Tái bùng dịch ở Nga, báo động biến thể Delta ở nhiều nước

Riêng ngày 4-7, Nga ghi nhận 25.142 ca - cao nhất kể từ ngày 2-1. Số ca tử vong mỗi ngày đã giảm nhẹ sau chuỗi sáu ngày tăng liên tục, song vẫn ở mức cao. Biến thể Delta là một phần nguyên nhân gây ra đợt tái bùng phát này.

Biến thể Delta cũng đe dọa gây ra các đợt tái bùng phát nghiêm trọng ở nhiều nước khác. Tuần trước, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết biến thể có khả năng lây nhiễm cao này đã lan đến ít nhất 98 quốc gia.

Tại Mỹ, biến thể Delta đã xuất hiện ở toàn bộ 50 bang và thủ đô Washington D.C., theo đài CNN. Chính quyền bang California - tâm dịch lớn nhất nước Mỹ - cho biết khoảng 35,6% số bệnh nhân COVID-19 mới tại đây nhiễm biến thể Delta. Công ty phân tích sinh học Helix (Mỹ) thậm chí đưa ra thống kê đáng lo ngại hơn, cho biết biến thể nguy hiểm này chiếm gần 40% số ca nhiễm mới trên cả nước Mỹ, theo hãng tin Bloomberg.

Còn tại Iran, biến thể Delta cũng khiến số ca nhiễm và số bệnh nhân nhập viện tăng nhanh, hãng thông tấn ISNA (Iran) cho hay. Ít nhất 92 TP, bao gồm thủ đô Tehran, bị áp mức báo động đỏ, mức cảnh báo cao nhất.

Tuần trước, Văn phòng WHO khu vực châu Phi cho biết biến thể Delta chiếm tới 97% số ca nhiễm tại Uganda và 79% số ca nhiễm tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Số liệu mà Cộng hòa Dân chủ Congo tự công bố thậm chí còn cao hơn, lên tới 84%. Biến thể này cũng đang lây lan mạnh tại Nam Phi - nước chiếm hơn nửa số ca nhiễm đã được phát hiện tại châu Phi.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm