Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục chiến dịch 'Cành ô liu' đánh Syria

Anadolungày 9-2 dẫn thông tin từ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này vừa khôi phục chiến dịch “Cành ô liu” đánh lực lượng tay súng người Kurd (YPG) ở Afrin, tỉnh Aleppo (Đông Bắc Syria).

Hàng loạt trận không kích do các máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện đã phá hủy 19 mục tiêu tại Afrin trong đêm 8-2, gồm nơi ẩn náu của các tay súng, các kho súng đạn, tiêu diệt ít nhất 34 tay súng thuộc cả YPG và IS. Toàn bộ máy bay sau khi không kích đều quay về an toàn.

Đại diện YPG tại Afrin nói máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn trúng 23 mục tiêu. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nói chỉ phá hủy những “mục tiêu khủng bố”, tuy nhiên YPG cho rằng trong số các mục tiêu này có cả nhiều ngôi làng đông đúc dân thường và hơn 100 người đã thiệt mạng. Số liệu từ Bệnh viện công Afrin cho thấy có ít nhất 36 trẻ em bị giết và 40 người khác bị thương trong các vụ tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.

Pháo từ tỉnh Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) được bắn hướng về các địa điểm YPG ở Afrin (Syria), ngày 9-2. Ảnh: AP

Pháo từ tỉnh Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) được bắn hướng về các địa điểm YPG ở Afrin (Syria) ngày 9-2. Ảnh: AP

Theo AP, đây là đợt tấn công mạnh nhất của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi bắt đầu chiến dịch “Cành ô liu” đánh vào Afrin từ ngày 20-1. Đến thời điểm này, ước tính đã có 1.062 tay súng YPG và IS bị giết, Anadolu dẫn số liệu từ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, chiến dịch không kích của nước này tạm ngưng vì Nga đóng cửa không phận ở Afrin sau sự cố một máy bay Su-25 của Nga bị phe nổi dậy Syria bắn rơi ở tỉnh Idlib kế kên ngày 3-2. Phe nổi dậy, hay còn gọi là Quân đội Tự do Syria (FSA), là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch đánh YPG ở Afrin. Không phận ở khu vực Bắc Syria thuộc kiểm soát của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định chiến dịch “Cành ô liu” phù hợp hoàn toàn với luật pháp quốc tế, rằng sự hiện diện của YPG ở Afrin là đe dọa an ninh với mình. Với Thổ Nhĩ Kỳ, YPG là một chi nhánh của tổ chức Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đòi ly khai ở miền Nam nước này mà Thổ Nhĩ Kỳ xem là khủng bố.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromolotov ngày 7-2 cho rằng diễn biến ở Afrin hiện tại là hậu quả từ hành động khiêu khích của Mỹ, cáo buộc Mỹ có kế hoạch tăng cung cấp vũ khí cho các nhóm vũ trang đồng minh của mình ở Syria.

Người Kurd tập trung tại Afrin ngày 5-2 biểu tình phản đối chiến dịch “Cành Ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Người Kurd tập trung tại Afrin ngày 5-2 biểu tình phản đối chiến dịch “Cành ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Chiến dịch “Cành ô liu” sẽ làm khó chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vào tuần tới, một phần chuyến công du một loạt nước Trung Đông  (Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Ai Cập, Kuwait) từ ngày 11 đến 16-2.

Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ ngày 9-2 cho biết khả năng lớn ông Tillerson sẽ nêu chiến dịch “Cành ô liu” ra với phía Thổ Nhĩ Kỳ, đề nghị nước này kiềm chế. Ngoài số thương vong, Văn phòng Điều phối cứu trợ nhân đạo Liên Hiệp Quốc cho biết có 15.000-30.000 dân thường ở Afrin phải sơ tán vì chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số này có nhiều người trước đó đã phải sơ tán từ nhiều nơi ở Syria tới Afrin để tránh bạo lực từ cuộc nội chiến kéo dài bảy năm qua.


Trong ngày 9-2 diễn ra một diễn biến ngoại giao quan trọng liên quan tình hình nội chiến Syria. Tổng thống Nga Vladimir Putin điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bàn hợp tác giải quyết xung đột vốn đã làm khoảng 400.000 người chết, cả một nửa dân số đất nước phải sơ tán, hơn 5 triệu người phải đi tị nạn ở nước ngoài (phần lớn ở các nước láng giềng).

Trong tuyên bố của mình, điện Kremlin không nói cụ thể nội dung cuộc điện đàm, Nga là đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong khi Pháp là một trong những nước chỉ trích mạnh ông Assad. Trong khi đó, văn phòng tổng thống Pháp cho biết ông Macron đã thúc giục có thêm các cuộc hòa đàm thực chất. Đây là đề nghị đáng chú ý khi vòng hòa đàm ở Sochi (Nga) tháng trước không có mặt của phe nổi dậy Syria.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm