Thách thức đối ngoại nào 'để sẵn' trên bàn tân tổng thống Mỹ?

Kênh CNN ngày 30-10 dẫn lời các chuyên gia cho biết việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự đang là một trong những vấn đề đối ngoại lớn nhất mà tổng thống tiếp theo của Mỹ phải đối mặt.

Theo các chuyên gia, những thách thức mà tân tổng thống phải giải quyết bao gồm Đài Loan, Biển Đông và cách thức duy trì quan hệ với các đồng minh.

Ông Trump (trái) và ông Biden. Ảnh: CNN

Đài Loan

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Washington công khai ủng hộ hòn đảo tự trị, từ các chuyến thăm của các quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ cho tới việc bán vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu F-16.

Các nhà phân tích cho rằng với tình trạng hiện tại, khả năng ông Trump hoặc đối thủ Joe Biden rút khỏi vấn đề Đài Loan là rất thấp.

Ông Timothy Heath, nhà nghiên cứu cấp cao của tổ chức phi lợi nhuận RAND Corp chuyên nghiên cứu phát triển chính sách của Mỹ, cho biết ông Biden có thể có một số nhượng bộ nhỏ đối với Bắc Kinh, như dừng các chuyến thăm mới của các quan chức cấp cao đến Đài Loan hay hạn chế bán các vũ khí tối tân cho lãnh thổ này.

Ông Heath nói: "Bất kể ai thắng, Mỹ có thể vẫn sẽ tiếp duy trì mối quan hệ hữu nghị với Đài Loan và chỉ trích các nỗ lực của Trung Quốc nhằm đe dọa và gây bất ổn trên hòn đảo này".

Các nhà phân tích dự đoán Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ trước vấn đề Đài Loan và tiếp tục tăng cường các chuyến bay của lực lượng không quân và các cuộc tập trận hải quân ở các vùng biển gần đó - bất kể ai đang điều hành Nhà Trắng.

Bà Elizabeth Freund Larus - Trưởng khoa Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Mary Washington nói với trang The Diplomat: "Trung Quốc sẽ không dừng lại và nhiều khả năng sẽ tăng cường các chuyến bay qua không phận Đài Loan".

Theo các chuyên gia, việc quân đội Mỹ nhiều lần gửi các tàu chiến và máy bay quân sự đến khu vực xung quanh Đài Loan có thể gây ra các sự cố ngoài ý muốn, gây hiểu lầm giữa hai bên và châm ngòi cho các cuộc xung đột lớn hơn.

Biển Đông

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông và tăng cường các nỗ lực nhằm khẳng định vị thế thống trị của mình đối với vùng biển giàu tài nguyên này. Trong những năm gần đây, Trung Quốc biến hàng loạt rạn san hô và đảo san hô thành các đảo nhân tạo kiên cố và gia tăng hoạt động hải quân trong khu vực.

Mặc dù Mỹ không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông những đã công khai phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực.

Theo phân tích của ông Heath, việc triển khai quân đội của Mỹ ở Biển Đông vẫn sẽ tiếp tục, bất kể tân tổng thống là ai.

"Nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc tập trận quân sự và tuần tra hàng hải ở Biển Đông. Vùng biển này rất quan trọng đối với an ninh và sự phát triển của Mỹ vì đây là tuyến đường chiến lược đến Ấn Độ Dương để thực hiện mục đích quân sự và giao lưu thương mại" - ông Heath nói.

Trong khi đó, ông Carl Schuster - cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm tình báo thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho biết ông Biden không rõ ràng trong cách giải quyết tình hình ở Biển Đông.

"Cựu phó tổng thống nói rằng ông ấy sẽ cứng rắn hơn ông Trump trong cách đối phó với Trung Quốc, nhưng lại nói ông sẽ hạn chế đối đầu... Không thể biết được ý ông ấy là gì" - ông Schuster nói.

Trong cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng giữa hai ứng viên tổng thống, ông Biden chỉ nói sẽ cho máy bay Mỹ "bay qua" các vùng nhận dạng của Trung Quốc trong khu vực - điều mà quân đội Mỹ đã làm nhiều lần dưới thời ông Trump. 

Ông Schuster cũng cho biết ông Biden có thể gặp "khó" sau tám năm làm phó tổng thống dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Các quốc gia ở Biển Đông đánh giá các chính sách của ông Obama trong khu vực là "không có tác dụng" -  ông nói.

"Ông Biden sẽ phải vượt qua định kiến này để có được sự hợp tác của họ" - ông Schuster nói thêm.

Giữ quan hệ với các đồng minh

Hiện tại, chính quyền ông Trump đang gặp nhiều khó khăn trong quan hệ với các đồng minh và đối tác quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Việc ông Trump yêu cầu Hàn Quốc và Nhật - hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á phải chi trả thêm các chi phí quốc phòng đã làm xấu đi mối quan hệ giữa Washington với Seoul và Tokyo.

Đầu năm nay, hàng nghìn người Hàn Quốc đang làm việc tại các căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc đã bị sa thải sau khi hai bên không thống nhất được số tiền mà Hàn Quốc phải trả cho sự hiện diện quân sự của Mỹ. Cho đến tháng 6, hai nước mới đạt được thỏa thuận chung.

Quan hệ Mỹ-Nhật đang được cải thiện khi Tokyo thông báo tăng 8,3% ngân sách quân sự - điều mà các nhà phân tích cho rằng một phần là do áp lực từ chính quyền ông Trump.

Các nhà phân tích cho rằng những nỗ lực chia sẻ gánh nặng quốc phòng có thể suôn sẻ hơn dưới thời ông Biden, vì cựu phó tổng thống được biết đến như là một người giỏi đàm phán, trái ngược với hình ảnh ông Trump hay đưa ra các yêu cầu đơn phương.

Nhưng ông Schuster cho biết áp lực nội bộ ở cả hai nước có thể khiến vấn đề này trở thành một vấn đề khó cho ông Biden.

Ở Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in muốn giảm chi phí quốc phòng trong bối cảnh nước này muốn cải thiện quan hệ với Triều Tiên.

Trong khi ở Nhật, tân Thủ tướng Yoshihide Suga đang đối mặt với sự lựa chọn giữa phân bổ tiền để mua mới và nâng cấp các loại vũ khí hay chi cho quân đội Mỹ làm nhiệm vụ giữ an ninh cho Tokyo.

Ông Schuster nói: "Tôi nghĩ rằng các cuộc đàm phán về chi phí quân sự sẽ gây khó khăn cho bất kỳ ai là chiến thắng ngày 3-11 tới".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm