Thổ Nhĩ Kỳ: 1 mình chống cả châu Âu?

Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan nói riêng và cả châu Âu có nguy cơ bùng phát quanh việc nhiều nước châu Âu không cho phép các chính trị gia Thổ vận động chính trị tại nước mình.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đang nỗ lực tiếp cận bộ phận người Thổ sống ở châu Âu, đặc biệt ở Hà Lan và Đức, để giúp ông chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý tháng tới trao nhiều quyền hơn cho tổng thống.

Trong khi đó các nước châu Âu không muốn các chính trị gia Thổ vận động tại nước mình vì lo ngại căng thẳng chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lan sang cộng đồng người Thổ trong nước họ, vốn cả ủng hộ lẫn phản đối ông Erdogan.

Ngày 11-3, chính phủ Hà Lan đã cấm Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu đến Rotterdam vận động. Tiếp đó Hà Lan lại cấm Bộ trưởng Gia đình và Các vấn đề xã hội Thổ Nhĩ Kỳ Fatma Betul Sayan Kaya vào lãnh sự quán Thổ ở Rotterdam, sau đó hộ tống bà này rời khỏi Hà Lan sang Đức.

Biểu tình trước lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Rotterdam (Hà Lan) ngày 11-3. Ảnh: REUTERS

Biểu tình trước lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Rotterdam (Hà Lan) ngày 11-3. Ảnh: REUTERS

Hàng trăm người Thổ mang cờ Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình trước lãnh sự quán Thổ ở Rotterdam phản đối quyết định của Hà Lan. Ngày 12-3 tại Rotterdam, cảnh sát Hà Lan đã phải dùng chó nghiệp vụ và vòi rồng giải tán người biểu tình bên ngoài lãnh sự quán Thổ. Nhiều người ném chai lọ, đá vào cảnh sát. Nhiều người bị cảnh sát đánh.

Trong ngày 12-3, Tổng thống Erdogan mỉa mai Hà Lan đã hành động như một “nước cộng hòa chuối” và cần phải bị trừng phạt.

“Châu Âu có nói gì không? Không. Tại sao? Vì họ không cắn lẫn nhau. Hà Lan hành động như một "nước cộng hòa chuối". Tôi kêu gọi tất cả tổ chức quốc tế ở châu Âu và các nơi khác trừng phạt Hà Lan” - Tổng thống Erdogan nói khi phát biểu tại tỉnh Kocaeli (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 12-3. Ngày trước đó, ông Erdogan gọi Hà Lan là “tàn dư của Đức quốc xã”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 12-3. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 12-3. Ảnh: REUTERS

Phát biểu tại Pháp, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu mô tả Hà Lan là “thủ đô của chủ nghĩa phát xít” khi cùng với các nước châu Âu khác ngăn chặn các chính trị gia Thổ tổ chức vận động. Trước đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yıldırım cảnh cáo nước này sẽ có cách trả đũa cứng rắn nhất.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhận định những phát ngôn này rất mang tính kích động: “Chúng tôi có một tình huống chưa từng có tiền lệ với một đồng minh NATO… với nước mà chúng tôi có quan hệ lịch sử, quan hệ thương mại mạnh. Nước này đang có hành động hoàn toàn vô trách nhiệm và không thể chấp nhận được”.

Theo ông Rutte, không phải Hà Lan xin lỗi vì cấm các bộ trưởng Thổ vận động, mà tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phải xin lỗi vì so sánh Hà Lan với chủ nghĩa phát xít và Đức quốc xã.

Bộ trưởng Năng lượng Berat Albayrak và Bộ trưởng Gia đình và các vấn đề xã hội Fatma Betul Sayan Kaya của Thổ Nhĩ Kỳ họp báo tại sân bay quốc tế Ataturk ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 12-3. Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Năng lượng Berat Albayrak (trái) và Bộ trưởng Gia đình và Các vấn đề xã hội Fatma Betul Sayan Kaya của Thổ Nhĩ Kỳ họp báo tại sân bay quốc tế Ataturk ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 12-3. Ảnh: REUTERS

Căng thẳng có nguy cơ leo thang khi ngày 12-3 Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen nêu ý kiến hoãn chuyến thăm Đan Mạch của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yıldırım dự kiến trong tháng này. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết sẽ làm hết sức có thể để ngăn chặn căng thẳng chính trị từ Thổ Nhĩ Kỳ lan sang Đức. Áo và Thụy Sĩ cũng đã cấm các cuộc vận động của các chính trị gia Thổ tại nước mình. Phó Chủ tịch Quốc hội châu Âu Alexander Graff Lambsdorff yêu cầu một lệnh cấm các bộ trưởng Thổ vận động ở Liên minh Châu Âu.

Ít nhất thì hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nhận được sự ủng hộ của Pháp. Bộ Ngoại giao Pháp đề nghị bình tĩnh, cho rằng không có lý do ngăn chặn cuộc gặp giữa Thủ tướng Cavusoglu và một hiệp hội Thổ ở Pháp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm