Tám thách thức của tân tổng thống Mỹ

Cuộc vận động tranh cử tổng thống kéo dài 18 tháng đã kết thúc. Hai ứng cử viên chủ chốt Hillary Clinton và Donald Trump chỉ kết thúc vận động lúc nửa đêm 7-11 bước sang ngày bầu cử chính thức 8-11 (giờ địa phương).

Bà Clinton phát biểu bài diễn văn cuối cùng tại Raleigh (bang Bắc Carolina) trong khi ông Trump phát biểu tại Grand Rapids (bang Michigan).

Dù ai đắc cử, chủ nhân mới của Nhà Trắng cũng sẽ phải đối đầu với tám thách thức sau đây:

Chiến tranh ở Syria: Tân tổng thống sẽ phải chuẩn bị kế hoạch lâu dài tiêu diệt IS khi lực lượng Mỹ đã tham chiến tại Syria, Iraq và Libya. Khả năng hâm nóng quan hệ với Iran khá bấp bênh. Quan hệ Mỹ-Saudi Arabia vẫn ổn định nhưng chắc chắn Mỹ không thể nhắm mắt làm ngơ với vai trò của Saudi Arabia trong nội chiến Yemen.

Hòa bình Trung Đông bế tắc: Quan hệ Israel-Palestine tiếp tục xấu, đặc biệt sau khi phương Tây đạt được thỏa thuận về hạt nhân với Iran. Bạo lực tiếp tục leo thang. Israel tiếp tục xây nhà trong các khu định cư. Dù vậy, Israel và Mỹ vẫn là đồng minh. Mỹ vừa ký cam kết viện trợ cho Israel 38 tỉ USD trong giai đoạn 2019-2028.

Cử tri thị trấn Dixville Notch (bang New Hampshire) thuộc vùng đông bắc Mỹ đã đi bỏ phiếu đầu tiên ngày 8-11. Ảnh: AFP

Tại buổi mít-tinh tối 7-11 ở bang Pennsylvania, Tổng thống Obama và phu nhân cùng cựu Tổng thống Bill Clinton và  ái nữ Chelsea đến tham dự với bà Clinton. Ảnh: AP

Quan hệ căng thẳng với Trung Quốc:Dù thường xuyên đối đầu về thương mại, Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục chia sẻ lợi ích kinh tế. Mỹđang tìm cách duy trì tự do hàng hải ở biển Đông để ngăn chặn tham vọng bá quyền của Trung Quốc và tiếp cận gần hơn với các nước châu Á. Nhiều nước trong khu vực đã ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và Mỹ còn phải phê chuẩn văn kiện này.

Nga - một chiến tranh lạnh mới?: Quan hệ Mỹ-Nga đã lạnh nhạt dần từ sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea. Nhiều nước Đông Âu lo ngại Nga bành trướng trong khi Nga lại lo ngại NATO mở rộng sự hiện diện ở châu Âu. Chưa kể Mỹ và Nga vẫn tiếp tục bất đồng về số phận của Tổng thống Assad và cuộc chiến Syria. Khủng hoảng không có lối ra!

Gánh nặng nợ công: Nợ công của Mỹ tương đương 108% GDP vào năm 2016 so với 10 năm trước chỉ 63,6%. Năm nay, nợ công đã đạt đến mức kỷ lục 19.000 tỉ USD.

Xã hội Mỹ luôn bất bình đẳng hơn: 46,7 triệu dân Mỹ vẫn sống nghèo khó. Nợ của các hộ gia đình lên đến 12.290 tỉ USD, trong đó 3/4 là nợ vay mua nhà. Nợ vay của sinh viên tăng gấp đôi giữa năm 2008-2016, từ 660 tỉ lên 1.260 tỉ USD. Vào tháng 5-2015, tỉ lệ thất nghiệp của dân da trắng là 4,6% trong khi của dân da đen là 11,2%.

Kiểm soát súng: Tại Mỹ có hơn 30.000 người chết mỗi năm do súng. Số vụ giết người từ 12.575 vụ trong năm 2014 đã tăng lên 13.338 vụ năm 2015. Ngoài ra, số vụ cảnh sát đối xử trái pháp luật với người da đen đã gây ra nhiều vụ biểu tình chống phân biệt chủng tộc.

Giải quyết vấn đề nhập cư: Năm 2014 có 42,2 triệu người nhập cư ở Mỹ, chiếm hơn 13% dân số. Gần 60% dân nhập cư là người Mexico và trong 40% còn lại đa phần là dân Trung Mỹ và khu vực Caribê. Mọi kế hoạch giải quyết vấn đề người nhập cư của Tổng thống Obama đều thất bại vì bị Quốc hội phong tỏa.

Tân Tổng thống Hillary Clinton sẽ làm gì?

Chính sách đối ngoại: Bà Hillary Clinton đánh giá NATO là lá chắn chủ chốt để ngăn chặn Nga. Bà chủ trương tăng cường không kích ở Iraq và Syria để tiêu diệt IS và lập vùng cấm bay ở Syria. Bà ủng hộ thỏa thuận về hạt nhân với Iran nhưng sẵn sàng gia tăng cấm vận Iran. Bà cũng mong muốn tăng sức ép để CHDCND Triều Tiên từ bỏ hạt nhân.

An ninh: Bà không ủng hộ hạn chế nhập cảnh đối với công dân Hồi giáo vì cho rằng biện pháp này chỉ làm hỏng quan hệ giữa Mỹ với thế giới Hồi giáo và tạo cơ hội cho bọn IS tuyển người. Liên quan đến quản lý súng, bà chủ trương mở rộng kiểm soát nhân thân người mua súng, luật hóa việc bán súng ở hội chợ và bán trên mạng.

Nhập cư: Bà muốn cải cách chính sách nhập cư, đặc biệt là hợp thức hóa cho những người nhập cư không có giấy tờ với điều kiện họ không phạm tội nghiêm trọng.

Y tế và giáo dục:Bà mong muốn mở rộng chế độ bảo hiểm sức khỏe Medicare (vốn chỉ dành cho người trên 65 tuổi) và Medicaid (chỉ dành cho người nghèo). Về giá thuốc, bà cam kết cho nhập khẩu thuốc giá rẻ từ nước ngoài. Ngoài ra, bà muốn thiết lập chế độ miễn học phí đại học ở giai đoạn 1 cho gia đình có thu nhập dưới 85.000 USD. Bà cũng sẵn sàng xóa nợ học phí đại học của các doanh nhân trẻ.

Gia đình: Bà hứa giữ mức chi phí giữ trẻ bằng 10% thu nhập hộ gia đình (nhà nước hỗ trợ thêm) và cho phép cha được nghỉ có hưởng 2/3 lương để chăm sóc gia đình. Bà chủ trương phụ nữ có quyền phá thai.

Kinh tế: Bà dự kiến chương trình phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 275 tỉ USD. Bà muốn nâng mức thuế đối với những người giàu nhất, tăng thuế đất và tăng thuế chuyển nhượng di sản. Bà cam kết nâng mức lương tối thiểu liên bang lên 12 USD và cho các bang quyền nâng đến 15 USD. Bà phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Môi trường: Bà mong muốn tăng cường phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện đến từng gia đình vào năm 2020. Bà muốn tiếp tục khai thác khí đốt và dầu đá phiến với quy định khai thác chặt chẽ hơn.

PH.QUỲNH

46.270.767 cử tri đã bỏ phiếu sớm, tính đến trước ngày bầu cử 8-11, theo thống kê của ĐH Florida.

______________________________

Hỡi nước Mỹ, chúng ta sẽ xây cầu chứ không phải xây tường.

(Bà Hillary Clinton phát biểu vận động lần cuối tại Raleigh,
bang Bắc Carolina)


Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm