Thấy gì từ báo cáo mới nhất của WHO về nguồn gốc COVID-19?

Ngày 30-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung Quốc đã công bố báo cáo chung về kết quả điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19, đài ABC (Mỹ) đưa tin.

Báo cáo tổng hợp kết quả cuộc điều tra từ ngày 14-1 đến ngày 10-2 của nhóm chuyên gia WHO tại Trung Quốc - nỗ lực được coi là bước đầu tiên trong công cuộc có thể kéo dài nhiều năm để tìm ra nguồn gốc COVID-19. 

Một số thành viên nhóm điều tra của WHO (ngồi trong ô tô) đến khảo sát tại Viện Nghiên cứu virus Vũ Hán hôm 3-2. Ảnh: REUTERS

Báo cáo lặp lại nhiều kết luận đã được nhóm chuyên gia tiết bộ khi kết thúc chuyến công tác tại Trung Quốc và phát họa bức tranh rõ ràng hơn về nguồn gốc đại dịch COVID-19.

Bốn giả thuyết về nguồn lây virus SARS-CoV-2 sang người

ABC đã chỉ ra bốn giả thuyết về nguồn lây nhiễm virus SARS-CoV-2 sang người được nêu trong báo cáo mà WHO và Trung Quốc công bố hôm 30-3.

1. Liệu virus có truyền trực tiếp từ động vật sang người? Theo báo cáo của WHO, virus SARS-CoV-2 có thể hoặc có khả năng cao đã truyền trực tiếp từ động vật (khả năng cao nhất là từ loài dơi) sang người qua việc trồng trọt, săn bắt hoặc các tiếp xúc gần khác giữa con người và động vật.

2. Virus truyền sang người qua một loài động vật trung gian truyền bệnh? Theo WHO, có khả năng rất cao virus SARS-CoV-2 từ mầm bệnh ban đầu (dơi) đã truyền qua các vật trung gian như chồn, tê tê, thỏ… và con người nhiễm bệnh do tiếp xúc với các mầm bệnh thứ cấp này.

3. Con người có thể bị nhiễm virus qua sản phẩm thực phẩm đông lạnh? Theo WHO, điều này có thể xảy ra. Có nghĩa là con người có thể bị lây bệnh khi tiếp xúc với thực phẩm đông lạnh dính chất thải sinh học của động vật nhiễm virus SARS-CoV-2 (mà không cần phải tiếp xúc với mầm bệnh ban đầu).

4. Liệu có hay không sự cố rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm? Giả thuyết bị coi là "mang tính chính trị cao" này đã nhiều lần bị các chuyên gia của Trung Quốc và của WHO bác bỏ. Theo báo cáo mới nhất của WHO, cực kỳ khó có khả năng virus SARS-CoV-2 là sản phẩm từ một phòng thí nghiệm nào đó ở Trung Quốc.

Dù đánh giá giả thuyết rò rỉ virus SARS-CoV-2 từ phòng thí nghiệm là gần như không xảy ra, Tổng Giám đốc WHO Tedros lưu ý răng các chuyên gia đã xem xét tất cả giả thuyết và cần nghiên cứu sâu hơn để đưa ra kết luận chắc chắn hơn.

Chợ thủy sản Hoa Nam là ổ 'siêu lây nhiễm', không phải nơi khởi phát dịch

Theo dữ liệu mà WHO hiện có, ca nhiễm COVID-19 đầu tiên có liên quan tới chợ thủy sản Hoa Nam ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc).

Các chuyên gia WHO đã lấy mẫu trên diện rộng tại chợ Hoa Nam - bao gồm mẫu sinh phẩm từ môi trường, thực phẩm và động vật trong khu chợ. Tổng cộng 718 mẫu từ môi trường được lấy tại chợ Hoa Nam và 14 mẫu được lấy từ các kho hàng liên quan tới chợ Hoa Nam.

Một số mẫu từ môi trường cho thấy dấu vết acid nucleic của virus SARS-CoV-2 và một số mẫu còn cho ra kết quả có thể phân lập virus. Tuy nhiên, không tìm thấy dấu vết virus SARS-CoV-2 ở các loài động vật trong chợ. 

Một số thành viên nhóm điều tra của WHO đến điều tra tại chợ Hoa Nam hồi cuối tháng 1. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, trình tự gen của một số ca nhiễm (ở người) liên quan tới khu vực là giống hệt nhau khiến các nhà khoa học suy đoán rằng chợ Hoa Nam là một ổ "siêu lây nhiễm".

Cùng một số phân tích sự phân bố của các biến thể virus SARS-CoV-2, các chuyên gia đang tiếp tục xem xét khả năng virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại chợ Hoa Nam là do các sản phẩm đông lạnh.

Chặng đường tìm nguồn gốc COVID-19 còn rất dài

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý rằng "báo cáo này là một khởi đầu rất quan trọng nhưng nó không phải là điểm kết thúc".

"Chúng tôi vẫn chưa tìm ra nguồn gốc của virus (SARS-CoV-2) và chúng tôi phải tiếp tục nghe theo các khuyến cáo khoa học và tìm hiểu mọi khả năng như những gì chúng tôi đang làm" - ông Tedros nói trong cuộc họp báo hôm 30-3.

Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng báo cáo hôm 30-3 của WHO không có gì mới, Tiến sĩ Ian Lipkin - Giám đốc Trung tâm Nhiễm trùng và miễn dịch thuộc Đại học Columbia (Mỹ) - mô tả đây là báo cáo "cực kỳ chi tiết và đầy đủ".

Ông Lipkin lưu ý rằng những gì giới khoa học đang nỗ lực là "tái hiện lại các sự kiện từ một năm rưỡi trước mà không có đầy đủ dữ liệu và mẫu sinh phẩm" nên có thể mất nhiều năm, hoặc thậm chí không bao giờ, tìm ra được kết luận chính xác.

Dù vậy, ông Lipkin nhắc lại rằng trước khi nhóm chuyên gia của WHO tới Trung Quốc, người ta đã hình dung ra một số con đường lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và báo cáo của WHO đã đưa ra những dữ liệu có thể chứng minh các giả thuyết đó.

Trong khi đó, Giáo sư Vincent Racaniello - chuyên gia về vi sinh và miễn dịch cũng thuộc Đại học Columbia - cho rằng các nhà khoa học đã "may mắn" khi tìm ra manh mối về nguồn gốc virus SARS-CoV-2. Ông Racaniello nhắc lại rằng sau nhiều năm, giới khoa học vẫn chưa tìm ra nguồn gốc virus Ebola. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm