TEPCO dự tính phá bỏ bốn lò phản ứng

Ngày 30-3, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái Lan cho biết sẽ tiêu hủy một lô hàng khoai tây nhập khẩu từ Nhật vì bị nhiễm phóng xạ iodine-131.

Cùng ngày, Malaysia tạm ngưng nhập thực phẩm chế biến, nông sản và hải sản từ các tỉnh, thành Ibaraki, Tochigi, Gunma, Saitama, Chiba, Tokyo, Kanagawa và Fukushima của Nhật. Bộ Y tế Malaysia thông báo 38 mẫu thực phẩm nhập từ Nhật (chủ yếu là cá, rau quả, sản phẩm từ sữa) nhiễm phóng xạ ở mức thấp.

Tại Hàn Quốc, ngày 30-3, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm thông báo đã phát hiện 14 mặt hàng thực phẩm nhập từ Nhật (dưa, bánh quy, bánh mì…) bị nhiễm phóng xạ. Người dân Hàn Quốc đổ xô đi mua tảo biển và tảo bẹ, hai thực phẩm được xem là có thể chống nhiễm bệnh từ phóng xạ, khẩu trang và thiết bị vệ sinh máy điều hòa.

Từ ngày 29-3, Philippines đã tạm ngưng nhập khẩu thịt, sản phẩm từ sữa, động vật sống, thức ăn chăn nuôi từ bốn tỉnh Fukushima, Ibaraki, Tochigi và Gunma của Nhật nhưng chưa cấm trái cây và rau quả Nhật.

TEPCO dự tính phá bỏ bốn lò phản ứng ảnh 1

Không ảnh do máy bay không người lái chụp hai lò phản ứng số 3(trái) và số 4 bị hư hại. Ảnh: DAILY MAIL

Trong khi đó tại châu Âu, trong ngày 30-3, một số nước thông báo đã phát hiện phóng xạ từ Nhật trong không khí như Anh, Ireland, Thụy Sĩ và Đức. Phóng xạ đều ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tại Mỹ, ngày 29-3, thêm một số bang vùng Trung Tây và Đông Bắc phát hiện phóng xạ iodine-131 trong không khí, nước mưa (TP Cleveland), tuyết (TP Concord) nhưng phóng xạ đều ở mức thấp.

Sở Y tế TP New York khuyên không nên lo sợ vì mức phóng xạ còn thấp hơn mức dùng cho một ca chụp X quang và nước uống vẫn an toàn. Cảng Brownsville ở bang Texas bắt đầu kiểm tra phóng xạ trên tàu thuyền đến từ Nhật.

Tại Nhật, ngày 30-3, Cơ quan An toàn công nghiệp và hạt nhân thông báo hàm lượng phóng xạ iodine-131 trong nước biển gần nhà máy Fukushima số 1 tăng lên gấp 3.335 lần bình thường.

160.000 lần là lượng phóng xạ rò rỉ từ nhà máy Fukushima số 1 ở Nhật so với sự cố rò rỉ phóng xạ từ nhà máy Three Mile Island ở Mỹ (nổ năm 1979). Tuy nhiên, phóng xạ chỉ bằng 1/10 lượng phóng xạ rò rỉ từ nhà máy Chernobyl ở Ukraine (nổ năm 1986). Viện Nghiên cứu năng lượng và môi trường Mỹ công bố ngày 29-3.

Cùng ngày, sau ba tuần làm mát bốn lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 nhưng không thành công, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) dự tính sẽ phá bỏ bốn lò 1, 2, 3 và 4. Người phát ngôn chính phủ Nhật Yukio Edano đề nghị nên hủy cả sáu lò.

Hôm trước đó, Chủ tịch TEPCO Masataka Shimizu đã nhập viện vì huyết áp tăng. Ông Shimizu ngã bệnh từ ngày 16-3 khi nhà máy Fukushima số 1 mới xảy ra sự cố.

Ngày 30-3, Thủ tướng Nhật Naoto Kan và Tổng thống Mỹ Obama đã điện đàm lần thứ ba từ ngày xảy ra thảm họa. Bộ Ngoại giao Nhật cho biết Mỹ và Nhật sẽ hợp tác chặt chẽ để giải quyết sự cố hạt nhân ở nhà máy Fukushima số 1.

Ngày 30-3, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Banri Kaieda đã yêu cầu các công ty chủ quản 50 lò phản ứng hạt nhân phải kiểm tra khả năng chịu được sóng thần. Công tác kiểm tra khẩn cấp được tiến hành trong một tháng. Trong ngày, khói bốc lên từ bảng phân phối điện ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 2. Hiện chưa rõ nguyên nhân sự cố.

ĐĂNG KHOA - KHÁNH UYÊN (Theo Kyodo News, Reuters, Daily Mail)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm