Sự sống trên sao Hỏa có thể nằm dưới bề mặt hành tinh này

Theo hãng tin Sputnik, vào hôm 2-11, báo cáo từ nghiên cứu của ĐH Rutgers, Mỹ cho thấy sự sống có thể xuất hiện sâu dưới bề mặt sao Hỏa sau khi lớp băng dày tại đây bị tan chảy do tác động của năng lượng địa nhiệt.

Nghiên cứu cho thấy, ngay cả khi sao Hỏa có khí hậu ấm và ẩm ướt vào thời điểm mới hình thành thì nước dạng lỏng chỉ có thể duy trì sự ổn định ở độ sâu lớn. Theo đó, sự sống trên hành tinh đỏ có thể đã theo dòng nước lỏng xuống bề mặt sao Hỏa để duy trì sự sống.

Tiến sĩ Lujendra Ojha thuộc nhóm nghiên cứu ĐH Rutgers cho biết nhóm đã giải quyết được nghịch lý Mặt trời trẻ mờ nhạt đối với trường hợp sao Hỏa, giải thích vì sao sự sống có thể tồn tại trên hành tinh này.

Hình ảnh sao Hỏa. Ảnh: NEWYORK TIMES

Nghịch lý này cho rằng thời điểm mới hình thành Mặt trời tỏa ra ít năng lượng hơn hiện tại 30%, vốn không phải là nhiệt độ lý tưởng cho sự sống phát triển. Trái đất lúc này theo lý thuyết phải ở trạng thái đóng băng. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra Trái đất đã có nước ở dạng lỏng vào thời điểm đó.

Nếu sao Hỏa thật sự có sự sống thì phải tồn tại một điều kiện nào đó khiến mầm sống này vượt qua nghịch lý Mặt trời trẻ mờ nhạt như Trái đất đã từng.

Tiến sĩ Ojha cho biết: “Ngay cả khi khí quyển sao Hỏa được bơm đầy hơi nước và khí nhà kính như CO2 để giữ nhiệt vào thời điểm mới hình thành thì các mô hình khí hậu vẫn phải vật lộn để giữ cho môi trường nơi đây nhiệt độ đủ ấm và ẩm ướt trong thời gian dài”.

“Tuy nhiên, môi trường dưới bề mặt sao Hỏa lại có thể giúp duy trì sự sống nhờ tác động của thủy nhiệt, giúp cho môi trường nơi đây ổn định hơn bề mặt” - bà nói thêm.

Nhằm giúp các nhà khoa học có cái nhìn sâu hơn khí hậu của sao Hỏa, tàu vũ trụ Mars InSight của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã hạ cánh tại đây vào năm 2018. Tàu vũ trụ này hiện đang thực hiện các phép đo hàng ngày về bề mặt của hành tinh đỏ và gửi dữ liệu về Trái đất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm