Tam giác chiến lược mới đối phó Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper mới đây tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục chiến lược chuyển trọng tâm cạnh tranh sang Trung Quốc (TQ) và Nga cùng tham vọng đưa các nguồn lực - binh lính và thiết bị - từ một số khu vực sang châu Á - Thái Bình Dương. Một số chuyên gia nhận định để đạt được mục tiêu trên, Washington cần xây dựng một tam giác liên minh mới nhằm đối phó với sự gia tăng các mối quan hệ mà Nga và TQ đang tạo lập ở khắp các châu lục.

Quan hệ Mỹ-Trung không khả quan

Trả lời tạp chí The Diplomat, cố vấn cao cấp về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (SCIS) Bonnie Glaser dự đoán một triển vọng không mấy khả quan dành cho thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai cường quốc này. Theo bà Glaser, vấn đề nằm ở chỗ hai bên không vạch ra thời hạn rõ ràng để chốt thỏa thuận song song với việc cả hai ngày càng đòi hỏi đối phương nhiều hơn.

Chuyên gia này cho rằng nhiều khả năng Bắc Kinh vẫn nghĩ Tổng thống Mỹ Donald Trump cần một thỏa thuận để giúp cuộc tranh cử của ông thuận buồm xuôi gió, còn Washington tiếp tục đinh ninh TQ cần thỏa thuận để ổn định kinh tế. Phía TQ rõ ràng muốn loại bỏ hàng rào thuế quan trong khi Mỹ yêu cầu một cơ chế bảo vệ sở hữu trí tuệ cùng một thỏa thuận mua hàng nông nghiệp lớn hơn. Nếu Washington quyết định áp thêm mức thuế bổ sung 15%, dự kiến sẽ có hiệu lực vào giữa tháng này, triển vọng cho thỏa thuận Mỹ-Trung sẽ còn tiếp tục suy giảm.

Trong trường hợp thỏa thuận giai đoạn một đạt được, bà Glaser dự đoán vẫn không có nhiều dấu hiệu tích cực về mối quan hệ song phương Mỹ-Trung trong thời gian sắp tới. “Vẫn còn nhiều xung đột lợi ích giữa hai nước và trong nhiều khía cạnh, khoảng cách quyền lực giữa Mỹ và TQ đang thu hẹp dần. Mỗi nước đang có nhiều hành động mà khiến họ trở thành một mối đe dọa đối với bên kia” - chuyên gia Bonnie Glaser nhận định.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: REUTERS.

Bộ ba đối tác mới

Washington gần đây đã ban hành một số tài liệu chỉ đích danh TQ là đối thủ cạnh tranh chiến lược nguy hiểm của Mỹ và khẳng định vẫn duy trì chiến lược nhằm đối phó với cường quốc châu Á này. Theo bà Glaser, một trong số đó là việc Mỹ đang nỗ lực hợp tác với nhiều đồng minh để cung cấp những gói tài chính cho dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở một số quốc gia khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Báo cáo “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung” công bố hồi tháng 11 đã bao gồm nhiều chi tiết đáng chú ý về sáng kiến của Mỹ nhằm cung cấp các nước trong khu vực những lựa chọn thay thế cho khoản vay trong khuôn khổ Sáng kiến Một vành đai - Một con đường của TQ. Cố vấn cấp cao Bonnie Glaser cho biết đây là lĩnh vực mà chính quyền ông Trump đã tập trung nỗ lực nhiều và đạt được nhiều tiến bộ nhất.

Tuy nhiên, một số điểm nóng khác như biển Đông vẫn chưa có nhiều tiến bộ mặc dù Mỹ đã tăng cường các chiến dịch bảo đảm tự do hoạt động hàng hải ở đây. Bà Glaser nhấn mạnh Washington cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong vấn đề này.

TQ khó có thể đồng ý thay đổi mô hình kinh tế hiện thời và họ cũng đang tìm cách nắm trong tay các công nghệ tiên tiến quan trọng trên thế giới. Đây là những điểm để Mỹ cáo buộc Bắc Kinh vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế và cạnh tranh không lành mạnh. Vấn đề này có thể sẽ khó được giải quyết (trong tương lai gần).

BONNIE GLASER, cố vấn cao cấp về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế 

Trong khi đó, tạp chí The National Interest cho rằng Mỹ nên mở rộng hơn quan hệ hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ nhằm tạo ra một tam giác chiến lược mới trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đối phó với sự gia tăng chóng mặt của các mối quan hệ mà Nga và TQ đã tạo lập ở khắp các châu lục. Theo đó, các nhà phân tích nhận định ông Trump nên mời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - đại diện cho khối EU - và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham gia một cuộc hội đàm riêng bên lề hội nghị thượng đỉnh nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển (G7) vào năm sau.

Phó cố vấn an ninh quốc gia cho cựu phó tổng thống Mỹ Joseph Biden, bà Julianne Smith, cho rằng cuộc hội ngộ trên sẽ phục vụ ba mục đích. Đầu tiên, cuộc gặp sẽ thể hiện sự đoàn kết và quyết tâm giữa ba nước. Bên cạnh đó, một tuyên bố chung về tầm quan trọng của việc duy trì các giá trị tự do phương Tây chắc chắn sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới các nhà lãnh đạo trên toàn cầu và nhất là TQ.

Thứ hai, tam giác chiến lược Mỹ - Ấn Độ - Pháp sẽ thổi sức sống mới vào mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương bằng cách điều chỉnh cách tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ và Pháp cũng như cách tiếp cận của hai nước này với TQ. Sáng kiến Một vành đai - Một con đường với ảnh hưởng kinh tế - chính trị ngày càng gia tăng của nó là một thách thức không nhỏ cho chiến lược xuyên Đại Tây Dương của cả Paris và Washington. “Bất kỳ chiến lược xuyên Đại Tây Dương nào muốn thành công trong việc đối phó với thách thức từ TQ cũng phải bao gồm đất nước vốn có nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực đó như Ấn Độ” - bà Smith khẳng định.

Cuối cùng, liên minh mới này có thể khôi phục niềm tin của Pháp và Ấn Độ vào mối quan hệ song phương với Mỹ, đặc biệt khi thương chiến Mỹ-EU chưa có hồi kết. Bà Julianne Smith nhận xét hội đàm sẽ tạo cơ hội cho ba nước giải quyết bất đồng thương mại.

Mục tiêu của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở

Trong bản báo cáo “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung” mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hồi tháng 11, Mỹ nêu rõ bốn mục tiêu của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở: (1) Tôn trọng chủ quyền và độc lập của tất cả quốc gia; (2) Giải quyết hòa bình tranh chấp; (3) Thương mại tự do, công bằng và đối ứng dựa trên đầu tư mở, thỏa thuận minh bạch và kết nối; (4) Tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm