afrin trong chiến dịch Cành Ô liu hồi tháng 1. Ảnh: EPA
Quân Thổ Nhĩ Kỳ và Quân đội Syria tự do (FSA) chiếm TP Afrin trong chiến dịch Cành Ô liu hồi tháng 1. Ảnh: EPA

Theo ông Mehmet Akarca, cố vấn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lập một căn cứ ở ngoại ô Manbij và giữ vai trò giám sát, giống Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ không thực hiện thêm bất kỳ chiến dịch quân sự nào vào Syria nữa.

Sẽ vẫn mua được F-35 từ Mỹ

Ngoài thắng lợi trước Mỹ trong vấn đề YPG ở Syria, ông Cavusoglu cũng cho biết kế hoạch mua 100 máy bay tiêm kích tấn công F-35 từ Mỹ không bị hủy hay hoãn như lo ngại và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bỏ qua bất kỳ áp lực nào liên quan đến chuyện mua thiết bị, vũ khí quân sự.

Mỹ muốn dùng thỏa thuận mua bán F-15 để làm áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ kế hoạch mua hệ thống phòng không đất đối không S-400 của Nga. Kế hoạch mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga của Thổ Nhĩ Kỳ làm NATO lo lắng vì hoạt động của S-400 vốn không tương thích với các hệ thống phòng không của NATO.

Máy bay tiêm kích tấn công F-35 của Mỹ. Ảnh: WIKIPEDIA
Máy bay tiêm kích tấn công F-35 của Mỹ. Ảnh: WIKIPEDIA

Điều trần Thượng viện hồi tháng 4 ông Pompeo khẳng định Mỹ đang nỗ lực để “Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ có được S-400”. Tháng trước, nhiều nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng soạn dự luật cấm Thổ Nhĩ Kỳ mua F-35 của Mỹ.

Theo AP, diễn biến này sẽ giúp hàn gắn quan hệ Mỹ-Thổ vốn rạn nứt nhiều năm nay. Chuyện Mỹ ủng hộ YPG là một nguyên nhân bất đồng nghiêm trọng trong việc quan hệ Mỹ-Thổ xấu đi. Suốt thời gian này Mỹ một mặt nói Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh quan trọng ở NATO, một mặt vẫn tiếp tục ủng hộ YPG. Quan hệ càng tệ thêm khi Mỹ quyết định chuyển đại sứ quán tại Israel đến Jerusalem.

Thỏa thuận này có thể xem là một thắng lợi với ông Erdogan khi bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chỉ còn vài tuần nữa là diễn ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm