Thấy gì từ chuyến thăm của một đại sứ Mỹ đến Đài Loan?

Vào cuối tuần qua, Đại sứ Mỹ tại Palau John Hennesey-Niland đã trở thành đặc phái viên đầu tiên của Mỹ đến thăm Đài Loan kể từ khi Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với hòn đảo này và chuyển qua công nhận chính sách “Một Trung Quốc” vào năm 1979.

Đại sứ Mỹ tại Palau John Hennesey-Niland (bên phải). Ảnh: Cơ quan đối ngoại Đài Loan

Đại sứ Hennessey đi cùng với phái đoàn của Tổng thống Palau Surangel Whipps Jr. trong chuyến thăm chính thức Đài Loan để khởi động chương trình “bong bóng du dịch” giữa Đài Loan và Palau nhằm thúc đẩy du lịch an toàn với những hạn chế tối thiểu liên quan tới dịch COVID-19.

Ông Hennessey đảm nhận chức Đại sứ Mỹ tại Palau vào tháng 3-2020 và đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ Đạo luật Sáng kiến Bảo vệ và Tăng cường Đồng minh Quốc tế Đài Loan (Đạo luật TAIPEI).

Theo tờ The Diplomat, sự hiện diện của một quan chức Mỹ trong chuyến thăm này đã tạo cơ hội cho cả Palau và Mỹ thể hiện tình đoàn kết với Đài Loan trong bối cảnh Trung Quốc siết gọng kềm ngoại giao, kinh tế và có nhiều hoạt động quân sự nhằm gây sức ép lên hòn đảo ly khai.

Trong một thông cáo báo chí, Viện Mỹ tại Đài Loan đã nhận định chuyến thăm “tái khẳng định cam kết trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác Mỹ-Đài Loan-Palau bằng cách thúc đẩy dân chủ và nền quản trị tốt, đối phó biến đổi khí hậu, nâng cao y tế kỹ thuật số, quan tâm đến trao quyền cho phụ nữ, thúc đẩy thương mại nông nghiệp, tăng cường hợp tác bảo vệ bờ biển cũng như an ninh mạng của Palau”.

Phản ứng với chuyến thăm của Đại sứ Mỹ tới Đài Loan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo: “Mỹ nên dừng lại bất cứ tương tác chính thức nào với Đài Loan, hạn chế gửi những tín hiệu sai lầm đến các lực lượng đòi độc lập ở Đài Loan, ngăn chặn mọi nỗ lực vượt qua ranh giới, xử lý thận trọng những vấn đề liên quan tới Đài Loan nhằm tránh làm tổn hại mối quan hệ Mỹ - Trung cũng như hoà bình và ổn định trên eo biển Đài Loan".

Palau là một trong 15 quốc gia còn giữ quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Vào năm 2013, dưới áp lực của Bắc Kinh, tám quốc gia đã chuyển sang công nhận chính sách “Một Trung Quốc” và đến năm 2019, quốc đảo Solomon và Kiribati cũng đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Để đối phó những áp lực này, Mỹ đã tăng cường các nỗ lực và các sáng kiến để đẩy mạnh tương tác với Đài Loan trong khi vẫn giữ mối quan hệ không chính thức với hòn đảo này. Một báo cáo của tờ Financial Times cho biết Washington đang có kế hoạch nới lỏng các hạn chế trong liên lạc với Đài Bắc, động thái này sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các nhà ngoại giao Mỹ gặp các quan chức và người đồng cấp Đài Loan.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất hòn đảo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm