Thái Lan vật lộn với khủng hoảng COVID-19

Thái Lan từng kiểm soát dịch bệnh thành công cho đến khoảng đầu tháng 4 năm nay - khi làn sóng thứ ba bắt đầu nổi lên. Tính đến ngày 26-7, chỉ riêng làn sóng thứ ba chiếm tới 94% tổng ca nhiễm và 98% tổng số nạn nhân tử vong từ đầu dịch.

Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Bộ Y tế Thái Lan cho biết nước này ngày 26-7 ghi nhận kỷ lục số ca nhiễm trong 24 giờ với 15.376 ca, đưa tổng số ca nhiễm vượt mốc 520.000, trong đó khoảng 4.200 người chết. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới trong ngày ở mức hơn 10.000. Ca bệnh tăng cao gây áp lực lớn lên hệ thống y tế.

 Hàng trăm học giả và nhân viên truyền thông hôm 26-7 đã ra tuyên bố chung thể hiện sự bất bình trước chương trình tiêm vaccine của chính quyền Thái Lan, kêu gọi nhà chức trách cần minh bạch hơn các hợp đồng vaccine, bao gồm thông tin chi tiết ai sẽ được tiêm và tiêm vaccine loại nào, cũng như những loại vaccine nào sẽ được chuyển đến, theo tờ The Guardian.

Hệ thống y tế căng mình

Tuần trước, Giám đốc chương trình khẩn cấp thuộc chi nhánh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chi nhánh Thái Lan - ông Richard Brown đánh giá phản ứng của chính phủ Thái Lan với các biến thể virus mới là “thiếu thận trọng” và điều này góp phần làm số ca nhiễm tăng vọt khắp nơi. Dù khen ngợi phản ứng lúc đầu của Thái Lan với làn sóng dịch đầu tiên năm ngoái nhưng ông cho rằng lúc này Thái Lan đã “đưa ra những quyết định sai lầm khi bản chất của mối đe dọa thay đổi”.

Tại thủ đô Bangkok, số ca nhiễm mới vẫn còn cao nhưng mức tăng đã bắt đầu ít lại. Theo ông Taweesap Siraprapasiri, điều này có thể là nhờ kết quả các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt được áp dụng thời gian qua. Trong khi đó, số ca nhiễm ở các tỉnh, thành khác lại tăng mạnh. Dịch bệnh đang lây lan từ Bangkok và các khu vực lân cận đến các tỉnh.

Chia sẻ với tờ The Bangkok Post, phát ngôn viên Trung tâm quản lý đại dịch COVID-19 Thái Lan (CCSA) - TS Apisamai Srirangson cho biết hiện nay số bệnh nhân COVID-19 được điều trị vẫn còn khá cao so với số người được xuất viện. Trong khi đó, quan chức cấp cao tại Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan - ông Taweesap Siraprapasiri đánh giá số ca nhiễm mới ở Thái Lan hiện nay đang trên một đường cong dốc lên, tăng gấp đôi hoặc gấp ba hằng tuần.

Lực lượng y tế ở các tỉnh mỗi ngày phải tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi xin trợ giúp của bệnh nhân COVID-19, song không thể đáp ứng hết khiến công tác di chuyển bệnh nhân về nơi an toàn bị ảnh hưởng đáng kể.

Một vấn đề khác là tình trạng thiếu giường bệnh hồi sức để tiếp nhận các ca nặng. Cục trưởng Cục Dịch vụ y tế Thái Lan (DMS) Somsak Ankasil hôm 26-7 đã phải thừa nhận rằng tất cả giường dành cho bệnh nhân nặng tại các BV công ở thủ đô Bangkok đã kín chỗ. Cả thủ đô chỉ còn khoảng 250 giường trong các BV dã chiến và hơn 1.000 giường trong các BV - khách sạn dành cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ.

Giới chức y tế Bangkok đã đề nghị quân đội can thiệp giúp ứng phó với sự gia tăng số bệnh nhân COVID-19 mới. Quân đội Thái Lan hiện có tổng cộng 37 bệnh viện (BV) quân y, chủ yếu ở các tỉnh. Các BV quân y mở các BV dã chiến trong khuôn viên mình nhằm giải quyết số lượng người mắc bệnh ngày càng tăng.

Người phát ngôn lục quân Thái Lan Santipong Thammapiya cho biết nếu các BV dã chiến được mở tại tất cả 37 BV quân y thì sẽ có tổng cộng 3.600 giường bệnh. Hiện có 20 BV quân y hoạt động kiêm nhiệm BV dã chiến, trong đó có hai BV ở Bangkok.

Người dân Thái Lan xét nghiệm COVID-19 tại một BV ở thủ đô Bangkok ngày 24-7. Ảnh: AP

Khan hiếm vaccine, cân nhắc gia nhập COVAX

Sự chậm trễ trong chương trình tiêm chủng cũng khiến đợt dịch lần này khó kiểm soát hơn trước. Thái Lan từng đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 50 triệu dân vào cuối năm nay nhưng cho đến nay mới chỉ có khoảng 5,6% dân số được tiêm đủ hai liều và khoảng 19% khác được tiêm ít nhất một liều, theo số liệu của tổ chức Our World in Data. Nhu cầu tiêm vaccine của người dân lớn tới mức mạng xã hội ở Thái Lan những ngày gần đây xuất hiện những hình ảnh hàng ngàn người xếp hàng trong các bãi đỗ xe và cơ quan y tế chờ được tiêm. Thậm chí tại TP Nakhon Pathom, một thành phố ở miền trung Thái Lan, có hàng chục ngàn người lái ô tô chờ xếp hàng dài cả kilomet trước một trung tâm tiêm chủng.

Việc Thái Lan khó tiếp cận nguồn vaccine có phần lý do ở việc nước này không tham gia chương trình Sáng kiến Vaccine toàn cầu (COVAX), mà chủ yếu nhờ vào các nguồn vaccine tự thương thảo mua trực tiếp.

Theo The Bangok Post, lượng vaccine sử dụng ở Thái Lan chủ yếu dựa vào nguồn cung hãng dược AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) đặt Công ty Siam Bioscience của Thái Lan sản xuất trong nước. Ngoài ra còn có vaccine của Sinovac (Trung Quốc). Do AstraZeneca cũng đang phải chịu áp lực giao hàng cho các nước đã đặt vaccine từ trước nên việc cung cấp vaccine cho Thái Lan bị chững lại.

Thái Lan đang tích cực thúc giục để các đơn hàng được giao sớm, đàm phán để mua thêm vaccine từ các nguồn khác, cũng như cân nhắc tham gia COVAX để cải thiện nguồn cung vaccine.

Việc cần làm hiện tại để áp chế dịch, theo Giám đốc Viện Vaccine quốc gia Thái Lan (NVI) Nakorn Premsri, cần tái áp dụng các biện pháp đã thực hiện trong làn sóng dịch đầu tiên ở Thái Lan. Tuy nhiên, để có thành công như năm ngoái phải có sự hợp tác từ nhiều bên, đặc biệt là chính phủ và người dân. Theo ông, “dù biện pháp có tốt như thế nào đi nữa nhưng nếu không có sự hợp tác của người dân thì chúng ta có thể đối mặt với mức độ lây nhiễm thậm chí nghiêm trọng hơn, giống những gì đã xảy ra ở các nước khác”.

Bên cạnh đó, điều cấp thiết lúc này là đẩy mạnh hơn nữa tốc độ tiêm chủng, nhất là tiêm phòng các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người trên 65 tuổi và người có nhiều bệnh nền nếu muốn giảm gánh nặng cho hệ thống y tế và giảm bớt số ca tử vong hằng ngày.•

 

Vì mục tiêu không bệnh nhân nào bị bỏ lại phía sau

Theo hãng tin AP, trong bối cảnh hệ thống y tế nhiều địa phương quá tải khiến nhiều bệnh nhân COVID-19 bị bỏ lại phía sau, nhiều tổ chức tình nguyện ở Thái Lan nhanh chóng được lập ra để hỗ trợ chính quyền.

Tại Bangkok, các tổ chức này lập quy trình sàng lọc bệnh nhân và mạng lưới cứu trợ riêng, chủ động tiếp nhận và vận chuyển bệnh nhân đến các trung tâm xét nghiệm COVID-19 hoặc BV dã chiến. Đơn cử, ông Chris Potranandana, đồng sáng lập tổ chức Zendai - tổ chức giúp đỡ gần 13.000 bệnh nhân kể từ lúc thành lập hồi tháng 4, chia sẻ: “Chúng tôi hoạt động như sợi dây liên kết, nhanh chóng hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 tiếp cận dịch vụ y tế. Zendai không muốn bất cứ bệnh nhân nào bị tước đi cơ hội được sống chỉ vì chưa thể liên lạc với BV”.

Zendai và nhiều tổ chức tình nguyện khác đang kết hợp với chính quyền các cấp xây dựng thêm BV dã chiến và nhà tạm trú cộng đồng, chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn.

Tại khu Samai ở Bangkok, một nhóm tình nguyện khác là Saimai Will Survive của anh Ekapob Laungprasert đã làm việc suốt ngày đêm. Tổ chức này nhận khoảng 100 cuộc gọi khẩn cấp mỗi ngày từ những bệnh nhân COVID-19 để hỗ trợ.

“Chúng tôi nhận thấy các bác sĩ và y tá đã làm việc cật lực và mệt mỏi như thế nào. Những gì chúng tôi đang cố gắng làm hôm nay là giúp chia sẻ phần nào gánh nặng. Trước đây, tất cả ca bệnh đều phải vào viện nên hiện không còn giường bệnh. Vì vậy, chúng tôi tình nguyện giúp đỡ” - anh Ekapob cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm