Tàu chiến Mỹ vào sát đá Subi, Vành Khăn

Tàu khu trục phóng tên lửa USS Lassen của hải quân Mỹ. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Tàu Trung Quốc bám theo

Báo chí Mỹ đã dẫn nguồn tin từ chính quyền Mỹ đồng loạt đưa tin sáng 27-10, tàu khu trục phóng tên lửa USS Lassen của Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý của đá Subi.

Đây là một trong bảy đá đã được Trung Quốc bồi đắp trái phép trở thành đảo nhân tạo trong suốt hai năm qua ở biển Đông.

Tàu USS Lassen đã được triển khai ở biển Đông từ cuối tháng 5. Hôm 27-10, tàu khởi hành từ cảng Yokosuka (Nhật), căn cứ của Hạm đội 7.

Đài truyền hình CNN cho biết Tổng thống Obama đã phê chuẩn chuyến công tác của tàu USS Lassen.

Báo New York Times đưa tin Tổng thống Obama đã phê chuẩn trong tháng này.

Reuters giải thích chuyến tuần tra kéo dài vài tiếng và tàu USS Lassen cũng đã đi vào khu vực 12 hải lý của đá Vành Khăn.

Đài truyền hình ABC News khẳng định có các tàu chiến Trung Quốc trong khu vực khi tàu USS Lassen lưu thông trên biển Đông, dù vậy các tàu Trung Quốc không có biểu hiện gì đặc biệt.

Các tàu này đã bám theo tàu USS Lassen trong khi tàu Mỹ đi qua các khu vực khác ở biển Đông trong những ngày trước đó.

Hai máy bay hộ tống tàu

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết tàu USS Lassen được một máy bay tuần tra biển P-8A của hải quân Mỹ và một máy bay thám sát P-3 hộ tống trong khi đến gần đá Subi.

Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo các chuyến công tác tuần tra tiếp theo sẽ được thực hiện trong những tuần tới.

Báo New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ (giấu tên) nhận xét có nhiều tuyến đường có thể sử dụng ở quần đảo Trường Sa nhưng hải quân Mỹ đã cân nhắc chọn đường đi vào vùng biển Trung Quốc yêu sách chủ quyền.

Báo Washington Post nêu chuyến công tác kết thúc không gặp sự cố nào.

Phía Mỹ không báo trước với Trung Quốc về chuyến công tác của tàu USS Lassen.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby giải thích không cần tham vấn các nước khi tiến hành quyền tự do hàng hải trong hải phận quốc tế.

Ông cho rằng yêu sách chủ quyền đáng ngờ vực (ám chỉ Trung Quốc) là một trong những lý do cần xây dựng hải quân đủ mạnh để bảo vệ tự do hàng hải trong hải phận quốc tế.

Nhà Trắng không nêu chi tiết sự kiện tàu USS Lassen đi vào biển Đông.

Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest ghi nhận khi đứng cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc họp báo tại Vườn hồng hồi tháng trước, Tổng thống Obama đã từng tuyên bố Mỹ sẽ hành động, bay và đi tàu đến bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Philippines và Hàn Quốc ủng hộ

Tự do hàng hải và bay qua theo luật pháp quốc tế là quan điểm Philippines và Hàn Quốc đều ủng hộ.

Báo Philippine Daily Inquirer đưa tin Tổng thống Benigno Aquino III cho rằng cần phải bảo đảm tự do hàng hải, do vậy sáng kiến của Mỹ không có gì sai trái.

Ông nhấn mạnh: “Nếu chúng ta nói chúng ta ủng hộ tự do hàng hải… trong khi chúng ta tìm cách cản trở lưu thông thì tôi nghĩ điều đó không tương thích”.

Về phía Hàn Quốc, hãng tin Yonhap ghi nhận Hàn Quốc đã tỏ thái độ dè dặt hơn.

Ngày 27-10, Tổng thống Park Geun-hye đã phát biểu tại diễn đàn về hòa bình và ổn định khu vực nhưng bà không nhắc đến sự kiện tàu USS Lassen.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Noh Kwang-il chỉ tuyên bố: “Chúng tôi đang xác định sự kiện”.

Dù vậy, về chuyện Trung Quốc xây đảo nhân tạo, người phát ngôn nhắc lại quan điểm của chính phủ: “Bảo vệ tự do hàng hải và bay qua cùng với thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) là quan trọng cho hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Trung Quốc phản ứng gay gắt

Trung Quốc đã vin vào lập luận “duy trì hòa bình và ổn định khu vực” để phản ứng với Mỹ và khăng khăng nói tàu chiến Mỹ đi vào lãnh hải Trung Quốc.

Tân Hoa xã (Trung Quốc) đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc sẽ xác minh và nếu điều đó đúng sự thật, “chúng tôi khuyến cáo Mỹ suy nghĩ lần nữa, đừng hành động mù quáng hoặc làm điều xấu từ chuyện không đâu”.

Kế tiếp, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Chu Hải Quyền nói: “Chúng tôi yêu cầu Mỹ không nói hay làm điều gì khiêu khích và hành động có trách nhiệm”.

Sau đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng tàu chiến Mỹ đi vào gần đá Subi “bất hợp pháp” vì không được chính phủ Trung Quốc đồng ý.

Phía Trung Quốc cho biết tàu USS Lassen đã bị Trung Quốc theo dõi, cảnh báo và Trung Quốc sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình. Ông Lục Khảng còn dọa Trung Quốc sẵn sàng đáp trả mọi khiêu khích.

- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Hà Huy Thông: Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS nhưng họ rất tôn trọng luật biển quốc tế. Khái niệm 12 hải lý chính là đề xuất của họ. Nay họ đưa tàu vào khu vực trong 12 hải lý ở đá Subi nơi Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp trái phép có ý nghĩa quan trọng. Cuộc tuần tra ấy vô hiệu các tuyên bố chủ quyền mập mờ của Trung Quốc ở Trường Sa; vô hiệu giá trị mà Trung Quốc mong chờ khi bồi đắp các đá, bãi chìm. Về phía Việt Nam, tôi cho rằng chúng ta ủng hộ bất cứ đóng góp nào tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông và đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực.

- Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa: Việc Trung Quốc bồi đắp, xây dựng, tôn tạo các đá, bãi chìm trên khu vực Trường Sa là vi phạm luật pháp quốc tế. Các công trình nhân tạo ấy không có lãnh hải 12 hải lý theo Luật Biển của LHQ. Do đó, việc Mỹ điều tàu hải quân đi tuần tra như báo chí phản ánh là bình thường.

NGHĨA NHÂN ghi

Tiêu điểm

“Thách thức yêu sách của Trung Quốc, Mỹ đưa tàu chiến gần các đảo nhân tạo”.

(Tựa đề của báo New York Times)

Chuyến công tác của tàu USS Lassen nhằm thử lời hứa Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói trong chuyến thăm Mỹ rằng Trung Quốc không quân sự hóa các đảo.

Báo Washington Post 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm