Taliban kiểm soát 43% Afghanistan

Vụ đánh bom thảm khốc tại thủ đô Kabul lúc 8 giờ 30 sáng 31-5 gần khu vực ngoại giao là vụ tấn công kinh hoàng nhất ở Afghanistan từ khi Taliban rút chạy năm 2001.

Chuyên gia Olivier Guillard ở Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) tại Paris ghi nhận bọn đánh bom muốn gửi một thông điệp, đó là không nơi nào tại Afghanistan an toàn.

Không nơi nào an toàn ở Afghanistan

Cho dù vụ đánh bom gây sát thương nặng nề (90 người chết và 461 người bị thương) nhưng đây không phải là trường hợp cá biệt. Không phải lần đầu trung tâm chính trị ở thủ đô Kabul bị đánh bom.

Năm 2016 là năm dân thường thiệt mạng nhiều nhất với 11.500 nạn nhân thương vong, trong đó có 3.500 người chết. Chưa kể số thương vong trong quân đội Afghanistan phải lên đến vài ngàn người mỗi năm.

Tại Kabul, nhân vật có chức sắc dù là nhà chính trị, doanh nhân hay nhà ngoại giao đều được bảo vệ tận răng trong quá trình di chuyển.

Sau vụ tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11-9-2001, Mỹ đưa quân lật đổ chế độ Taliban ở Afghanistan. Ông Hamid Karzai là người Afghanistan mang quốc tịch Mỹ lên cầm quyền tổng thống. Song Taliban không từ bỏ ý định “giải phóng” Afghanistan khỏi “quân xâm lược nước ngoài”.

Trong suốt 16 năm với ba đời tổng thống, cho dù có NATO yểm trợ quân sự nhưng theo đánh giá của NATO, chính phủ Afghanistan chỉ còn kiểm soát 57% lãnh thổ và 62% dân số, phần còn lại rơi vào tay Taliban. Trên thực tế có khi diện tích do Taliban kiểm soát lên đến 50%. Đôi lúc Taliban đánh chiếm được TP lớn và kiểm soát một thời gian trước khi rút.

Tình hình an ninh ở Afghanistan bắt đầu trở nên xấu đi từ hai năm nay sau khi NATO rút bớt quân vào cuối năm 2014. Tháng 7-2016, Tổng thống Obama thông báo hoãn rút quân khỏi Afghanistan do bạo lực tiếp tục leo thang.

Đến nay còn khoảng 14.000 binh sĩ NATO đồn trú ở Afghanistan, trong đó có 8.400 lính Mỹ làm nhiệm vụ huấn luyện và cố vấn cho quân đội Afghanistan.

Vụ đánh bom tại Kabul hôm 31-5 để lại hố sâu 7 m. Ảnh: AP

Đầu não chính trị không chính danh

Vụ đánh bom tự sát ở Kabul hôm 31-5 đã phơi bày kết quả thất bại thảm hại trong công tác bình định Afghanistan của quân đội NATO và bộ máy cầm quyền dễ bị tổn thương của Tổng thống Ashraf Ghani.

TS Karim Pakzad, ở IRIS, nguyên giáo sư ĐH Kabul, phân tích một nguyên nhân tác động đến tình hình an ninh đáng báo động hiện nay tại Afghanistan là tình trạng chính phủ suy yếu về chính trị và không thuần nhất.

Sau bầu cử tổng thống năm 2014 để chọn người kế nhiệm Tổng thống Karzai, hai ứng cử viên Ashraf Ghani và Abdullah Abdullah đều tuyên bố mình chiến thắng.

Lúc bấy giờ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phải nhiều lần bay đến Kabul, cuối cùng dàn xếp đưa ra giải pháp: Thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc với số ghế chia đều 50/50 cho mỗi bên; quyền lực được chia sẻ gồm ông Ashraf Ghani giữ chức tổng thống và ông Abdullah Abdullah lãnh đạo cơ quan lập pháp (tương đương thủ tướng), một chức vụ hiến pháp không hề quy định.

Tình trạng “không chính danh” về chính trị là trái pháp luật và không hợp pháp nhưng vẫn được duy trì ở Afghanistan.

Theo thỏa thuận được hai ông ký kết, dự kiến một năm rưỡi sau khi nhậm chức, Quốc hội sẽ được triệu tập để sửa đổi hiến pháp và chuẩn bị tổ chức bầu cử trước thời hạn cho chính danh nhưng đến nay không có gì mới. Hiện nay hai nhóm cầm đầu đất nước bày tỏ mâu thuẫn công khai.

Trong bối cảnh chính trị bất bình thường đó, Taliban đã biết tận dụng cơ hội. Thêm vào đó, các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật đổ tiền viện trợ để vực dậy Afghanistan khổ nỗi không có cách nào hiệu quả để ngăn chặn tham nhũng. Afghanistan “chết danh” là quốc gia thuộc nhóm tham nhũng hàng đầu thế giới như Somalia.

Quân cờ bất ngờ IS

Tháng 1-2015, một tác nhân mới xuất hiện trên bàn cờ Afghanistan. Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria bắt đầu xâm nhập mở mặt trận mới tại Afghanistan.

IS (hoạt động ở miền Đông) và Taliban (hoạt động ở miền Nam và khu vực nông thôn) cùng chung mục đích lật đổ chính quyền Afghanistan được phương Tây thiết lập và hậu thuẫn. Tuy nhiên, chúng vẫn là đối thủ của nhau trong hoạt động tranh giành lãnh địa. Nói tóm lại, chúng đánh nhau và cùng đánh chính quyền Afghanistan.

Chuyên gia Olivier Guillard đánh giá ranh giới giữa IS và Taliban rất mờ nhạt. Chỉ cần vài USD hay tuyên truyền chiêu dụ của IS hấp dẫn hơn, quân bên này có thể bỏ hàng ngũ sang bên kia đánh nhau.

Trong quá trình hoạt động, Taliban và IS tấn công bất kể địa bàn nào. Từ một năm nay, tại thủ đô Kabul thường xuyên xảy ra các vụ đánh bom tự sát gây thương vong nặng nề. Taliban tố cáo các vụ đánh bom làm chết dân thường là do IS chủ mưu nhưng thật ra Taliban cũng không loại trừ dân thường vô tội.

Theo TS Karim Pakzad, từ hơn một thế kỷ qua, Afghanistan là nơi tranh giành thế lực của các cường quốc khu vực.

Sau khi NATO rút quân khỏi Afghanistan và sau khi quá trình đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan với Taliban thất bại cùng lúc với nhân tố IS xuất hiện ở Afghanistan, nguy cơ đã đè nặng các nước liên bang như Iran, Pakistan, Tajikistan, Trung Quốc.

Từ vài tháng nay, Nga và Trung Quốc đã tiếp xúc với Taliban để làm trung gian đàm phán hòa bình bởi hai nước đều lo ngại IS. Nga không muốn bỏ rơi Afghanistan cho Mỹ, còn Trung Quốc cũng không muốn Mỹ nắm Afghanistan trong khi Afghanistan có 78 km biên giới với Tân Cương. Trong bối cảnh như thế, Afghanistan vẫn là một món cược lớn về địa-chính trị.

Tổng thống Donald Trump đã dự kiến sẽ điều động thêm hàng ngàn binh lính Mỹ tăng cường đến Afghanistan. Chuyên gia Olivier Guillard dự báo: “Không phải điều thêm vài ngàn binh sĩ thì sẽ thay đổi tình hình quân sự ở Afghanistan. Trong giai đoạn cao điểm của chiến dịch can thiệp quốc tế, có đến 150.000 quân ở Afghanistan nhưng vẫn không tiêu diệt được Taliban”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm