Tang tóc Thổ Nhĩ Kỳ

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo tổ chức ba ngày quốc tang để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ nổ kép ngày 10-10 trước nhà ga chính ở thủ đô Ankara.

Ba tổ chức bị nghi vấn

Tối 10-10, 10.000 người đã xuống đường biểu tình ở Istanbul để phản đối Tổng thống Recep Tayyip Erdogan (Hồi giáo bảo thủ) và đảng Công lý và Phát triển cầm quyền từ 13 năm nay.

Biểu tình cũng đã diễn ra ở nhiều tỉnh, thành. Tại Diyarbakir (có đa số dân là người Kurd), xung đột xảy ra giữa người biểu tình với cảnh sát. Sáng 11-10, người dân lại tiếp tục biểu tình ở Ankara.

Nhiều cuộc biểu tình cũng đã diễn ra ở châu Âu. Tại Zurich (Thụy Sĩ), hãng tin ATS cho biết khoảng 1.000 người biểu tình đã trương biểu ngữ “Chấm dứt khủng bố nhà nước ở Thổ Nhĩ Kỳ”. Tại Pháp, hàng ngàn người tuần hành tại Paris và Marseille.

Sau vụ đánh bom, tại cuộc họp báo, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu thông báo có bằng chứng cho thấy vụ nổ kép do hai kẻ đánh bom tự sát thực hiện.

Ông khẳng định ba tổ chức có thể là thủ phạm vụ đánh bom gồm quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo, đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Đảng-Mặt trận Cách mạng Giải phóng Nhân dân (DHKP-C).

Vụ nổ xảy ra ba tuần trước bầu cử Quốc hội trước thời hạn (ngày 1-11). Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ.

 
Biểu tình ở Ankara và bom nổ ngày 10-10. Ảnh: AFP, REUTERS

Tổng thống Erdogan bị mất mặt

Báo Libération (Pháp) bình luận tình hình Thổ Nhĩ Kỳ hỗn loạn do Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã tập trung quyền lực và cá thể hóa quyền lực của chế độ cầm quyền.

Trong 10 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ chứng minh là quốc gia yêu chuộng hòa bình, công bằng, dân chủ trong lúc nhiều biến cố xảy ra ở Iraq, Syria, Yemen.

Sau đó xảy ra phong trào biểu tình ngồi hòa bình Gezi năm 2013 nhằm phản đối chính quyền phá bỏ công viên Gezi ở Ankara và đòi chính phủ từ chức.

Đến ngày 7-6, kết quả bầu cử Quốc hội cho thấy đảng Dân chủ Nhân dân (đối lập) ủng hộ người Kurd dần dần được cử tri tín nhiệm.

Đảng Dân chủ Nhân dân chiếm được 82/550 ghế. Lần đầu tiên trong 13 năm cầm quyền, đảng Công lý và Phát triển cầm quyền mất thế đa số (chỉ được 259 ghế) và phải lập liên minh cầm quyền.

Tổng thống Erdogan dự định xem xét lại hiến pháp nhằm hợp thức hóa các quy định mới để thiết lập một trật tự mới về xã hội và tôn giáo. Khi có nhiều ý kiến phản đối, ông tuyên bố tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn ngày 1-11.

Khơi dậy nội chiến

Trước đây Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối can thiệp khi TP Kobani (Syria) giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ bị quân Nhà nước Hồi giáo bao vây (từ tháng 1-2014 đến 1-2015) bởi đây là thành phố của người Kurd.

Người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường kêu gọi cứu giúp người anh em bên Syria thì bị trấn áp. Cuối cùng ngày 20-7 xảy ra vụ đánh bom thảm khốc ở Suruç.

Nhân cơ hội này, Tổng thống Erdogan lấy danh nghĩa trấn áp khủng bố để phát động cuộc chiến nhắm đến hai mục tiêu song song: Nhà nước Hồi giáo ở Syria và PKK ở miền Bắc Iraq.

Máy bay Thổ Nhĩ Kỳ ném bom vào căn cứ PKK ở Syria và Iraq. Trong nước, đảng Nhân chủ Nhân dân bị xem như kẻ thù quốc gia.

Cuộc chiến chống người Kurd bành trướng, sau đó mở rộng ra các thành phần xã hội đã ủng hộ người Kurd.

Cảnh sát bắt người hàng loạt. Các cuộc biểu tình hòa bình bị cấm. Từ ngày 7-9, cảnh sát mở chiến dịch tấn công các văn phòng của đảng Dân chủ Nhân dân.

Hậu quả là PKK đã trả đũa bằng các vụ tấn công kinh hoàng sau một thời gian ẩn mình. Máu trả bằng máu. Thổ Nhĩ Kỳ như sống trong cảnh nội chiến.

Ngày 10-10, sau vụ đánh bom kép ở Ankara, Liên minh Các cộng đồng người Kurd thông báo đảng Công nhân người Kurd (PKK) sẽ ngừng hoạt động thù địch trong thời gian ba tuần trong bầu cử Quốc hội trước thời hạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, trừ phi PKK bị tấn công. PKK tiến hành đấu tranh vũ trang từ năm 1984. Cuối năm 2012, PKK và Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán ngừng bắn suôn sẻ cho đến ngày 7-6 là ngày đảng Dân chủ Nhân dân ở Thổ Nhĩ Kỳ thắng lợi.

Trong khi đó, đảng Dân chủ Nhân dân đối lập (ủng hộ người Kurd) ở Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng tố cáo vụ đánh bom kép ở Ankara là tội ác man rợ và lên án chính phủ là “nhà nước sát nhân tự biến thành mafia” (ám chỉ chính quyền đứng sau vụ đánh bom).

Đảng này đã so sánh hai vụ đánh bom ở Ankara ngày 10-10 và vụ đánh bom hôm 20-7 ở Suruç (bom nổ lúc những người ủng hộ người Kurd ở Syria đang tập trung làm 32 người chết, hơn 100 người bị thương) có nhiều điểm giống nhau.

Báo Le Monde (Pháp) so sánh vụ đánh bom ở Ankara ngày 10-10 rất giống với vụ nổ tại TP Diyarbakir hôm 5-6 (hai ngày trước bầu cử Quốc hội). Hai vụ nổ liên tiếp nhau lúc đảng Dân chủ Nhân dân tập trung biểu tình (bốn người chết, 400 người bị thương).

Các báo ủng hộ chính phủ đưa ra nhiều giải thích khác nhau. Báo Sabah đổ lỗi cho đảng Dân chủ Nhân dân đang khai thác cái chết vì động cơ chính trị như lúc xảy ra vụ nổ ngày 5-6 ở Diyarbakir. Các báo Yeni, Safak Yeni Akit cũng bình luận tương tự và ám chỉ đảng Dân chủ Nhân dân là thủ phạm vụ đánh bom ở Ankara.

95 người chết và 246 người bị thương trong vụ đánh bom kép xảy ra lúc 10 giờ 4 phút sáng 10-10 tại nhà ga chính ở Ankara. Theo các nhân chứng, hai vụ nổ xảy ra cách nhau vài giây. Vào lúc đó nhiều người tập trung tham gia tuần hành để phản đối quân đội ném bom vào đảng Công nhân người Kurd kể từ ngày 24-6. Mỹ, Nga, Pháp và nhiều nước đã gửi lời chia buồn.

 _______________________________________

Thổ Nhĩ Kỳ đang bước vào thời kỳ rối ren giống như các vụ đảo chính quân sự vào những năm 1960, 1971 và 1980.

Báo Le Monde (Pháp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm