Thấy gì từ việc EU không duyệt thỏa thuận đầu tư với TQ?

Mới đây, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết về từ chối phê duyệt Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc (TQ) với 599 phiếu ủng hộ và 30 phiếu chống, hãng tin Reuters cho hay. Theo nghị quyết, TQ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang áp lên quan chức EU trước khi EP có thể xem xét lại CAI. Tuy nhiên, các nghị sĩ EP cũng cảnh báo chỉ mỗi việc TQ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt không phải là điều kiện đảm bảo để thỏa thuận được phê duyệt.

Thái độ cứng rắn của phương Tây là một bước lùi về mặt ngoại giao đối với Bắc Kinh. Nhìn rộng hơn, điều này phản ánh sự suy giảm trong quan hệ của TQ với phương Tây và các nước láng giềng châu Á, trong đó có cả Ấn Độ giữa lúc Bắc Kinh theo đuổi các chính sách về chiến lược và thương mại ngày càng quyết đoán hơn.

Báo cáo về TQ của tổ chức HỘI ĐỒNG ĐẠI TÂY DƯƠNG hồi tháng 3

Dư âm từ cuộc chiến ngoại giao EU-TQ

Được biết việc EP từ chối duyệt CAI diễn ra trong bối cảnh trao đổi thương mại EU-Tq đạt gần 190 tỉ USD trong 20 năm qua, còn đầu tư TQ vào EU đạt hơn 146 tỉ USD. Thỏa thuận từng được kỳ vọng sẽ giúp các công ty châu Âu tiếp cận thị trường TQ dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp EU làm ăn tại TQ, CAI cũng có nhiều nội dung giúp tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty châu Âu, cấm hành vi ép buộc chuyển giao công nghệ cũng như chú trọng những cam kết về chống biến đổi khí hậu, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Cờ của EU và Trung Quốc treo trước quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. (Ảnh chụp hồi tháng 12-2019) Ảnh: AFP 

Hai bên đã hoàn tất quá trình ký kết CAI vào tháng 12-2020 sau bảy năm đàm phán khó khăn. Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu xấu đi khi TQ và EU bị cuốn vào cuộc chiến ngoại giao xung quanh các nghi vấn Bắc Kinh vi phạm quyền con người đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hồi tháng 3. EU lúc đó cùng với Mỹ, Anh và Canada áp lệnh trừng phạt, cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản của nhiều quan chức TQ. Động thái này khiến Bắc Kinh tức giận và trả đũa cũng bằng cách cấm nhập cảnh, đóng băng tài sản một loạt quan chức cấp cao EU và thực thể thuộc EU với cáo buộc “lan truyền tin giả và làm ảnh hưởng quyền lợi quốc gia TQ”. Các đòn trả đũa qua lại này tới nay vẫn còn hiệu lực.

Trong một cuộc họp báo hồi đầu tháng 5, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis từng cảnh báo việc EU - TQ không thể chấm dứt các hành động đáp trả ngoại giao lẫn nhau là môi trường bất lợi cho việc phê chuẩn hiệp định.

Đồng thời, trong cuộc trao đổi với một nhóm các chuyên gia thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council - Mỹ) tại Mỹ, Ủy viên EU phụ trách thị trường nội địa Thierry Breton cũng cho biết CAI thực tế mới chỉ là “ý định chứ chưa phải là một thỏa thuận thực sự” vì vẫn còn nhiều điều khoản chưa được làm rõ, chẳng hạn Bắc Kinh sẽ mở cửa ở mức độ nào để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư EU như đã cam kết. Do đó, thỏa thuận có thể sẽ phải mất thời gian dài đàm phán nữa trước khi trở thành hiện thực.

Lập trường của EU về Trung Quốc đã thay đổi

Reuters cho rằng bước đi nói trên của EU nhiều khả năng báo hiệu một thời kỳ mới trong quan hệ với TQ. Suốt nhiều năm qua, EU đã duy trì lập trường linh hoạt với TQ, vận dụng những chính sách độc lập và tách biệt các lĩnh vực từ thương mại đến quyền con người. Nhưng trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện tại, đã có những dấu hiệu về sự thống nhất chính sách.

Đầu tiên, EU coi trọng hơn khía cạnh dân chủ, quyền con người và nhà nước pháp quyền và sẵn sàng đòi hỏi nhiều hơn các đối tác phải có cùng các giá trị như vậy. Thứ hai, EU thể hiện tự tin hơn và không ngại mạnh tay, nặng lời hơn với TQ. Cuối cùng, EU đồng hành với Mỹ và các nước phương Tây khác trong nỗ lực kìm hãm ảnh hưởng của TQ để tránh gây tổn hại đến trật tự thế giới hiện tại.

Về phía TQ, mọi chuyện liên quan dân chủ, quyền con người và nhà nước pháp quyền kiểu phương Tây đều vô cùng nhạy cảm đối với nước này nên Bắc Kinh gần như không thể nhượng bộ EU. Đúng như lời ông Dombrovskis đã nhận định, khác biệt hai bên đã trở nên quá lớn để có thể gạt qua một bên vì lợi ích thương mại mà CAI rõ ràng đã trở thành “nạn nhân” mới nhất.

Theo chuyên gia Sourabh Gupta thuộc Viện Nghiên cứu Trung - Mỹ (Mỹ), việc EU và TQ hoàn tất ký kết CAI vào cuối năm ngoái trên thực tế chỉ phản ánh một sự bất an của khối này trong mối quan hệ khó khăn với Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump. Nói cách khác, CAI lúc đó nhiều khả năng chỉ được EU xem là một quân bài chiến lược để mang ra sử dụng trong trường hợp quan hệ giữa khối này với chính quyền ông Trump tiếp tục xấu đi và trong kịch bản ông Trump đắc cử nhiệm kỳ hai.

Tuy nhiên, sau khi ông Joe Biden chính thức trở thành tổng thống Mỹ và ngỏ ý muốn nối lại quan hệ hai bờ Đại Tây Dương thì EU lập tức thay đổi quan điểm và quay lưng với TQ bởi tình hình với Mỹ đã được cải thiện. Trong bối cảnh như vậy, ông Gupta nhận định hoàn toàn có khả năng EU và Mỹ sẽ tiếp tục có những động thái cứng rắn hơn nữa với TQ trong thời gian tới, hoặc ít nhất là EU sẽ có những động thái như vậy để tương hợp với chiến lược kiềm chế TQ của Washington.

“Để đối phó TQ hiệu quả thì Mỹ, EU và các nước châu Âu ngoài liên minh phải ra sức củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương, tập trung chi tiết vào những mục tiêu chung về TQ mà quan điểm của Mỹ và châu Âu gặp nhau, chẳng hạn như các vấn đề quyền con người và việc đối phó với các hành vi ngoại giao cưỡng ép của Bắc Kinh” - ông Gupta chia sẻ.•

Phản ứng trước động thái của EP, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Triệu Lập Kiên đã lên tiếng chỉ trích các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Bắc Kinh mới là nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng trong quan hệ song phương, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin. Theo ông Triệu, các biện pháp trừng phạt của Bắc Kinh là sự phản ứng hợp lý trước các hành động cấm vận của EU đối với các quan chức TQ về vấn đề ở Tân Cương.

Ông Triệu nhấn mạnh phía TQ đã yêu cầu EU dừng ngay việc can thiệp vào công việc nội bộ của nước này, từ đó thúc đẩy quan hệ song phương vượt qua khó khăn và trở lại quỹ đạo tốt đẹp mới. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm