WHO: Số ca nhiễm COVID-19 tăng gấp đôi trong 6 tuần qua

Tính đến 9 giờ sáng 27-7 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã phát hiện gần 16.635.500 ca nhiễm COVID-19, trong đó gần 656.100 trường hợp đã tử vong, theo chuyên trang thống kê Worldometers.

Số ca nhiễm mới trong ngày 27-7 là hơn 217.800 và số ca tử vong mới là gần 4.200.

Châu Mỹ là nơi ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới nhất trong 24 giờ qua với gần 118.000 ca nhiễm mới. Các ca nhiễm này tập trung chủ yếu ở Mỹ và Brazil. Châu Á cũng phát hiện gần 71.200 ca nhiễm mới, tập trung chủ yếu ở Ấn Độ.

COVID-19 là đại dịch nghiêm trong nhất từ năm 2005 đến nay

Tối 27-7 (theo giờ Geneva, Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng COVID-19 đã trở thành đại dịch nghiêm trọng nhất trong thế kỷ 21. 

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh chụp màn hình Youtube của WHO

"Đây là lần thứ sáu (WHO - PV) tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu theo Điều lệ Y tế quốc tế (được ban hành năm 2005 - PV) nhưng nó đã nhanh chóng trở thành tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng nhất", ông Tedros nói.

Ngày 30-7 tới đánh dấu sáu tháng kể từ khi WHO tuyên bố COVID-19 là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn công cộng gây quan ngại quốc tế".

Ông Tedros lưu ý rằng trong sáu tuần qua, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã tăng gấp đôi và cảnh báo đại dịch còn tiếp tục tăng tốc.

Mỹ: Ông Biden nói ông Trump thổi phồng triển vọng vaccine

Ngày 27-7, Tổng thống Donald Trump cho rằng bây giờ, nhiều bang nên mở cửa trở lại nền kinh tế trong lúc này và ông tin rằng "sự phục hồi kinh tế sẽ rất mạnh mẽ".

Ông Trump đang chịu áp lực từ việc nhanh chóng phân phối vaccine ngừa COVID-19 - một yếu tố có thể tác động mạnh tới khả năng tái đắc cử của ông.

Ứng cử viên đảng Dân chủ, cựu Tổng thống Joe Biden cho rằng ông Trump không nên "thổi phồng" triển vọng về vaccine và thuốc chữa COVID-19.

Ông Biden cũng kêu gọi Nhà Trắng không gây áp lực và tôn trọng các quy định của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ về việc cấp phép lưu hành vaccine.

Trong khi đó, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm Mỹ Anthony Fauci lo lắng về biểu đồ số ca tử vong ở Mỹ khi có nguy cơ nước này chứng kiến hàng chục người chết vì COVID-19 trong vài tháng tới, theo đài CNN.

"Trừ khi chúng ta nhận thức rõ (đại dịch COVID-19 - PV) là một thách thức và ngăn chặn dịch, chúng ta sẽ gặp nhiều đau đớn và có nhiều ca tử vong hơn", ông Fauci cảnh báo.

 Ông Fauci cũng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện các biện pháp kiểm soát lây nhiễm như tránh tụ tập đông người, giãn cách vật lý, sử dụng khẩu trang, thường xuyên rửa tay diệt khuẩn, đóng cửa các quán bar...

Số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ là hơn 4.433.400, chiếm hơn 26% tổng số ca nhiễm của thế giới. Số ca tử vong là gần 150.500, chiếm gần 23% số người chết vì COVID-19 trên toàn cầu.

Số ca nhiễm mới trong ngày 27-7 là hơn 61.500. Còn số ca tử vong mới là gần 600. Đồ thị của Worldometers cho thấy từ cuối tháng 5 đến nay, số người chết vì COVID-19 ở Mỹ trong từng ngày không vượt quá mức 1.500 và đang có dấu hiệu tăng-giảm theo chu kỳ bảy ngày.

Brazil: Tổng thống vẫn không tuân thủ quy định phòng dịch

Brazil đã có 2.443.480 ca nhiễm COVID-19, bao gồm hơn 23.500 trường hợp phát hiện mới trong ngày 27-7. Số ca tử vong là hơn 23.550, tăng 627 so với 24 giờ trước đó.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tiếp tục bỏ qua các biện pháp phòng dịch. Ngày 27-7, ông đã kéo khẩu trang xuống để chụp ảnh với những người ủng hộ mình ở thủ đô Brasilia, hãng tin Reuters cho hay. 

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro kéo khẩu trang xuống để chụp ảnh với người ủng hộ. Ảnh: THE GUARDIAN

Ông Bolsonaro cho biết ban đầu, ông không định đeo khẩu trang vì biết chuyện này sẽ ngay lập tức bị báo chí soi mói nhưng ông đã đeo khẩu trang vì nghe theo lời kêu gọi của một số người ủng hộ.

Ngày 25-7, Tổng thống Brazil thông báo ông đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 sau gần 20 ngày kể từ phát hiện mình nhiễm bệnh.

Ấn Độ: Ổ dịch lớn thứ ba thế giới nhưng tỉ lệ xét nghiệm rất thấp

Ở Ấn Độ, số ca nhiễm mới trong ngày 27-7 là gần 46.500, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 lên mức hơn 1.482.500. Tổng số ca tử vong là gần 33.450. Số ca tử vong mới trong ngày 27-7 ở Ấn Độ là gần 636, cao nhất thế giới.

Ấn Độ vẫn là ổ dịch lớn thứ ba toàn cầu. Tuy nhiên, theo số liệu của Đại học Oxford (Anh), Ấn Độ thuộc nhóm các nước có tỉ lệ xét nghiệm COVID-19 trên quy mô dân số.

Trong mỗi 1.000 dân Ấn Độ, chưa tới 12 người được xét nghiệm COVID-19. Trong khi tỉ lệ xét nghiệm ở Mỹ là hơn 150 xét nghiệm trên mỗi 1.000 dân, theo báo South China Morning Post.

Một số trường hợp đáng chú ý ở Trung Quốc và New Zealand.

Trong ngày 27-7, Trung Quốc phát hiện 68 ca nhiễm mới. Trước đó, trong ngày 26-7, nước này cũng báo cáo thêm 61 ca nhiễm mới. Trong đó, chỉ trong hai ngày, khu tự trị Tân Cương đã phát hiện gần 100 ca nhiễm mới trong cộng đồng, theo trang tin Channel News Asia.

Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc là gần 84.000, bao gồm 4.634 trường hợp đã tử vong.

 Sáng 28-7, New Zealand thông báo thêm một ca nhiễm COVID-19 (là người nhiễm bệnh trước khi nhập cảnh), chấm dứt chuỗi ba ngày nước này không phát hiện ca bệnh mới. Tổng cộng, New Zealand đã phát hiện 1.557 ca nhiễm và 22 ca tử vong.

Trong 88 ngày qua, New Zealand không phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, một người từ New Zealand tới Hàn Quốc hôm 21-7 đã bị phát hiện nhiễm COVID-19 khi người này làm xét nghiệm tại sân bay để nhập cảnh.

Bộ Y tế New Zealand cho biết giới chức Hàn Quốc đã thông báo với Wellington về trường hợp đáng lưu ý này và phía Seoul cho rằng bệnh nhân mới có thể nhiễm bệnh trong thời gian quá cảnh tại Singapore, theo Channel News Asia.

Hàn Quốc đã phát hiện hơn 14.200 ca nhiễm và 300 ca tử vong. Trong khi Singapore có gần 50.850 ca nhiễm và 27 ca tử vong, theo Worldometer.  

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm