Thách thức chờ đón ông Putin ở nhiệm kỳ mới

Ngày 19-3, ông Vladimir Putin đã chính thức tái đắc cử tổng thống Nga với tỉ lệ ủng hộ áp đảo sáu ứng cử viên còn lại. Phát biểu trước những người ủng hộ tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow, ông Putin khẳng định thành công đang chờ đợi ở phía trước. Dẫu vậy, ông chủ của điện Kremlin vẫn còn phải vượt qua rất nhiều thách thức để viết tiếp câu chuyện thành công của nước Nga.

Bài toán kinh tế

Giai đoạn 2014-2016, nền kinh tế Nga đã bị thất thế cùng lúc ở hai mặt trận: Một là giá dầu thô, huyết mạch của nền kinh tế quốc gia, đã sụt giảm mạnh từ 108 USD trong tháng 9-2013 xuống còn dưới 30 USD vào tháng 2-2016; và hai là các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến khủng hoảng Ukraine và việc tái sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga. Hai lý do này đã rút cạn dòng vốn nước ngoài của nền kinh tế Nga, theo Financial Times.

Đến nay, nền kinh tế Nga đang dần thoát khỏi suy thoái, có mức tăng trưởng ổn định và trong năm 2018 đã bắt đầu có những dấu hiệu lạc quan, theo The Moscow Times. Tỉ lệ lạm phát tháng 12-2017 xuống thấp kỷ lục đạt mức 2,5%, trong khi tỉ lệ thất nghiệp cũng duy trì ở mức tương đối thấp 5,1%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 22.540 USD, ngang bằng với một số quốc gia Liên minh châu Âu (EU). Còn theo Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), kinh tế Nga đã hồi phục sau cuộc suy thoái kéo dài hai năm, đạt mức tăng trưởng 1,4% vào năm ngoái chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu dùng và đầu tư nội địa tăng. UBS dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong hai năm tới sẽ tiếp tục tăng, đài CNBC cho biết. Dù vậy, chính quyền Tổng thống Putin phải cần đến một sự cải tổ sâu rộng về cấu trúc hệ thống mới có thể đưa nền kinh tế khôi phục rõ rệt, tờ The Moscow Times bình luận.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đi bỏ phiếu ở Moscow hôm 18-3. Ảnh: CNN

Trong bài diễn văn tranh cử hồi đầu tháng 3-2018, ông Putin cũng cam kết giảm một nửa tỉ lệ đói nghèo trong sáu năm sắp tới và hứa vực nước Nga trở thành một nền kinh tế tốp 5 thế giới. Đây là một mục tiêu không hề dễ dàng khi nước Nga đang đối diện hàng loạt thách thức như tốc độ tăng trưởng còn thấp, dân số già, tình trạng tham nhũng và hậu quả tiêu cực từ trừng phạt. Những cuộc khảo sát gần đây cho thấy người dân Nga chưa hết bi quan trước tình hình kinh tế đất nước, theo CNBC. Ông Daragh McDowell, chuyên gia về Nga tại công ty tư Verisk Maplecroft, nhận xét những tín hiệu khởi sắc có thể được nhìn thấy rõ ở Moscow. Nhưng bên ngoài thủ đô, mức lương thực tế của người dân đã sụt giảm suốt ba năm qua. “Có một cảm nhận chung rằng người dân ở những “khu vực xa xôi” đang dần cảm thấy chán nản với sự xuống cấp về mức sống” - ông McDowell nói với CNBC. Ông cho rằng triển vọng tăng trưởng của Nga trong ba năm tới là không nhiều.

Sóng gió ngoại giao bủa vây

76,66% cử tri bỏ phiếu ủng hộ đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc bầu cử diễn ra ngày 18-3. Đây là tỉ lệ ủng hộ lớn nhất trong bốn lần ông Putin tranh cử tổng thống. 

Nhiệm kỳ tổng thống Nga thứ tư mở ra với ông Putin với những bão tố ngoại giao trong quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây. Các lệnh trừng phạt liên quan đến vấn đề Ukraine vẫn còn đó. Quan hệ giữa Washington và Moscow được đánh giá là tồi tệ nhất từ sau Chiến tranh lạnh mà nổi bật là nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Moscow cũng bị tố cáo đứng sau các vụ tấn công mạng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017. Những va chạm lợi ích giữa Nga và phương Tây trên chiến trường Syria cũng đang leo thang thành các màn đối đầu ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc.

Mới đây nhất, cha con cựu điệp viên hai mang Nga Sergey Skripal đã bị đầu độc ngay trên lãnh thổ nước Anh. Không công bố bằng chứng nào cụ thể, London và chính phủ các nước phương Tây vẫn đòi Moscow chịu trách nhiệm. Những động thái trừng phạt ngoại giao “ăn miếng trả miếng” giữa hai bên vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Giới chuyên gia nhận định để giải quyết những mối quan hệ “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” này là không hề đơn giản và Tổng thống Putin cần nỗ lực rất lớn trong nhiệm kỳ tới đây.

Ông Evgeny Minchenko, nhà tư vấn chính sách ở Moscow, suy đoán khả năng cao ông Putin sẽ không thoái lui. “Ông ấy sẽ nỗ lực hết sức để tìm được cho Nga được sự độc lập tối đa với phương Tây và xây dựng liên minh với các trung tâm quyền lực khác” - ông Minchenko nhấn mạnh với hãng tin Bloomberg. Trong khi đó, theo ông Joerg Forbrig, giám đốc chương trình cao cấp của Quỹ Marshall Đức tại Mỹ, ông Putin sẽ tận dụng sáu năm tới để khẳng định tầm nhìn của mình về một nước Nga mạnh mẽ bất chấp sức ép của phương Tây.

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 18-3 trả lời báo giới rằng các biến động quốc tế sẽ không ảnh hưởng tới tiến trình nội bộ nước Nga, trong đó có việc thành lập nội các mới. Ông Peskov cho hay Tổng thống Putin sẽ có kế hoạch “vô cùng hài hòa, rõ ràng, nhất quán và ấn tượng cho sự phát triển của đất nước”. Theo ông, kế hoạch này đã bắt đầu hình thành với việc đưa ra danh sách chỉ đạo của tổng thống trên cơ sở một lộ trình được vạch ra linh hoạt.

Trong một diễn biến khác, ông Putin đã khẳng định chưa có kế hoạch thay đổi hiến pháp trong thời gian tới. Ông Putin cũng có kế hoạch gặp gỡ các ứng viên tổng thống khác để nói lời cảm ơn họ vì đã tham gia cuộc bầu cử này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm