Thảm họa kinh hoàng: Tàu lửa lao qua đám đông, 60 người tử nạn

Một đám đông đang đứng ngắm pháo hoa được bắn tại một lễ hội tôn giáo thì bị một đoàn tàu lửa cao tốc chạy tông tràn qua làm ít nhất 60 người chết và 50 người bị thương. Con số người chết và bị thương được ông Sukhwinder Singh, nhân viên bảo vệ đường ray, xác nhận sáng nay (20-10).

Vụ việc xảy ra tại ngoại ô TP Amritsar, bang Punjab (Ấn Độ) tối qua (19-10), theo Press Trust of India. Lý do được cho là vì đám đông đã ngồi tràn ra cả đường ray ngắm pháo hoa và không hay biết đoàn tàu chạy tới vì quá ồn. 

Theo Press Trust of India, sở dĩ thương vong quá cao là vì thời điểm đó có tới hai đoàn tàu đi đến trên hai đường ray từ hai hướng khác nhau, khiến đám đông không có nhiều khoảng trống để chạy thoát thân. Theo lời nhà chức trách địa phương, tất cả thương vong đều do một đoàn tàu đâm phải, nhưng nếu không có đoàn tàu thứ hai chắn đường mọi người có thể có cơ hội chạy tránh nhanh hơn.

Thi thể một nạn nhân trên đường ray ở ngoại ô TP Amritsar, bang Punjab (Ấn Độ) tối 19-10. Ảnh: AP

Thi thể một nạn nhân trên đường ray ở ngoại ô TP Amritsar, bang Punjab (Ấn Độ) tối 19-10. Ảnh: AP

Một người bị thương - anh công nhân Shatrughan Das (35 tuổi) cho biết thảm họa xảy ra khi anh đang ngồi gần đường ray xem pháo hoa.

“Tôi không hề thấy tàu chạy đến. Tôi bất tỉnh. Tỉnh dậy, tôi thấy cảnh sát đang đưa tôi đến bệnh viện. Tôi thấy đau đầu khủng khiếp, cả đau ở lưng và hai chân” - anh Das nói trong khi nằm trên giường bệnh.

Một nhân chứng nói đoàn tàu không hề bóp còi khi chạy ngang qua địa điểm hàng trăm người đang tập trung xem đốt pháo hoa. Theo nhân chứng này, ban đầu mọi người đứng cách xa đường ray xem nhà tổ chức đốt một hình nộm quỷ Ravana trong lễ hội Dussehra của người theo đạo Hindu. Lát sau, hình nộm cháy kích hoạt pháo hoa trên cao, đám đông bắt đầu lùi dần ra phía đường ray để dễ ngắm pháo hoa.

“Tại sao nhà chức trách lại cho phép đốt pháo hoa quá gần đường ray?” - nhân chứng này đặt câu hỏi. Anh cho biết hai người anh em của anh đã bị tàu tông chết.

Đám đông tại hiện trường sau tai nạn. Ảnh: AFP

Đám đông tại hiện trường sau tai nạn. Ảnh: AFP

Một nhân chứng khác nói rằng các nạn nhân đã không nhận ra đoàn tàu đang chạy tới vì tiếng pháo hoa quá lớn.

Sau khi tai nạn xảy ra, một lượng lớn người dân kéo đến la hét chất vấn tại sao nhà tàu không cảnh báo khi tàu tới.

Bà Navjot Kaur Siddhu, một nghị sĩ đại diện địa phương là khách mời của buổi lễ hội, cho biết lễ hội diễn ra ở khu vực này hằng năm, và bộ phận quản lý đường ray đã được cảnh báo phải báo hiệu cho tàu chạy tốc độ chậm khi qua khu vực này. Theo bà Siddhu, ở hai bên đường ray cũng có rất nhiều người dân sinh sống.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Manoj Sinha, các nhà tổ chức lễ hội đã không thông báo với bộ phận quản lý đường ray về kế hoạch tổ chức lễ hội ở đây. Ông Sinha đã đến hiện trường tối 19-10.

Đám đông giận dữ mang thi thể người bị tàu tông chết đến la hét tại một địa điểm quản lý đường ray ở ngoại ô TP Amritsar, bang Punjab (Ấn Độ). Ảnh: AP

Đám đông giận dữ mang thi thể người bị tàu tông chết đến la hét tại một địa điểm quản lý đường ray ở ngoại ô TP Amritsar, bang Punjab (Ấn Độ). Ảnh: AP

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi nói ông vô cùng đau lòng khi nghe tin tai nạn.

“Đã yêu cầu các quan chức hỗ trợ ngay lập tức cho người dân” - Thủ tướng Modi viết trên Twitter.

Chuyện tai nạn liên quan đến tàu lửa ở Ấn Độ không hiếm nhưng vụ tai nạn tối 19-10 có thể xem là thảm họa kinh hoàng nhất ngành đường sắt Ấn Độ trong vài năm gần đây. Vụ nghiêm trọng gần nhất là vào năm 2016, 146 người chết khi một đoàn tàu trật đường ray ở Đông Ấn Độ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm