Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa căn cứ

Ngày 14-10, Mỹ sẽ tổ chức hội nghị quy tụ bộ trưởng Quốc phòng 21 nước tham gia liên minh chống Nhà nước Hồi giáo. Mục đích nhằm đánh giá tình hình và chiến lược sau gần ba tháng không kích Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và gần ba tuần mở chiến dịch không kích ở Syria.

Ngày 12-10 (giờ địa phương), Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice thông báo Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý cho liên minh sử dụng các căn cứ không quân ở Thổ Nhĩ Kỳ. Từ lâu không quân Mỹ đã sử dụng căn cứ Incirlik ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và đưa 1.500 quân đồn trú tại đây. Tuy nhiên đến nay, trong các phi vụ ném bom Nhà nước Hồi giáo, máy bay Mỹ vẫn cất cánh từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Kuwait và Qatar.

Bà Susan Rice cho biết Thổ Nhĩ Kỳ cũng đồng ý sử dụng các căn cứ để huấn luyện cho quân nổi dậy ôn hòa (chống chính phủ) ở Syria. Bà nhắc lại quan điểm Mỹ sẽ không triển khai bộ binh và Mỹ cũng không yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ triển khai bộ binh.

Chiến sự ở thị trấn vùng biên Kobane nhìn từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: GETTY IMAGES

Bà nhận định Thổ Nhĩ Kỳ có thể hỗ trợ liên minh bằng nhiều cách, đặc biệt là ngưng nhập khẩu dầu từ các khu vực bị Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng.

Trong bài viết trên báo Japan Times (Nhật) ngày 12-10, nhà nghiên cứu cấp cao Doug Bandow ở Viện Cato (Mỹ), nguyên trợ lý đặc biệt của Tổng thống Ronald Reagan, nhận định Tổng thống Obama đang rập khuôn Tổng thống George W. Bush khi mở cuộc chiến mới ở Trung Đông.

Ông cho rằng Nhà nước Hồi giáo không trực tiếp tấn công khủng bố nước Mỹ, do đó khi Mỹ can dự thì đã tự biến mình trở thành mục tiêu trả đũa của Nhà nước Hồi giáo. Và Nhà nước Hồi giáo cũng sẽ hợp tác với các tổ chức khủng bố khác để đánh Mỹ.

Ông nhận định trước nay Mỹ chưa bao giờ gặt hái thành công trong các cuộc chiến ở Trung Đông.

Mỹ tấn công Al Qeada từ năm 2001. Đến nay Al Qeada vẫn hiện diện ở nhiều nước. Mỹ đã lật đổ chế độ Taliban vì dung dưỡng cho Al Qeada nhưng Taliban vẫn hoạt động ở Afghanistan.

Trong làn sóng mùa xuân Ả Rập, Mỹ cùng châu Âu lật đổ nhà lãnh đạo Gadhafi ở Libya. Bây giờ thì đất nước Libya quá loạn. Yemen cũng đang đi theo hướng sụp đổ như Libya.

Ba năm trước, Mỹ khẳng định Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi. Rốt cục ông Al-Assad vẫn tại vị trong khi phe nổi dậy mất dần lãnh thổ và TP Raqqa đã bị Nhà nước Hồi giáo biến thành bàn đạp từ Syria để tấn công Iraq.

Chuyên gia Doug Bandow cho rằng Nhà nước Hồi giáo sẽ không tồn tại nếu Mỹ không đưa quân vào Iraq năm 2003 lật đổ Tổng thống Saddam Hussein.

Hiện nay, Mỹ lại tiếp tục sai lầm ở Syria khi dự định huấn luyện và trang bị vũ khí cho phe nổi dậy Syria trong khi một bộ phận lại bắt tay với Nhà nước Hồi giáo. Khả năng phe nổi dậy vừa lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad vừa đánh bại Nhà nước Hồi giáo là quá nhỏ.

Nhà nước Hồi giáo đe dọa trực tiếp đến nhiều nước Trung Đông nhưng Trung Đông đã cố tình nhường vai trò xử lý Nhà nước Hồi giáo cho Mỹ.

Theo chuyên gia Doug Bandow, chỉ có các nước Trung Đông mới đủ sức tạo ổn định lâu dài cho Trung Đông bằng các biện pháp cải cách kinh tế và chính trị, từ đó triệt tiêu các mối đe dọa an ninh xuất phát từ mầm mống phản kháng.

Tình hình chiến sự tiếp tục căng thẳng ở thị trấn Kobane (Syria) giáp Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà nước Hồi giáo đã điều thêm quân tăng viện. Tại Iraq, Nhà nước Hồi giáo đã tổ chức ba vụ đánh bom xe tự sát ngày 12-10 ở Qara Tappah thuộc tỉnh Diyala (miền Bắc). 58 người chết và 107 người bị thương. Ba vụ này do ba phần tử thánh chiến Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia thực hiện.

3,9 triệu euro dành cho các tổ chức nhân đạo giúp đỡ khoảng 180.000 người tị nạn chạy từ thị trấn Kobane sang Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 12-10, Ủy ban châu Âu thông báo như trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm