Thái Lan: Thượng đỉnh ASEAN là phép thử cho uy tín của khối

Hôm 22-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thảo luận về tình hình Myanmar sẽ là một phép thử cho uy tín và sự thống nhất của khối, kênh Channel News Asia đưa tin.

Sáng cùng ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã thảo luận về hội nghị thượng đỉnh ASEAN trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo.

Theo thông cáo báo chí, trong cuộc trò chuyện, ông Prayut thừa nhận rằng tình hình ở Myanmar là một vấn đề thách thức đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trong cuộc họp báo trực tuyến cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat xác nhận ông Prayut sẽ cử Ngoại trưởng Don Pramudwinai tham dự hội nghị thượng đỉnh vì Thủ tướng Prayut phải ở Thái Lan để chỉ đạo đối phó với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nước này.

Ông Tanee cho biết các nước ASEAN nhận thức được kỳ vọng của quốc tế đặt vào khối này trong việc mang lại những kết quả cụ thể thông qua hội nghị thượng đỉnh tới.

 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat. Ảnh: BANGKOK POST

Ông Tanee nói: “Giờ đây, các thành viên gia đình ASEAN bao gồm Myanmar phải cùng nhau bảo vệ sự thống nhất và uy tín của khối”.

Trước đó, đã có một số lời kêu gọi trục xuất Myanmar khỏi khối vì nguyên tắc của ASEAN là không can dự vào công việc nội bộ của các thành viên.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ diễn ra tại Jakarta, Indonesia vào ngày 24-4 tới. Thống tướng Min Aung Hlaing - chỉ huy lực lượng quân đội Myanmar sẽ tham dự cuộc gặp này.

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ cuộc chính biến, tờ Nikkei Asia đưa tin. Tuy nhiên, sự tham gia của tướng này đã khiến các nhà hoạt động, các nhóm nhân quyền và những nhà lập pháp dân sự tức giận.

Đặc phái viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener dự kiến sẽ rời Bangkok đến Jakarta để tham dự các cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh.

Tình hình ở Myanmar ngày càng diễn biến phức tạp. Theo một nhóm quan sát địa phương, tình hình ở Myanmar ngày càng đẫm máu khi lực lượng quân đội nước này đã giết chết ít nhất 739 người biểu tình kể từ khi chính biến bùng nổ vào ngày 1-2.

Điều tra viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc Tom Andrews cho biết quân đội Myanmar đã tăng cường sử dụng vũ lực sát thương để dập tắt các cuộc biểu tình phản đối chính biến. Ông ước tính có khoảng 250.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa của mình do các hoạt động trấn áp của quân đội.

Hôm 22-4, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) đã cảnh báo rằng "nạn đói và sự tuyệt vọng" lan tràn trên khắp Myanmar. Lý do là tình trạng nghèo đói tồn tại từ trước nay cộng thêm sự hoành hành của COVID-19 và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng chính trị.

Giám đốc WFP Myanmar Stephen Anderson, cho biết: “Ngày càng nhiều người nghèo bị mất việc làm và không đủ tiền mua thực phẩm”. Ông kêu gọi sự phối hợp phản ứng để giảm thiểu tình trạng này và ngăn chặn sự báo động về an ninh lương thực.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm