Thái Lan: Không kê khai tài sản, bộ trưởng sẽ mất chức

Tài sản của vợ cũng phải khai

Ngày 9-4, Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej tuyên bố Bộ trưởng Y tế Chaiya Sasomsab sẽ phải từ chức vì không khai báo tài sản đầy đủ và đúng hạn. Nếu bị mất chức thì ông Chaiya Sasomsab sẽ là bộ trưởng đầu tiên của Thái Lan ra đi do vi phạm quy định kê khai tài sản.

Thủ tướng Samak Sundaravej cũng nói rõ số phận chính trị của Bộ trưởng Chaiya Sasomsab tùy thuộc vào quyết định của Ủy ban Phòng chống tham nhũng quốc gia Thái Lan.

Cách đây bốn hôm, Ủy ban Phòng chống tham nhũng quốc gia cho biết đã phát hiện phu nhân Bộ trưởng Y tế Chaiya Sasomsab đang giữ 25.000 cổ phiếu trị giá tổng cộng 2.5 triệu baht (1,2 tỷ đồng VN), bằng phân nửa số cổ phiếu niêm yết của một công ty. Như vậy, số cổ phiếu này đã vượt hạn mức cho phép là 5%.

Bộ trưởng Y tế Chaiya Sasomsab biết điều đó nhưng không tự giác khai báo trước thời hạn cuối cùng vào ngày 6-3 vừa qua (ông nhận chức ngày 6-2).

Điều 182 Hiến pháp Thái Lan năm 2007 quy định: Các thành viên chính phủ sẽ bị cách chức nếu vi phạm luật pháp.

Điều 269 Hiến pháp cũng quy định: Bộ trưởng, vợ hoặc chồng và con cái dưới tuổi quy định theo pháp luật đang giữ cổ phần trong công ty nào đó thì bộ trưởng phải có trách nhiệm khai báo cho Ủy ban Phòng chống tham nhũng quốc gia trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhậm chức. Sau đó, những người giữ cổ phiếu phải chuyển nhượng phần cổ phiếu vượt mức quy định cho một pháp nhân khác.

Trong thư gửi Ủy ban Phòng chống tham nhũng quốc gia hôm 2-4, Bộ trưởng Chaiya Sasomsab giải thích nguyên nhân khai báo chậm trễ là do có nhầm lẫn vì ông tưởng quy định về hạn mức sở hữu cổ phiếu công ty chỉ áp dụng cho bản thân các thành viên chính phủ chứ không phải cho người thân trong gia đình.

Sau khi phát hiện sự việc, Ủy ban Phòng chống tham nhũng quốc gia đã gửi thư cho Bộ trưởng Chaiya Sasomsab thông báo ông không còn đủ tư cách để tiếp tục giữ chức bộ trưởng. Sau đó, Ủy ban quyết định giải trình vấn đề này cho Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Thái Lan và trình lên Tòa án hiến pháp để xin quyết định.

Theo Bộ Nội vụ Thái Lan, Tòa án hiến pháp là nơi sẽ ra tuyên bố cuối cùng về việc đi hay ở của Bộ trưởng Y tế Chaiya Sasomsab.

Lỡ nhận hối lộ nên thú tội

Tại Bangladesh, Quốc hội đang xem xét kế hoạch thành lập Ủy ban Sự thật và giải trình để người trót tham nhũng, nhận hối lộ đến thú tội và giao nộp số tiền thu lợi trái phép. Dự kiến ủy ban này sẽ chính thức ra mắt vào ngày 15-4.

Các quan chức đã thú tội tuy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ bị mất chức, không còn quyền ứng cử và làm việc cho bất kỳ cơ quan công quyền nào.

Người đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị kết án về tội tham nhũng hoặc đang trong quá trình bị điều tra về tham nhũng sẽ không được hưởng đặc ân này.

Giới luật sư ở Bangladesh cho rằng cần thiết phải thành lập Ủy ban Sự thật và giải trình vì hai lý do: 1. Không thể nào đưa hết các con sâu tham nhũng ra tòa; 2. Giảm bớt gánh nặng cho hệ thống xét xử và tạo cơ hội cho những ai lỡ nhúng chàm làm lại cuộc đời từ đầu.

Theo công bố của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Bangladesh là một trong những nước có mức tham nhũng cao nhất thế giới. Hiện nay, hai cựu thủ tướng Khaleda Zia (1991-1996, 2001-2006) và Hasina Wajed (1996-2001) cùng với gần 170 quan chức bị bắt trong chiến dịch trấn áp tội phạm tham nhũng tiến hành hồi tháng 2-2007 vẫn đang chờ hầu tòa.

Ngày 2-4, Trung tâm đấu tranh chống tham nhũng của Haiti đã mở chiến dịch tuyên truyền, vận động về Luật Kê khai tài sản. Luật sẽ có hiệu lực vào ngày 18-2-2009, tức một năm sau khi được phê chuẩn.

Tại luật, toàn bộ công chức các cấp phải kê khai tài sản cả trong nước lẫn ở nước ngoài.

Thời gian kê khai là 30 ngày sau khi được bổ nhiệm và 30 ngày sau khi rời khỏi nhiệm vụ. Công chức sẽ kê khai tài sản với thư ký tòa án chứ không phải khai tại nhà. Ba tháng sau khi hết hạn kê khai, công chức nào không kê khai tài sản sẽ bị trừ 1/4 lương. H.DUY (Theo Reuters, Haiti Press Network)

MINH NHỰT - HỒNG CẨM (Theo Bangkok Post, AFP, Reuters, Daily Star)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm