Tại sao Anh tham gia AUKUS?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với việc ký kết thỏa thuận thành lập liên minh quốc phòng mới (AUKUS) giữa Mỹ, Úc và Anh, Washington sẽ cung cấp cho Canberra các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Sự tham gia của Anh

Nếu chiến lược răn đe bằng hạt nhân mang nhiều rủi ro như vậy, tại sao Anh lại tham gia vào AUKUS? Xét cho cùng, một mình Mỹ cũng có khả năng cung cấp cho Úc tất cả công nghệ và hỗ trợ hậu cần khi có nhu cầu phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tuy nhiên, theo các bản tin gần đây, Anh đã đi đầu trong việc biến mối quan hệ hợp tác này thành hiện thực, mặc dù thực tế là nước này sẽ đóng góp ít hơn nhiều so với Mỹ, theo kênh Channel News Asia.

Anh thời hậu Brexit rất muốn tái lập tư cách là một đấu thủ trên toàn cầu. Nước này cũng đang tìm cách cải thiện quan hệ với Mỹ vốn đang căng thẳng do việc rút quân vội vã khỏi Afghanistan vào tháng trước.

AUKUS là cơ hội để chính phủ Anh thuyết phục thế giới và các cử tri của mình rằng họ không cần Liên minh châu Âu, và vẫn có thể là một bên đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế.

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: REUTER

AUKUS nhắm tới Trung Quốc

Rõ ràng là mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây đang trở nên căng thẳng sau hàng loạt các nghi ngờ lẫn nhau. Trong khi Trung Quốc lo ngại phương Tây gây ra mối đe dọa đến hệ thống, các quốc gia phương Tây lại e ngại rằng Bắc Kinh sẽ trở nên hung hãn hơn trong những năm tới.

Mặc dù không nói trực tiếp nhắm vào quốc gia nào, nhưng thỏa thuận "AUKUS" được cho là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở nam Thái Bình Dương.

Theo kênh Channel News Asia, trong khi nhiều nhà hoạch định chính sách tin rằng răn đe là cách duy nhất để bảo vệ lợi ích của phương Tây, chiến lược này mang lại những rủi ro đáng kể cho Anh và các đồng minh.

AUKUS là một phản ứng trực tiếp đối với những nỗ lực gần đây của Trung Quốc nhằm hiện đại hóa và mở rộng khả năng hạt nhân của nước này. Phương Tây cũng lo ngại về sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Úc Scott Morrison (trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải). Ảnh: EPA

Liên minh phản ánh quan điểm cho rằng các hành động của Trung Quốc là thách thức trực tiếp đối với ảnh hưởng của Mỹ và Anh trong khu vực và phương Tây cần phải tích cực đẩy lùi nó.

Nguy cơ đánh giá sai lầm và viễn cảnh chiến tranh lạnh mớI

Tuy nhiên, quan điểm này không hoàn toàn được các học giả quan hệ quốc tế và các nhà phân tích chính sách đối ngoại ủng hộ. Nhiều người vẫn tin rằng phương Tây nên hợp tác ngoại giao với Trung Quốc hơn là chống lại nước này.

Một số nhà bình luận và hoạch định chính sách tin rằng hai quốc gia có vũ khí hạt nhân sẽ không bao giờ tấn công bên còn lại vì họ đều không muốn tiêu diệt lẫn nhau.

"Con người là những tác nhân lý tính"  là một giả định chính và nguy hiểm của niềm tin này, theo một học giả. Giả định này bỏ qua việc mọi người thường đưa ra quyết định dựa trên phản ứng cảm xúc, hơn là tính toán lý trí. Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, nơi Mỹ và Liên Xô gần như sẽ phát động các cuộc tấn công hạt nhân chống lại nhau là một ví dụ về điều này.

Quyết định triển khai vũ khí hạt nhân là kết quả của một loạt hiểu lầm và các vấn đề nhận thức, chứ không phải là do một mối đe dọa thực sự do hai bên gây ra. Việc một sĩ quan Nga từ chối tuân theo mệnh lệnh là lý do duy nhất khiến Chiến tranh Lạnh không kết thúc bằng một thảm họa hạt nhân.

Việc Trung Quốc có phản ứng phòng thủ đối với việc mở rộng hạt nhân là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nó có nguy cơ tạo ra cái gọi là "tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh". Đây là tình huống mà một bên vì lo lắng về an ninh nên sẽ cải thiện khả năng quân sự của mình. Thay vì giải quyết các vấn đề an ninh, các hành động làm leo thang xung đột với các bên khác sẽ tạo ra một kết quả mà tất cả các bên đều cố gắng tránh.

Trong khi AUKUS là một nỗ lực rõ ràng để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng hơn nữa, nó có khả năng gây ra tác dụng ngược lại. Để đối phó với mối đe dọa từ các đồng minh phương Tây, Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ tiếp tục cải thiện khả năng quân sự của mình.

Điều này có thể dẫn đến một viễn cảnh rất giống với cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Và khi các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc và phương Tây tập trung vào các điểm khác biệt thay vì tham gia vào một cuộc đối thoại mang tính xây dựng, căng thẳng có thể sẽ gia tăng.

Việc không có cam kết ngoại giao bền vững với Trung Quốc có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách có khả năng tiếp tục hiểu sai các hành động của nhau. Một giải pháp tốt hơn nhiều sẽ là để Trung Quốc tham gia vào chính sách vũ khí hạt nhân hiện tại của họ.

Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí của Mỹ ủng hộ việc kiểm soát vũ khí hiệu quả. Họ cũng gợi ý rằng các cường quốc hạt nhân phương Tây có thể sử dụng kinh nghiệm ngoại giao thời hậu Chiến tranh Lạnh để phát triển một hệ thống mà trong đó các quốc gia minh bạch với nhau về tình hình hạt nhân của mình.

Tham vọng hơn, Anh và các đồng minh nên phối hợp với Trung Quốc về việc giải trừ vũ khí hạt nhân - chứ không phải cung cấp cho nước này cái cớ để tiếp tục mở rộng hạt nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm