Thế giới và nhiều nước ASEAN lên tiếng về chính biến ở Myanmar

Ngay sau khi xuất hiện thông tin về cuộc chính biến ở Myanmar, hàng loạt quốc gia đã lên tiếng về sự việc này.

Mỹ hứa sát cánh cùng người dân Myanmar

Mỹ là quốc gia đầu tiên trên thế giới phản đối việc quân đội Myanmar bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều chính trị gia khác, đồng thời kêu gọi khôi phục nền dân chủ ở nước này, báo Straits Times đưa tin.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 31-1 (giờ Mỹ, tức 2-1 theo giờ châu Á) cho biết Mỹ "quan ngại và báo động nghiêm trọng" trước thông tin quân đội Myanmar bắt giam các quan chức chính phủ và bà Suu Kyi.

“Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar trả tự do cho tất cả các quan chức chính phủ và bà Suu Kyi, đồng thời tôn trọng ý chí của người dân Myanmar đã được thể hiện trong kết quả bầu cử dân chủ vào ngày 8-11. Mỹ sẽ sát cánh với người dân Myanmar trong khát vọng của họ về dân chủ, tự do, hòa bình và phát triển. Quân đội phải đảo ngược những hành động này ngay lập tức" - ông Blinken nói.

Bà Aung San Suu Kyi và nhiều nhân vật cao cấp trong chính quyền Myanmar đã bị quân đội bắt giữ. Ảnh: REUTERS


Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng lên án động thái của quân đội Myanmar.

"Tổng thư ký lên án mạnh mẽ việc giam giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các nhà lãnh đạo chính trị khác trước phiên khai mạc của Quốc hội nhiệm kỳ mới của Myanmar" - phát ngôn viên Stephane Dujarric tuyên bố.

Ngoại trưởng Úc Marise Payne kêu gọi quân đội Myanmar "tôn trọng pháp quyền, giải quyết tranh chấp thông qua các cơ chế hợp pháp và ngay lập tức trả tự do cho tất cả các nhà lãnh đạo đang bị giam giữ trái pháp luật". Ngoại trưởng Payne tuyên bố Úc "ủng hộ mạnh mẽ việc triệu tập lại Quốc hội một cách hòa bình, phù hợp với kết quả của cuộc tổng tuyển cử tháng 11-2020".

Người đứng đầu Liên minh châu Âu Charles Michel cũng bày tỏ quan điểm của mình trên Twitter: “Tôi cực lực lên án vụ việc vừa xảy ra ở Myanmar và kêu gọi quân đội trả tự do cho tất cả những người đã bị giam giữ bất hợp pháp. Kết quả của cuộc bầu cử phải được tôn trọng và quá trình dân chủ cần được khôi phục".

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã lên tiếng phản đối việc bà Suu Kyi bị bắt.

“Tôi lên án việc quân đội Myanmar lên nắm quyền và bắt giam nhiều nhà lãnh đạo, trong đó có bà Aung San Suu Kyi. Lá phiếu của người dân Myanmar phải được tôn trọng và các nhà lãnh đạo nước này cần được giải phóng ” - ông Johnson đăng trên Twitter. 

Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên "giải quyết những khác biệt của họ".

"Trung Quốc là một nước láng giềng thân thiện của Myanmar. Chúng tôi hy vọng các bên ở Myanmar sẽ giải quyết phù hợp những khác biệt theo khuôn khổ hiến pháp và luật pháp để bảo vệ sự ổn định chính trị và xã hội" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết tại một cuộc họp báo.

Là một nước có quan hệ ngoại giao tốt với Myanmar, trong ngày 1-2, chính phủ Nhật đã kêu gọi quân đội Myanmar thả Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và khôi phục nền dân chủ trong nước. 

“Chúng tôi yêu cầu thả ngay các nhân vật chủ chốt của Myanmar đã bị bắt hôm nay, trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi” - hãng tin AFP dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Nhật. 

Nhật cho biết họ hiện không có kế hoạch hồi hương các công dân từ Myanmar và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình.

Các nước Asean nói gì?

Singapore bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar và hy vọng tình hình sẽ trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất.

Trong khi đó, Indonesia kêu gọi tất cả các đảng ở Myanmar tuân thủ các nguyên tắc dân chủ và chính phủ hợp hiến.

Malaysia kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar giải quyết mọi tranh chấp bầu cử một cách hòa bình.

Quân đội Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Ảnh: AP

"Malaysia ủng hộ việc tiếp tục thảo luận giữa các nhà lãnh đạo Myanmar để tránh những hậu quả bất lợi cho người dân và nhà nước Myanmar, đặc biệt là trong tình hình đại dịch COVID-19 khó khăn hiện nay" - Bộ Ngoại giao Malaysia tuyên bố.

Chính phủ các nước Thái Lan, Campuchia và Philippines hôm 1-2 đã tuyên bố rằng vụ việc ở nước láng giềng Myanmar là vấn đề nội bộ.

"Đó là công việc nội bộ của họ" - Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan nói với các phóng viên khi được hỏi về vấn đề này.

Nhà lãnh đạo Campuchia Hun Sen cũng có quan điểm tương tự. Ông gọi việc quân đội của Myanmar lên nắm quyền là "công việc nội bộ" của đất nước và từ chối bình luận thêm.

“Campuchia không bình luận gì về công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia nào, trong khuôn khổ ASEAN hay bất kỳ nơi nào khác" - ông Hun Sen nêu quan điểm.

Ông Harry Roque - người phát ngôn của tổng thống Rodrigo Duteter cho biết Philippines đang quan tâm đến sự an toàn của các công dân của mình ở Myanmar, tuy nhiên coi các sự kiện ở nước này là vấn đề nội bộ và sẽ không can thiệp.

"Điều quan trọng là đảm bảo an toàn cho những người đồng hương của chúng tôi ở Myanmar" - theo ông Roque.

Bà Suu Kyi và Tổng thống Win Myint đã bị quân đội nước này bắt giữ vào đầu ngày 1-2, sau khi đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của họ giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử hồi tháng 11. Phía quân đội cho rằng cuộc bầu cử đã bị gian lận. Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử của Myanmar đã bác bỏ các cáo buộc của quân đội, nói rằng không có sai sót nào đủ lớn để ảnh hưởng đến độ tin cậy của cuộc bỏ phiếu.

Sau khi bắt giữ bà Suu Kyi và các quan chức cấp cao khác, quân đội đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm. Sau khi tình trạng khẩn cấp kết thúc, họ cho biết sẽ tổ chức "cuộc tổng tuyển cử tự do và công bằng".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm