Tàu Mỹ bắn thành công laser thám hiểm sao Hỏa

Tàu Mỹ bắn thành công laser thám hiểm sao Hỏa ảnh 1

Bức ảnh kết hợp phóng đại cho thấy cuộc thí nghiệm bắn tia laser thám hiểm đầu tiên của tàu Curiosity trên sao Hỏa. Ảnh: Ảnh: Reuters.

Theo hãng thông tấn Reuters, lúc 11 giờ GMT ngày 19/8, tàu Curiosity đã bắn 30 xung laser năng lượng cao vào một hòn đá nằm gần vị trí con tàu hạ cánh trong vòng 10 giây. Mỗi xung laser bắn ra có mức năng lượng lên tới hơn 1 triệu watt trong 5 phần tỷ giây.

Các xung laser đã làm bốc hơi một phần của hòn đá, tạo thành một lỗ hổng nhỏ phục vụ mục đích nghiên cứu. Một kính viễn vọng nhỏ gắn trên tàu Curiosity sẽ chịu trách nhiệm phân tích hòn đá đầu tiên trên hành tinh đỏ này thông qua lỗ khoan vừa tạo được.

Việc sử dụng thiết bị bắn laser trên tàu Curiosity như trên được xem như "một thí nghiệm mang tính chiến lược". Các nhà khoa học của NASA dự kiến cũng sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng dữ liệu được tàu thám hiểm “triệu đô” gửi về Trái đất để xác định chính xác thành phần cấu tạo của hòn đá trên sao Hỏa.

Tàu Mỹ bắn thành công laser thám hiểm sao Hỏa ảnh 2

N165 - hòn đá đầu tiên trên sao Hỏa là mục tiêu bắn xung laser thám hiểm của tàu Curiosity. Ảnh: Reuters.

NASA mới đây cũng công bố thông tin cho biết, tàu Curiosity đã đo được nhiệt độ ở hố Gale, nơi nó hạ cánh trên hành tinh đỏ, là 2,85 độ C. Đây được coi là mức nhiệt độ cao bất thường trên sao Hỏa vì nhiệt độ trung bình trên bề mặt hành tinh này khá thấp, chỉ khoảng -31 độ C vào ban ngày và -89 độ C vào ban đêm do ở vị trí cách xa Mặt trời hơn so với Trái đất.

Sau khi “đổ bộ” thành công xuống sao Hỏa ngày 6/8 và được “cấy não” trong tuần vừa qua, tàu Curiosity đã bắt đầu bắt đầu hành trình khám phá sao Hỏa và đều đặn chuyển dữ liệu về Trái đất. Trước khi tàu thám hiểm tự hành này thực hiện hành trình dài 7km, kéo dài trong 6 tháng tới chân núi Sharp (vách của hố Gale), ban quản lý sứ mệnh của NASA đang có kế hoạch cho Curiosity tiến hành một "cuộc dạo chơi" tới khu vực nằm cách vị trí hạ cánh khoảng 500m.

Theo Tuấn Anh tổng hợp (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm