Tại sao giá dầu vẫn không tăng?

Ngày 16-2, giá dầu Brent giảm 3,6% còn 32,18 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 3 tại sàn giao dịch New York (Mỹ) mất 1,4%, còn 29,04 USD/thùng.

Kết quả cuộc gặp giữa Nga và ba nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC (Saudi Arabia, Venezuela, Qatar) ngày 16-2 tưởng rằng sẽ giúp kéo giá dầu lên lại nhưng thực tế vẫn không.

Báo Wall Street Journal (Mỹ) dẫn ý kiến phân tích lý do bởi thỏa thuận mà bốn nước đạt được chỉ là không tăng chứ không phải cắt giảm sản lượng khai thác.

Thành viên OPEC Kuwait cũng thông báo tham gia thỏa thuận, giữ yên mức khai thác bằng mức tháng 1. Dù thỏa thuận có thêm thành viên thì cũng không đủ để vực dậy giá dầu vốn đã giảm hơn 70% kể từ tháng 6-2014, vì bản thân thỏa thuận là không tăng thêm chứ không phải sẽ giảm sản lượng khai thác. Mà sản lượng khai thác hiện tại đã ở mức cao vượt quá cầu.

Sản lượng khai thác của bốn nước trong tháng 1 trung bình ở mức 23,75 triệu thùng/ngày, chiếm hơn 25% tổng sản lượng toàn cầu. Sản lượng khai thác hiện tại của Nga là gần 11 triệu thùng/ngày, của Saudi Arabia là 9,95 triệu thùng/ngày. Đây là mức khai thác kỷ lục của hai nước này.

Công nhân kiểm tra đường ống tại một nhà máy khai thác dầu ở TP Kogalym (Siberi, Nga). Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, ngày 16-2 thành viên OPEC Iran cho biết không chỉ không giảm mà Iran sẽ còn phấn đấu tăng sản lượng khai thác lên ít nhất bằng mức trước khi bị phương Tây cấm vận. Điều này dễ hiểu vì Iran đang nỗ lực khôi phục ngành khai thác dầu và tìm lại thị phần. Đầu tuần này Iran vừa chuyển đến châu Âu lô dầu đầu tiên.

Tuyên bố này của Iran đã khiến các nhà đầu tư ào ạt bán dầu ra trong phiên giao dịch buổi chiều.

Theo các nhà phân tích sở dĩ giá dầu có tăng trong vài tuần gần đây vì các nhà đầu tư hy vọng Nga và OPEC sẽ có một thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Tóm lại theo họ giá dầu không thể tăng khi nguồn cung vẫn cao trong khi nhu cầu thế giới, đáng chú ý ở Trung Quốc ngày càng giảm.

Nhà phân tích thị trường dầu Tariq Zahir tại công ty môi giới đầu tư dầu Tyche Capital Advisors LLC (Mỹ) cho rằng bất cứ động thái tăng giá nào cũng chỉ là tạm thời nếu lượng dầu cung cấp ra thị trường không giảm đi 2-3 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích thị trường khác lạc quan có thể xem thỏa thuận là một khởi đầu quan trọng tiến đến việc các nước sản xuất dầu hợp tác nhiều hơn nữa và thống nhất cắt giảm sản lượng để đưa giá dầu lên lại. Có thể thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ có vào cuối năm nay, theo dự đoán của nhà phân tích Sadad al-Husseini từng là giám đốc phụ trách thăm dò và khai thác ở Công ty dầu Saudi Aramco (Saudi Arabia).

Trong thời gian đó, giá dầu sẽ tiếp tục dao động trong khoảng 20-40 USD/thùng, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm