Thổ Nhĩ Kỳ: Ai Cập đề xuất ngừng bắn nhằm cứu ông Haftar

Thổ Nhĩ Kỳ đã bác đề xuất của Ai Cập về một lệnh ngừng bắn ở Libya, nói rằng kế hoạch này nhằm cứu Nguyên soái Khalifa Haftar – chỉ huy Quân đội Quốc gia Libya (LNA) sau hàng loạt thất bại trong chiến dịch chiếm Tripoli của ông, theo kênh Al Jazeera.

Lời kêu gọi ngừng bắn của Ai Cập không chân thành, không đáng tin

Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) được quốc tế công nhận do Thủ tướng Fayez al-Serraj lãnh đạo. GNA thời gian gần đây đã chặn đứng cuộc tấn công Tripoli của LNA – vốn được Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập và Nga hậu thuẫn.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ảnh: Pavel Golovkin/RUETERS

Hôm 6-6, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đề xuất môt lệnh ngừng bắn sau khi GNA giành loạt thắng lợi thần tốc trước lực lượng ông Haftar. Ai Cập đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn bắt đầu từ hôm 8-6.

Nga và UAE hoan nghênh đề xuất này, trong khi Đức nói rằng các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc hỗ trợ mới là chìa khóa cho tiến trình hòa bình.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng nước này - ông Mevlut Cavusoglu hôm 10-6 bác đề xuất vì cho rằng đây là nỗ lực nhằm cứu ông Haftar sau khi ông hứng chịu loạt thất bại trên chiến trường.

“Nỗ lực ngừng bắn ở Cairo đã thất bại. Nếu một lệnh ngừng bắn được ký kết thì nó nên được thực hiện theo một nền tảng mang mọi người lại với nhau. Lời kêu gọi ngừng bắn để cứu ông Haftar dường như không chân thành và không đáng tin”, ông Cavusoglu nói với báo Hurriyet Daily News.

Thổ Nhĩ Kỳ: Ông Haftar nhất định sẽ "biến mất" nếu tiếp tục thua

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Mỹ Donald Trump hôm 8-6 đã điện đàm thảo luận về tình hình Libya. Ông Erdogan cho biết cả hai đã thống nhất một số vấn đề về Libya và GNA sẽ tiếp tục chiến đấu chiếm TP duyên hải Sirte và căn cứ Al-Jufra của lực lượng ông Haftar.

Ông Cavusoglu cho hay Tổng thống Erdogan và Tổng thống Trump đã ủy quyền cho các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng, lãnh đạo tình báo cùng cố vấn an ninh thảo luận về các bước đi tiềm năng ở Libya.

Thừa thắng xông lên, lực lượng GNA đã mở chiến dịch chiếm các thành trì khác của phe đối lập. Ảnh: EPA

Trả lời đài truyền hình A Haber, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar nói rằng ông Haftar nhất định sẽ “biến mất” nếu ông tiếp tục thất bại.

“Khi sự hỗ trợ đằng sau ông ấy bị thu hồi, bị mất đi, ông Haftar nhất định sẽ biến mất ở đó”, ông Akar nhấn mạnh.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hoan nghênh việc khôi phục các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc (LHQ) chủ trì, đồng thời hối thúc đẩy nhanh tiến độ đàm phán để đạt được lệnh ngừng bắn.

“Thỏa thuận giữa GNA và LNA để tham gia trở lại các cuộc đàm phán an ninh của LHQ là bước khởi đầu tốt, rất tích cực”, ông Pompeo nói tại một buổi họp báo hôm 10-6.

“Các cuộc đàm phán nhanh chóng và có thiện ý bây giờ là điều kiện để thực thi lệnh ngừng bắn và khởi động lại những cuộc đàm phán chính trị nội bộ do LHQ chủ trì”, ông Pompeo nói.

EU kêu gọi các bên xung đột ở Libya rút lực lượng nước ngoài

Ngoại trưởng các nước Đức, Pháp và Ý cùng đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) – ông Josep Borrell kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức, theo kênh Al Jazeera.

Các nhà ngoại giao EU yêu cầu tất cả các bên tham gia xung đột Libya ngay lập tức chấm dứt tất cả chiến dịch quân sự và thực hiện các cuộc đàm phán hòa bình mang tính xây dựng.

Báo cáo của LHQ xác nhận có nhiều nhóm vũ trang nước ngoài tham gia cuộc xung đột ở Libya. Ảnh: Goran Tomasevic/REUTERS

Trong một tuyên bố chung cùng với ngoại trưởng các nước Đức, Pháp và Ý được đưa ra hôm 9-6, nhà ngoại giao hàng đầu của EU – ông Josep Borrell đã kêu gọi các bên xung đột ở Libya nhanh chóng thống nhất một lệnh ngừng bắn và rút tất cả lực lượng nước ngoài, lính đánh thuê và trang thiết bị quân sự.

Trước đó, Đức đã thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Libya.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 9-6, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ lo ngại về sự leo thang trong giao tranh gần đây ở Libya.

Hôm 8-6, bà Merkeo đã thảo luận với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi về tình hình ở Libya.

Bà Merkel nói với ông al-Sisi rằng các cuộc đàm phán do LHQ ủng hộ vẫn phải là mục tiêu chính của tiến trình hòa bình ở Libya.

Với sự yểm trợ của những máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ, GNA đã đẩy lùi các lực lượng miền Đông Libya khỏi Tripoli trong tháng này. Nga được cho là đã đưa máy bay chiến đấu sang tiếp viện cho ông Haftar, làm dấy lên nguy cơ leo thang nội chiến ở quốc gia Bắc Phi.

Những tuần gần đây đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc xung đột phức tạp giữa GNA và LNA với việc cả hai bên nhận sự hỗ trợ từ nhiều lực lượng nước ngoài.

Thừa thắng xông lên, lực lượng GNA đã phát động một cuộc tấn công chiếm TP Sirte. Cuộc chiến đến nay tập trung vào vùng ngoại ô phía tây và phía nam của TP.

Được biết đến là nơi sinh cố lãnh đạo Muammar Gaddafi, TP Sirte có giá trị biểu tượng quan trọng vì nằm giữa hai TP chính của Libya là Tripoli – nơi đặt trụ sở của GNA và Benghazi – nơi đóng quân của lực lượng ông Haftar.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm