Thăm ngôi trường mà Đường Tăng có thật từng theo học

Đường Tăng hay Trần Huyền Trang (Đường Tam Tạng) hẳn là một nhân vật đã quá đỗi quen thuộc với nhiều người thông qua loạt phim truyền hình nổi tiếng “Tây Du Ký”. 
Tạo hình nhân vật Đường Tăng trong phim Tây Du Ký.
Trong phim, theo lời chỉ dạy của Đức Phật, Huyền Trang lên đường đến Tây trúc thỉnh kinh. Trên đường đi ông được Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng là các đệ tử đi theo bảo vệ, diệt trừ yêu quái. 
Nhưng có lẽ ít ai biết được rằng, nhân vật Đường Tăng là hoàn toàn có thật và ngay cả cuộc hành trình đi tìm chân kinh của ông cũng được ghi nhận trong lịch sử.
Hình ảnh minh họa đại sư Đường Tăng trên đường đi thỉnh kinh thế kỷ IX.
Theo sử sách ghi lại, Huyền Trang là một cao tăng và là một trong bốn dịch giả lớn nhất Trung Quốc trong mảng kinh sách Phật giáo
Là một nhà sư có công lớn trong việc truyền bá Phật giáo đồng thời tinh thông tất cả thánh điển nhà Phật nên ông còn mang danh hiệu Tam Tạng pháp sư. Theo đó, vì muốn truyền bá một cách đầy đủ nhất giáo lý Phật pháp đến Trung Hoa mà ông đã lên đường tìm đến Tây Trúc - miền đất Phật (nay là Ấn Độ). 
Và hơn thế nữa, Viện Đại học Nalanda chính là điểm đặt chân đầu tiên của nhà sư và cũng là nơi ông tiếp thu hầu hết Kinh Phật.
Viện Đại học Nalanda được coi là đền thờ Phật lớn nhất Ấn Độ. Là một quần thể di tích nổi tiếng có từ thế kỷ thứ V - là một trong những trung tâm học tập bậc cao thời cổ đại đầu tiên trong lịch sử loài người. 
Viện Đại học này phát triển phồn thịnh nhất dưới thời vua Śakrāditya đến năm 1197 và nhận được sự bảo hộ của nhiều đời hoàng đế theo Ấn giáo và Phật giáo khác nhau.
Không chỉ nổi tiếng là một trong những trường đại học cổ xưa, nơi đây được cho là xây dựng trên một vùng đất lành, có sự hiện diện của Đức Phật. 
Nalanda vì thế mà đã phát triển mạnh mẽ như một hòn ngọc sáng của Phật giáo Ấn Độ nói chung. Nơi đây từng tập trung hơn 2.000 giáo viên và 10.000 học sinh từ mọi nơi - những người có lòng hướng Phật đều đổ về đây như để tìm về cái nôi của Phật giáo. 
Trong đó có những cái tên nổi tiếng như sư Long Thụ - một trong những vị sư vĩ đại nhất lịch sử Phật giáo, sư Trần Na - Luận sư nổi tiếng của Duy thức tông và học giả Bà La Môn - sư Dharmapala.
Ngày nay, phế tích còn lại của Nalanda nằm trải dài trên một diện tích rộng 14 ha, cách thành phố Patna khoảng 88km về phía Đông Nam. Thông qua khai quật cẩn thận, những nhà khảo cổ học đã tìm ra ở đây nhiều bảo tháp, tu viện, ký túc xá, giảng đường, thiền đường còn ở tình trạng tốt. 
Điều này không chỉ tô đậm hơn độ hùng vĩ và huy hoàng một thời của Nalanda mà còn khẳng định thêm về sự chuyên nghiệp và nghiêm túc của trung tâm học tập này.
Vẫn còn có nhiều tranh cãi xung quanh thời gian thành lập chính xác của Nalanda. Nơi này được cho là đã được xây dựng vào thế kỷ V. 
Tuy nhiên, những ghi chép phần nhiều lại phản đối giả thuyết này. Một trong số đó là nhà sư vĩ đại Long Thọ - người được cho là sinh vào năm 150 TCN, xuất gia tại đây năm lên 7 tuổi. 
Hình ảnh Tổ sư Long Thọ.
Hơn nữa người thầy của ông - Rahul Bhadra - cũng được cho là đã sống ở đây từ trước. Từ đấy có thể suy luận rằng Viện Nalanda đã phải có từ rất lâu trước đó.
Tuy nhiên, Nalanda đã bị phá hủy trong cuộc xâm lược của Hồi giáo vào thế kỷ XII. Nơi đây bị đội quân người Turk do Bakhtiyar Khilji chỉ huy tàn phá năm 1193. 
Nhiều tu viện bị phá hủy, các tu sĩ phải chạy trốn khỏi vùng. Theo truyền thuyết kể lại, thư viện của Nalanda lớn đến nỗi phải mất 3 tháng sau khi bị châm lửa thì thư viện mới cháy hết. 
Vào năm 2006, Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và một số nước khác đã cùng thành lập một dự án để tôn tạo, phục hồi tại di tích cổ xưa này.
Lại nói về Đường Tăng, ông đã tìm đến Viện Nalanda và nhận ra rằng, tư tưởng Phật giáo Ấn Độ thực sự rộng lớn hơn nhiều so với những tài liệu được lưu hành tại Trung Hoa. 
Ông đã dành 5 năm học tập tại ngôi trường này và trở thành một trong 10 nhà sư duy nhất của viện lĩnh hội được 50 bộ kinh Phật, được trao danh hiệu Tam Tạng. 
Sau đó ông tiếp tục đi khắp Ấn Độ và đến thăm những di tích Phật giáo nổi tiếng khác. Ông thậm chí đã vượt biển và đến được Sri Lanka - nơi phát triển hưng thịnh của Phật giáo.
Cuộc hành trình đầy gian khổ của ông qua hơn 130 quốc gia khác nhau được thực hiện trên lưng ngựa và đi bộ đường dài đúng theo hình tượng trong phim.
Khi trở về Trung Hoa, Đường Tăng đã mang về một khối lượng khổng lồ 600 bộ kinh luận viết bằng tiếng Phạn, sau đó dịch toàn bộ số này sang tiếng Trung. Nhà sư đã có những cống hiến to lớn đối với sự phát triển của nền Phật giáo và được tôn thờ như một Thánh Tăng.
Theo Trí Thức Trẻ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm