Thổ Nhĩ Kỳ: Đã chiếm 70% Afrin, sẽ không giao ông Assad

Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm được hơn 70% lãnh thổ TP Afrin thuộc tỉnh Aleppo (tây bắc Syria) từ tay lực lượng tay súng người Kurd (YPG) và sẽ nhanh chóng loại bỏ YPG khỏi nơi này, ông Ibrahim Kalin - người phát ngôn tổng thống nước này cho biết ngày 15-3.

“Hơn 70% lãnh thổ Afrin đã được bảo đảm an toàn trong chiến dịch cành ôliu. Vòng bao vây đã hoàn toàn siết chặt bọn khủng bố. Chúng tôi dự đoán trung tâm Afrin sẽ hoàn toàn sạch bóng khủng bố chỉ trong thời gian ngắn nữa. Chúng muốn biến Afrin trở thành một Qandil mới nhưng ý đồ này đã bị chiến dịch cành ôliu loại trừ” - ông Kalin nói trong cuộc họp báo ngày 15-3. Núi Qandil là trụ sở chính của đảng Công nhân người Kurd (PKK) hàng chục năm chiến đấu đòi ly khai ở nam Thổ Nhĩ Kỳ, bị nước này xem là khủng bố. Với Thổ Nhĩ Kỳ, YGP là một chi nhánh của PKK.

Ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã chiếm hơn 70% Afrin (Syria). Ảnh: AP
Ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã chiếm hơn 70% Afrin (Syria). Ảnh: AP

Ngày 15-3, Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ bản kiến nghị của Quốc hội châu Âu kêu gọi ngừng chiến dịch quân sự ở bắc Syria, rút quân khỏi Afrin, cáo buộc lời kêu gọi này “rõ ràng ủng hộ” YPG. Trong ngày 15-3, YPG cho biết không kích của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin hai ngày qua đã làm khoảng 10.000 người phải sơ tán.

Một chi tiết gây chú ý lớn, tại cuộc họp báo, ông Kalin còn cho biết Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định giao lại Afrin cho chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau khi chiến dịch cành ôliu hoàn tất.

Người dân Afrin sơ tán ngày 15-3. Ảnh: REUTERS
Người dân Afrin sơ tán ngày 15-3. Ảnh: REUTERS

Họp báo, ông Kalin một lần nữa lên án sự hỗ trợ của Mỹ với đồng minh tay súng người Kurd ở Syria “Mọi sự ủng hộ của chính phủ Mỹ đối với PYD và YPG trong cuộc chiến đánh IS đều có lợi cho PKK. Mỗi vũ khí, đạn dược Mỹ giao cho PYD và YPG đều giúp PKK mạnh hơn”.

Về kế hoạch rút lực lượng YPG do Mỹ hỗ trợ ở TP Manbij, ông Kalin cho biết có thể sẽ bị chậm lại từ 1-2 tuần với diễn biến Mỹ đổi ngoại trưởng từ ông Rex Tillerson sang ông Mike Pompeo, mà ông Pompeo lại không rành về sự việc.

Đông Ghouta cũng được ông Kalin đề cập tại cuộc họp báo, cho biết Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì quan tâm hàng đầu đến việc quân chính phủ Syria phong tỏa Đông Ghouta.

“Ưu tiên của chúng tôi là chấm dứt không kích. Không thể chấp nhận việc hàng ngàn người dân phải chịu trừng phạt vì 300-500 phần tử mà chính phủ Syria xem là khủng bố” - theo ông Kalin.

Chính phủ Syria dồn quân áp sát lính Mỹ
Chính phủ Syria dồn quân áp sát lính Mỹ
(PLO)- Liên quân Mỹ đã sử dụng đường dây nóng giảm xung đột được thiết lập trước đó để theo dõi sự hiện diện ngày càng tăng của lực lượng thân chính phủ Syria và quân đội Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm