Thổ Nhĩ Kỳ đòi Mỹ dẫn độ giáo sĩ bị nghi ‘chủ mưu’ đảo chính

Tờ Wall Street Journal đưa tin, trong một bài phát biểu trên truyền hình sau cuộc đảo chính thất bại, ông Erdogan đã yêu cầu Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng: “Hôm nay, sau cuộc đảo chính này, tôi lần nữa kêu gọi hãy dẫn độ người đàn ông này ở Pennsylvania về Thổ Nhĩ Kỳ”.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho hay Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi người đồng cấp nước này Mevlut Cavusoglu thảo luận về quy trình pháp lý trong việc dẫn độ giáo sĩ Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ.

John Kirby, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, cũng xác nhận thông tin trên, nhưng không cho biết liệu Bộ Ngoại giao Mỹ có đề cập chuyện này với ông Gulen hay không.

“Ngoại trưởng Kerry cũng đã kêu gọi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế và tôn trọng thủ tục pháp lý cũng như nghĩa vụ quốc tế của nước này bởi Mỹ đang điều tra và tìm hiểu thêm các thông lin có liên quan đến vụ đảo chính này” – ông Kirby nói.

giáo sĩ Fethullah Gulen

Giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị cáo buộc "giật dây" cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15-7. Nguồn: CNN

Cuộc đảo chính diễn ra trong đêm 15-7 do một nhóm binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành bất ngờ ở thủ đô Ankara và TP Istanbul, nhưng cũng nhanh chóng thất bại.

Theo các xác nhận mới nhất của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, đã có ít nhất 161 người thiệt mạng là người dân, cảnh sát và binh lính phe chính phủ trong vụ đảo chính đêm 15 sáng 16-7. Trong khi đó, có ít nhất 104 thành viên lực lượng đảo chính bị tiêu diệt, nâng tổng số người thiệt mạng lên ít nhất là 265 người.

Tổng số binh sĩ và các phần tử âm mưu đảo chính được cập nhật lên đến 2.840 người.

Tổng thống Erdogan đã cáo buộc cuộc đảo chính được tiến hành theo “đơn đặt hàng” của giáo sĩ Fethullah Gulen. Theo tờ The New York Times, ông Gullen là một giáo sĩ có sức ảnh hưởng tại Thổ Nhĩ Kỳ và từng là một đồng minh của Tổng thống Erdogan.

Tuy nhiên, Gullen đã sang Mỹ sinh sống, hiện đang ở Pennsylvania. Ông bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi sát sao trong thời gian qua do hoài nghi về mục đích chính trị của ông.

Trong một diễn biến liên quan, AFP dẫn nguồn tin từ Lãnh sự quán Mỹ ở Adana cho biết, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16-7 đã ban hành lệnh phong tỏa an ninh tại căn cứ không quân Incirlik ở tỉnh miền nam Adana. 

Căn cứ này hiện do lực lượng Mỹ và các lực lượng liên quân sử dụng để chống lực lượng thánh chiến Hồi giáo ở Syria.

Theo nguồn tin trên, "giới chức địa phương đã từ chối các hoạt động cất cánh và hạ cánh tại căn cứ không quân Incirlik. Điện tại căn cứ này cũng bị cắt."
Hiện chưa rõ lý do của quyết định phong tỏa an ninh tại căn cứ không quân Incirlik của nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm