Tái đắc cử hay không, di sản của ông Trump không dễ bị xóa

Đến thời điểm hiện tại, khả năng rất cao người sẽ bước vào Nhà Trắng năm sau là ông Joe Biden, mặc các nỗ lực kiện tụng của phía đương kim Tổng thống Donald Trump nhằm thay đổi kết quả bầu cử. Ngay từ lúc còn trong giai đoạn vận động tranh cử, ông Biden không hề che giấu ý định sẽ đảo ngược hàng loạt chính sách của người tiền nhiệm mà ông cho là đã làm tổn hại đến lợi ích và hình ảnh của Mỹ trên toàn cầu. Dù vậy, sức ảnh hưởng và di sản của ông Trump không vì thế mà sẽ tan biến một cách dễ dàng, thậm chí có thể trở thành nền tảng để đảng Cộng hòa bật dậy mạnh mẽ vào kỳ bầu cử năm 2024.

Tổng thống Donald Trump trong một cuộc vận động tranh cử ở bang Pennsylvania hồi tháng 9. Ảnh: ABC

Hàng chục triệu người Mỹ đứng sau ông Trump

Trong bài viết mới đây cho tờ The Hill, chuyên gia Kristin Tate thuộc tổ chức Young Americans for Liberty (Mỹ) lưu ý là chiến thắng của ông Biden không đồng nghĩa với việc người dân không đồng tình với những chính sách của Tổng thống Trump, chỉ là lượng người ủng hộ đảng Dân chủ nói chung nhiều hơn lượng người ủng hộ đảng Cộng hòa thôi. Con số 73,4 triệu phiếu phổ thông bầu cho ông Trump, tức gần phân nửa lượng người đi bỏ phiếu trong kỳ bầu cử, thể hiện rất rõ điều này.

Thậm chí vài tuần trước khi cuộc bầu cử diễn ra, một khảo sát do Viện Gallup (Mỹ) thực hiện cho thấy có đến 56% cử tri được phỏng vấn đồng ý là mức sống của họ trở nên khấm khá hơn trong bốn năm ông Trump lãnh đạo nước Mỹ. Tỉ lệ 56% của Gallup cũng cao hơn rất nhiều so với số cử tri Mỹ được hỏi câu tương tự vào các năm 1984, 1992, 2004 và 2012, lần lượt dưới các đời tổng thống Ronald Reagan, George H.W. Bush, George W. Bush và Barack Obama.

20.000

USD, tương đương khoảng 463 triệu đồng, là số thù lao mà luật sư riêng của Tổng thống Trump - ông Rudy Giuliani yêu cầu được chi trả hằng ngày để lo các vụ kiện của chủ nhân Nhà Trắng, tờ The New York Times ngày 17-11 dẫn tiết lộ từ nguồn tin nội bộ. Tuy nhiên, ông Giuliani sau đó khẳng định chưa bao giờ đòi số tiền nhiều như vậy. 

Dưới thời ông Trump, một gia đình trung lưu người Mỹ mỗi năm tiết kiệm được hơn 1.600 USD nhờ vào các đợt cắt giảm thuế quy mô lớn của ông, trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở các nhóm thiểu số như người da màu hay người gốc Latinh thấp kỷ lục. Trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát, Tổng thống Trump liên tục vận động chính quyền các bang mở cửa kinh tế nhằm khôi phục sản xuất, cũng như khởi động chương trình Warp Speed nhằm hỗ trợ các hãng dược đẩy nhanh tiến độ điều chế vaccine ngừa COVID-19.

Ở khía cạnh khác, khẩu hiệu “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” được ông Trump khởi xướng hiện trở nên rất phổ biến ở mọi tầng lớp người dân Mỹ, vượt hẳn ra ngoài nhóm ủng hộ ông Trump truyền thống là những người lao động da trắng. Minh chứng cho điều này là Tổng thống Trump vừa qua đã giành được phiếu bầu của nhóm cử tri Mỹ bản địa ở hàng chục bang, đồng thời tăng thêm tỉ lệ ủng hộ từ các cử tri da màu và gốc Latinh. Thậm chí, sự ủng hộ của ông trong cộng đồng người đồng tính và chuyển giới còn tăng gấp đôi so với cách đây bốn năm.

“Hiện kết quả cuối cùng vẫn chưa được công bố nhưng kết quả cuộc đua Thượng viện và Hạ viện cho thấy hàng trăm ngàn người Mỹ dù bỏ phiếu chống lại ông Trump nhưng lại ủng hộ các thành viên đảng Cộng hòa ở đây. Điều này cho thấy nhiều cử tri coi chủ nghĩa Trump là cơ sở để bỏ phiếu chứ không phải bản thân ông Trump” - chuyên gia Kristin Tate nói thêm.

Bất đồng nội bộ, ông Trump sa thải thêm cấp dưới

Tổng thống Trump ngày 17-11 bất ngờ thông báo trên trang Twitter cá nhân rằng ông đã cho sa thải Giám đốc Cơ quan An ninh mạng và cơ sở hạ tầng (CISA) Christopher Krebs thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ vì đã đưa ra những tuyên bố liên quan tới tình hình an ninh bầu cử “rất không chính xác”.

Theo đó, vài tiếng trước khi bị ông Trump cách chức, ông Krebs từng khẳng định trên Twitter rằng 59 chuyên gia an ninh bầu cử đều đồng ý không tìm ra bằng chứng chứng minh có xảy ra gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Đài NBC News dẫn lời một quan chức cao cấp giấu tên tại CISA chia sẻ việc ông Krebs bị sa thải là “một ngày buồn” cho cơ quan này. Dù vậy, người này cũng nói rằng ông Krebs đã nỗ lực chống lại những cáo buộc “vô căn cứ” liên tục lặp đi lặp lại từ ông Trump nên ông ấy không nên cảm thấy quá thất vọng trước việc bị sa thải. 

Cơ hội cho đảng Cộng hòa vào năm 2024

Từ những phân tích trên, bà Tate cho rằng ông Trump đã có sức ảnh hưởng đáng kể, góp phần định hình đặc tính tư tưởng của đảng Cộng hòa trong nhiều năm tới. Bản thân vị trí tổng thống và hàng trăm thẩm phán được bổ nhiệm trong nhiệm kỳ của ông Trump là những nhân tố sẽ giúp đảm bảo di sản tinh thần của ông tiếp tục đồng hành cùng người dân Mỹ. Theo bà Tate, “chủ nghĩa Trump” có thể tái định hướng xu hướng bỏ phiếu của các cử tri với đảng Cộng hòa trong cả một thế hệ sau năm 2020.

Ngoài ra, trong tương lai nếu xuất hiện một nhân vật kết hợp được các chính sách của Tổng thống Trump như cắt giảm thuế, ưu tiên sản xuất ở Mỹ, siết chặt nhập cư và không có các thói quen bị xem là “xấu” của ông thì người đó chắc chắn sẽ là một vũ khí cực kỳ đắc lực giúp đảng Cộng hòa đấu với đảng Dân chủ. Cuộc bầu cử năm 2024 cũng hứa hẹn sẽ là một cuộc đua không kém phần kịch tính như năm nay bởi liên danh phó tổng thống của ông Biden - bà Kamala Harris, người được cho sẽ là ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ vào năm đó, là nhân vật đại diện cho tư tưởng của bà Hillary Clinton ngày nào.

Nhìn lại lịch sử, Tổng thống Cộng hòa Ronald Reagan (nhiệm kỳ 1981-1989) có thể được xem là nhân vật cứu tinh cho đảng Cộng hòa mà bà Tate đã đề cập ở trên. Vào thời điểm ông đắc cử năm 1980, nền chính trị Mỹ ít biến động lúc đó khó thể nào tưởng tượng nổi một chính khách bảo thủ như ông Reagan có thể bước vào Nhà Trắng và lãnh đạo tới hai nhiệm kỳ. Song nhờ áp dụng các chính sách kinh tế hợp lý cùng tài thuyết phục người khác, ông Reagan đã mở đường cho sự thống trị của đảng Cộng hòa suốt gần hàng chục năm sau đó, cho đến khi ông Barack Obama nhậm chức vào năm 2008.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm