Tại sao Mỹ hủy bỏ đối thoại với Taliban và Afghanistan?

Hãng tin AP nói rằng phía Taliban mất nửa ngày để đáp lại động thái của ông Trump và nhấn mạnh rằng quyết định đột ngột này đã làm tổn hại đến uy tín của Washington khi phần nào họ đã hoàn tất thỏa thuận.

Taliban nói rằng không còn tìm cách độc tài về quyền lực. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại việc rút hoàn toàn binh lính khỏi sẽ khiến chính phủ Afghanistan vốn yếu đuối sẽ nhanh chóng sụp đổ hoặc xuất hiện một cuộc chiến khác, theo AP.

Chính phủ Afghanistan bị "ra rìa" và thỏa thuận không cụ thể

Trước đó, cuộc đối thoại tại Qatar giữa nhà đàm phán, đặc phái viên người Mỹ gốc Afghanistan Zalmay Khalilzad và lãnh đạo Taliban Abdul Ghani Baradar đã được bảo vệ nghiêm ngặt đến nỗi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani vẫn không tiếp cận được nội dung bản thỏa thuận.

Chính phủ Afghanistan bị cho ngồi ngoài do phía Taliban từ chối đàm phán và bị gọi là “con rối” của Mỹ. Cấp dưới của ông Ghani đã chỉ trích cuộc đàm phán vì thiếu các giải pháp đảm bảo sự ổn định.

Chính phủ Tổng thống Ashraf Ghani không được tham gia các cuộc đàm phán. Ảnh: New York Times

Nhà đàm phán Khalilzad ngày 2-9 nói rằng thỏa thuận sẽ bắt đầu khi Mỹ rút 5.000 quân trong đợt đầu tiên khỏi Afghanistan trong vòng 135 ngày. Đổi lại, Taliban sẽ đảm bảo rằng Afghanistan sẽ không cứ điểm cho các tổ chức khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS hay nhóm al-Qaeda làm căn cứ tấn công khủng bố toàn cầu.

Ngay khi ông Khalilzad giải thích thỏa thuận với người dân Afghanistan trên truyền hình thì Taliban đã kích nổ một quả bom xe nhắm vào một khu vực người nước ngoài ở thủ đô Kabul.

Văn phòng Tổng thống Ghani đã lên tiếng phản đối và khẳng định cảnh báo của các đại sứ Mỹ rằng Mỹ đã vội vã rút quân mà không đảm bảo việc Taliban chấm dứt bạo lực và điều đó có thể dẫn đến một cuộc nội chiến toàn diện. Theo đó, thỏa thuận chỉ bao gồm giảm bạo lực tại hai khu vực mà Mỹ có căn cứ là thủ đô Kabul và tỉnh Parwan.

Còn cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nhấn mạnh việc rút 5.000 quân nhưng vẫn phải để lại đủ lực lượng để hỗ trợ các nỗ lực chống khủng bố vì theo ông không thể tin tưởng Taliban được. 

Ngay sau đó, vào ngày 5-9, một quả bom xe thứ hai được cho là do Taliban cài đặt đã phát nổ ở Kabul và giết chết 12 người, trong đó có một binh lính Mỹ.

Ngày 7-9, Tổng thống Trump quyết định hủy cuộc gặp bí mật với thủ lĩnh Taliban, Đặc phái viên Khalilzad lập tức trở lại Qatar cho cuộc đàm phán kéo dài ít nhất hai ngày. "Đây là sự chấm hết, chúng tôi không thể gặp mặt" - Tổng thống Trump nói với cấp dưới của mình. 

Tờ New York Times nói rằng kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan là một mối quan tâm lớn của Tổng thống Trump khi ông nhậm chức. Ảnh: New York Times

Hơn 2.400 binh lính Mỹ bị giết trong gần 18 năm chiến đấu ở Afghanistan và một số nhà quan sát đang thắc mắc rằng những cái chết gần đây của binh lính Mỹ lại không làm “trật bánh” đàm phán của Mỹ và Taliban. Còn Taliban lại khẳng định cuộc tấn công gần đây giúp “củng cố” vị trí đàm phán của họ.

Binh lính Mỹ đưa linh cữu của Trung sĩ Elis A. Barreto Ortiz (34 tuổi), người thiệt mạng trong vụ nổ bom xe hôm 5-9. Ảnh: AP

Về cuộc gặp bí mật tại trại David, không ai lường trước được cuộc họp sẽ bị đột ngột hủy bỏ. Tờ The New York Times dẫn lời Tổng thống Ghani tin rằng ông biết phái đoàn Taliban sẽ đến Mỹ cho cuộc gặp trên.

Chính quyền ông Ghani khẳng định nếu cuộc gặp tại trại David diễn ra thì sẽ quyết định số phận của cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan ngày 28-9, thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và rằng họ sẽ tăng cường lực lượng an ninh để giảm chi phí cho Mỹ.

Ngoài ra, phía ông Ghani nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt bạo lực. “Chúng tôi luôn nói rằng một nền hòa bình thực sự sẽ đến khi Taliban ngừng giết người Afghanistan, thực hiện lệnh ngừng bắn và bắt đầu đàm phán trực tiếp với chính phủ Afghanistan”.

Ngày 8-9, một lãnh đạo cấp cao của Taliban cho biết ông Trump đã "tự lừa mình", "huyễn hoặc" rằng ông có thể mang Taliban và chính phủ ông Ghani đến với nhau tại trại David vì "Taliban không công nhận chính phủ bù nhìn ở Kabul".

Hãng AP nói rằng Tổng thống Ghani bây giờ có thể thấy "lộ trình rõ ràng" cho cuộc bầu cử ngày 28-9. Còn Taliban đã kêu gọi người Afghanistan tẩy chay bầu cử và cho biết các điểm bỏ phiếu sẽ là "mục tiêu" kế tiếp.

Theo The New York Times, giới chức Mỹ nhấn mạnh nỗ lực hòa bình chưa kết thúc và thỏa thuận hoặc là đã bị loại bỏ hoặc là không được chấp nhận. Với ông Trump, điều gì cũng có thể xảy ra.

Nhưng hiện tại, các bên đều phải thừa nhận một điều: Bạo lực sẽ vẫn dữ dội và chiến tranh vẫn còn tiếp tục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm