Làn sóng ngoại giao của Mỹ và môi trường chính trị khu vực

Mỹ đang tập trung hàng loạt động thái ngoại giao về châu Á, một diễn biến mà theo các nhà quan sát là nhằm điều chỉnh môi trường chính trị khu vực.

Sau các chặng dừng chân ở Nhật, Hàn Quốc và Mông Cổ tuần rồi, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đến Trung Quốc (TQ) ngày 25-7 và dự kiến hôm nay bà sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị cùng cấp phó của ông là Thứ trưởng Tạ Phong tại TP Thiên Tân.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ đến Ấn Độ trong hai ngày 27 và 28-7. Trong khi đó, từ cuối tuần rồi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bắt đầu chuyến công du kéo dài gần cả tuần đến ba nước Đông Nam Á (ĐNA): Singapore, Việt Nam, Philippines, theo báo South China Morning Post (SCMP).



Bà Sherman gặp ông Vương và cái bóng Alaska

SCMP dẫn lưu ý của nhiều chuyên gia TQ rằng cuộc gặp giữa bà Sherman với ông Vương và ông Tạ diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với quan hệ hai nước, khi hai nước cùng điều chỉnh lại sau sáu tháng nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden. Theo chuyên gia Ni Feng, chuyên các vấn đề về Mỹ tại Học viện Khoa học xã hội TQ, không có nhiều biến chuyển thực chất trong quan hệ hai bên sau sáu tháng nhiệm kỳ ông Biden, thậm chí trong các lĩnh vực vốn trước đây được nghĩ dễ dàng hợp tác, như biến đổi khí hậu.

Cuộc gặp hai phía đến sau khi Mỹ có hàng loạt động thái mạnh có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ song phương, như ông Biden củng cố liên minh đối phó TQ, trừng phạt TQ liên quan cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, cáo buộc TQ có hoạt động gián điệp mạng. Hồi tháng 2, ông Biden lập một đội đặc nhiệm thuộc Bộ Quốc phòng đánh giá các chiến lược và chiến dịch quân sự của mình liên quan đến TQ.

Ông Wu Xinbo, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế tại ĐH Phúc Đán, cho rằng không khí cuộc gặp ở Thiên Tân sẽ là sự căng thẳng tiếp tục cuộc gặp ở Alaska (hồi tháng 3), với các vấn đề như Biển Đông, Hong Kong, an ninh mạng. Tuy nhiên, chuyên gia Liu Weidong, chuyên về các vấn đề Mỹ tại Học viện Khoa học xã hội TQ, mục tiêu chính lần gặp này không phải để “cãi nhau” như hồi ở Alaska mà nhằm cải thiện giao tiếp để tránh thiếu thông tin dẫn đến tính toán sai lầm đưa đến xung đột.

Chưa biết chuyến thăm của bà Sherman mang lại gì nhưng theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price thì bà Sherman tiếp cận Thiên Tân với “tâm thế mạnh”. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Triệu Lập Kiên thì cho biết nước này sẽ yêu cầu Mỹ chấm dứt can thiệp vào chuyện nội bộ của mình.

Trước đó, ngày 14-7, TQ cáo buộc Mỹ cố tình khiêu khích và phá hoại hòa bình, ổn định ở khu vực. Về phía Mỹ, trong cùng ngày này, Ngoại trưởng Blinken bác bỏ “các tuyên bố hàng hải trái phép” của TQ, đồng thời khẳng định rằng Mỹ “sát cánh với các bên tranh chấp ở ĐNA khi đối mặt với sự ép buộc (của TQ)”. Một điều nữa, Thứ trưởng Tạ là “yếu nhân” của Bộ Ngoại giao TQ ở cả Hong Kong và Tân Cương - hai địa phương là điểm nóng tác động đến quan hệ Trung - Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa) được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đón tiếp trong chuyến thăm Seoul ngày 18-3. Ảnh: AP

Mỹ sẽ “nhộn nhịp” hơn ở Đông Nam Á

Từ thông tin các chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken đến Ấn Độ và của Bộ trưởng Austin đến ĐNA, báo Asia Times nhận định chính quyền ông Biden đang tập trung gia tăng gắn kết ngoại giao với khu vực và đặc biệt với các quốc gia ĐNA.

Trong bài viết đăng trên báo Nikkei, cựu Cố vấn tình báo Derek Grossman của Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện là nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức nghiên cứu chính sách phi lợi nhuận Rand Corp. (Mỹ), cho rằng chính quyền ông Biden cần khởi động lại chính sách với ĐNA - khu vực mà theo ông là trung tâm chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AĐD-TBD) của Mỹ. Theo ông, sáu tháng qua Mỹ chưa gắn kết đủ với khu vực này nhưng có tín hiệu cho thấy tương lai quan hệ sẽ tươi sáng hơn.

Asia Times cho rằng ông Blinken và ông Austin đang là những người đi đầu trên mặt trận giành lại các đồng minh và đối tác chiến lược trong khu vực vốn có phần bất mãn với sự thiếu nhiệt tình của Mỹ. Việc ông Austin chọn đến Philippines và Việt Nam (hai nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông) và Singapore (một trung tâm của khu vực) là nhằm trấn an các nước trước sự bao vây của TQ.

Giữa tháng này ông Blinken đã có cuộc trao đổi với các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và nhấn mạnh sự gắn kết của Mỹ và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc định hình cấu trúc an ninh AĐD-TBB rộng lớn hơn. Ông Blinken cũng nhắc lại cam kết của Mỹ hướng tới một “khu vực Mekong tự do và rộng mở”, trong bối cảnh các nước thượng nguồn, trong đó có TQ ngày càng tăng các dự án đập tác động nặng nề đến các nước ĐNA ở hạ nguồn. Từ phát ngôn này của ông Blinken, có thể thấy được nhiệt tình và sự quyết liệt của Mỹ trong nỗ lực giành lại sự ủng hộ của các đối tác ĐNA.

Chính quyền ông Biden những ngày qua tăng mạnh “ngoại giao vaccine” với khu vực, hỗ trợ hàng triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho nhiều nước ASEAN, đồng thời đóng góp hàng tỉ USD cho sáng kiến tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX).

Sắp tới, nếu chính quyền ông Biden muốn sát cánh hơn nữa cùng ĐNA thì nên ưu tiên các lợi ích chung, theo ông Grossman. Mỹ có thể tăng gắn kết và cải thiện quan hệ với ĐNA với việc ông Biden tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á tại Brunei cuối năm nay. Đây sẽ là bước thay đổi tích cực so với việc những năm gần đây Mỹ chỉ cử các quan chức cấp thấp hơn tới các diễn đàn lãnh đạo đa phương quan trọng.

Chính quyền ông Biden sẽ có nhiều điều kiện tăng gắn kết với ĐNA khi Thượng viện tới đây xác nhận các đề cử quan chức cấp cao, trong đó có hai vị trí quan trọng cho việc xây dựng và thực hiện chính sách: trợ lý ngoại trưởng và trợ lý quốc phòng phụ trách khu vực châu Á. Ông Biden cũng đang lựa chọn các đại sứ ở ĐNA.

Nhìn chung, ông Grossman cho rằng việc chính quyền Biden hành động thế nào với các thách thức đã phân tích ở trên sẽ tác động đáng kể đến tương lai vị thế của Mỹ trong khu vực.

Hoạt động ngoại giao của Mỹ với khu vực sẽ còn nhộn nhịp hơn với việc Tổng thống Biden dự kiến sẽ dự hội nghị cấp cao ASEAN cuối năm nay và tham gia nhiều cuộc gặp song phương quan trọng.
ASIA TIMES
 Ông Blinken sẽ bàn gì ở Ấn Độ?
Theo báo Hindustan Times, trong hai ngày 27 và 28-7 tại New Delhi, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ gặp Thủ tướng Narenda Modi, Ngoại trưởng S Jaishankar và Cố vấn an ninh quốc gia Ajit Doval. Một trong các chủ đề chính sẽ được bàn đến trong các cuộc gặp là về an ninh AĐD-TBD, các quan chức cũng sẽ bàn về nội dung kỳ họp sắp tới của nhóm bộ tứ vào tháng 10 ở Mỹ.
Hindustan Times nhấn mạnh rằng chuyện ông Blinken bàn nội dung AĐD-TBD với phía Ấn Độ đặc biệt đáng lưu ý trong bối cảnh TQ đang có nhiều hành động gây hấn ở biên giới với Ấn Độ và ở Biển Đông.
Với Ấn Độ, gặp ông Blinken là một sự kiện rất có ý nghĩa khi nước này và TQ đang căng thẳng về vấn đề tranh chấp biên giới và trước đó đã làm rõ với TQ rằng mình sẽ không khoan nhượng về chuyện này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm