Sức mạnh máy bay Mỹ buộc Trung Quốc bắn 4 tên lửa ra Biển Đông

Tâm điểm căng thẳng quân sự mới nhất của Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông là việc một máy bay do thám của Washington bay đến giám sát cuộc tập trận của Bắc Kinh gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép).

Theo thông báo của lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ với hãng tin Bloomberg thì chiếc máy bay này không đi vào không phận Trung Quốc.

“Không quốc gia nào được đơn phương lập vùng cấm bay” – Không quân Mỹ tuyên bố.

Dù thế hành động này của Mỹ đã khiến quân đội Trung Quốc bắn tới bốn tên lửa đạn đạo chống hạm tầm trung (thông tin ban đầu là hai) ra Biển Đông để cảnh cáo.

Năng lực không thể xem thường của U-2 Quý bà Rồng

Chiếc máy bay nói tới ở trên là máy bay do thám U-2. Chiếc U-2 đã bay từ căn cứ không quân Osan ở Hàn Quốc sang gần quần đảo Hoàng Sa để giám sát cuộc tập trận của Trung Quốc. Căn cứ không quân Osan nơi chiếc U-2 cất cánh bay tới Biển Đông tuần rồi là nơi trú đóng của Phi đội Do thám số 5 của Không quân Mỹ. Gần 45 năm qua phi đội này đã vô số lần triển khai những chiếc U-2 thu thập tình ảnh và tín hiệu tình bảo về Triều Tiên và Trung Quốc.

Máy bay do thám U-2 của Mỹ. Ảnh: WIKIWAND

Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đẩy mạnh tuần tra Biển Đông và thách thức các tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc ở vùng biển này. Một trong những khí tài quân sự quân đội Mỹ thường sử dụng trong các lần triển khai hiện diện ở Biển Đông là máy bay do thám U-2.

Năng lực loại máy bay này đến đâu?

Theo Bloomberg, chiếc U-2 còn được biết đến với tên gọi Dragon Lady (tạm dịch: Quý bà Rồng) do tập đoàn Lockheed Corp. (tiền thân của tập đoàn Lockheed Martin Corp.) sản xuất và ban đầu được sử dụng cho Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Khác với nhiều hệ thống vũ khí hiện tại của Mỹ phải trải quá tiến trình phát triển dài cả thập niên, U-2 từ lúc đề xuất phát triển cho đến lúc sản xuất chỉ mất chưa tới hai năm, vào giữa thập niên 1950.

Rất quan trọng với Mỹ thời chiến tranh lạnh

U-2 là loại máy bay do thám rất nổi tiếng của Mỹ và từng có vai trò lớn trong cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên bang Xô viết.

Chiếc U-2 nổi tiếng rộng khắp trên toàn thế giới với sự kiện xảy ra ngày 1-5-1960, khi phi công Gary Powers thuộc CIA lái nó bay trên không phận Liên bang Xô viết ở độ cao hơn 21km và bị bắn rơi. Viên phi công này sau đó được phía Liên bang Xô viết thả, nhưng cũng thiệt mạng trong một tai nạn rơi trực thăng năm 1977.

Chiếc U-2 cũng từng được Mỹ triển khai sang Cuba tháng 10-1962 để ghi lại những hình ảnh đầu tiên của các địa điểm tên lửa đã dẫn đến sự kiện Khủng hoảng tên lửa Cuba 13 ngày. Khủng hoảng tên lửa Cuba là cuộc đối đầu giữa Liên Xô và Cuba với Mỹ thời chiến tranh lạnh, bắt đầu với việc Liên Xô xây dựng các căn cứ và triển khai tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung (có khả năng đánh nhiều mục tiêu ở Mỹ) sang Cuba. Liên Xô đi bước này sau khi Mỹ đưa tên lửa đạn đạo (có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và bắn được sang Nga) sang Anh, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ.

U-2, khí tài chiến lược của Mỹ thời chiến tranh lạnh. Ảnh: LOCKHEED MARTIN

U-2 cũng được triển khai ở các chiến trường Iraq và Afghanistan. Trong chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991, U-2 được Mỹ sử dụng theo dõi các động thái của binh sĩ và xe bọc thép Iraq, đánh giá quy mô các vụ đánh bom, giám sát các vụ tràn dầu quy mô lớn ở vịnh Ba Tư. Sau chiến tranh vùng Vịnh, Mỹ để lại một số lượng máy bay U-2 ở Saudi Arabia để giám sát việc Iraq tuân thủ thỏa thuận hòa bình.

Nhiều đời máy bay sau không theo kịp

Hiện Không quân Mỹ có hơn 30 chiếc U-2.

Có thể nói Không quân Mỹ vẫn ưa chuộng sử dụng U-2 dù sau khi loại máy bay này ra đời giữa thập niên 1950 Mỹ còn phát triển nhiều loại vệ tinh do thám và nhiều công nghệ tiên tiến khác. Có thể nói thực tế này cho thấy rõ nhất tính hiệu quả và kiên cường của loại máy bay này.

Cựu Giám đốc CIA George Yenet từng gọi sự phát triển máy bay U-2 là một “cuộc cách mạng trong ngành tình báo”. Và đến giờ U-2 vẫn được xem là một thành tựu bước ngoặt trong việc phát triển công nghệ do thám của Mỹ.

Một chiếc U-2 bị nạn ở bang California (Mỹ) ngày 20-9-2016 khiến một phi công thiệt mạng.  Dù thế loại máy bay này vẫn được xem là một thành tựu bước ngoặt trong việc phát triển công nghệ do thám của Mỹ. Ảnh: HECTOR AMEZCUA, SACRAMENTO BEE/TNS

Chuyến bay tuần rồi của chiếc U-2 đến Biển Đông là sự nhấn mạnh nữa về khả năng vượt trội của loại máy bay do thám này, mà các sản phẩm công nghệ tiên tiến sau này vẫn chưa thể theo kịp. Có thể kể đến như chiếc máy bay không người lái Global Hawk dù có thể bay tới 34 giờ và đạt độ cao hơn 18km, các vệ tinh chụp ảnh và nghe lén của Mỹ hoạt động trong các quỹ đạo địa tĩnh.

Tầm bay của U-2 là hơn 21km. Vì U-2 bay ở độ cao ấn tượng nên các phi công điều khiển loại máy bay này phải bận những bộ đồ bay giống như trang phục của các phi hành gia.

Thời gian gần đây Không quân Mỹ có ý định cho dàn máy bay U-2 về hưu, nhưng quốc hội Mỹ không đồng ý, và thay vào đó là một kế hoạch nâng cấp. Hồi tháng 4 tập đoàn Lockheed Martin Corp. nhận được hợp đồng trị giá 50 triệu USD để nâng cấp yếu tố điện tử cho dàn máy bay U-2.

Phiên bản U-2 hiện tại được trang bị thiết bị truyền tải tín hiệu tình báo có thể cung cấp các dấu hiệu về hoạt động ở các khu vực Mỹ quan tâm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm