WHO: Sẽ tính chuyện trách nhiệm sau khi xử lý xong đại dịch

Tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 20-5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cam kết chịu trách nhiệm giải trình về cách WHO ứng phó đại dịch COVID-19.

"Tôi đã nói hết lần này đến lần khác rằng WHO sẽ chịu trách nhiệm hơn bất kỳ ai khác. Nhưng mọi việc phải được giải quyết xong trước đã" - ông Tedros cho biết, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục lãnh đạo đối phó đại dịch.

WHO: Chuyện trách nhiệm để sau

TS Mike Ryan - Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO cho biết việc đánh giá và quy trách nhiệm sẽ được tiến hành sau khi tình trạng khẩn cấp kết thúc.

"Công việc của chúng tôi lúc này là tiếp tục thực hiện công việc ứng phó khẩn cấp, kiểm soát dịch bệnh, phát triển và phân phối vaccine, cải thiện giám sát, phân phối đủ PPE (thiết bị bảo hộ) cho nhân viên y tế, giảm tác động của đại dịch lên người tị nạn và người di cư" - ông  Ryan cho biết.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO phát biểu tại một cuộc họp báo tại trụ sở. Ảnh: AP

Tổng Giám đốc Tedros cho biết từ lâu ông đã tìm kiếm các nguồn tài trợ khác cho WHO, nói rằng ngân sách 2,3 tỉ USD "rất, rất nhỏ" để đủ cho một cơ quan toàn cầu hoạt động.

Ngày 19-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng lên Twitter lá thư vừa gửi Tổng Giám đốc Tedros hôm 18-5. Nội dung bức thư đe dọa rằng Mỹ sẽ cắt tài trợ vĩnh viễn với WHO và rút Mỹ khỏi tổ chức này nếu ban lãnh đạo của WHO tiếp tục “thân Trung Quốc”.

Trước đó, Tổng thống Trump đã nhiều lần cáo buộc WHO xử lý dịch bệnh kém dẫn đến việc bùng phát dịch trên toàn cầu. Ông cũng nói rằng tổ chức này thường xuyên ủng hộ Trung Quốc, nơi dịch bệnh được tìm thấy đầu tiên.

Trong buổi họp báo, ông Tedros nói rằng đã nhận được thư của Tổng thống Trump nhưng từ chối bình luận thêm.

WHO khuyến cáo không dùng thuốc sốt rét điều trị COVID-19

Tiến sĩ Ryan tiếp tục gây khó chịu cho Tổng thống Trump khi khẳng định rằng mọi người nên tránh sử dụng thuốc chữa bệnh sốt rét Hydroxychloroquine để điều trị và ngăn ngừa COVID-19, ngoại trừ việc thử nghiệm lâm sàng trong nghiên cứu vaccine.

Ông Trump tiết lộ ông đang dùng Hydroxychloroquine như một phương pháp phòng ngừa virus SARS-CoV-2. Ảnh: REUTERS

"Ở giai đoạn này, cả Hydroxychloroquine và Chloroquine vẫn chưa được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị cũng như phòng bệnh COVID-19. Trên thực tế, nhiều cơ quan chức năng đã cảnh báo về tác dụng phụ tiềm tàng của loại thuốc này" - Tiến sĩ Ryan nói.

Ông Trump trước đó đã nói rằng ông đang dùng Hydroxychloroquine để ngăn ngừa nhiễm COVID-19. Tổng thống Mỹ còn cho rằng việc lựa chọn có uống Hydroxychloroquine hay không sẽ do "mỗi người tự quyết định".

Nhiễm toàn cầu trong hôm qua cao kỷ lục từ đầu dịch

WHO ghi nhận số người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu trong ngày 20-5 cao chưa từng có suốt từ đầu dịch đến giờ.

Cụ thể, trong vòng 24 giờ qua WHO ghi nhận trên toàn cầu có thêm 106.000 ca nhiễm COVID-19. Đây là con số cao nhất mà tổ chức này ghi nhận được từ đầu dịch đến nay.

Điều đáng nói là 2/3 số ca nhiễm mới này đến chỉ từ bốn quốc gia: Mỹ, Nga, Brazil và Ấn Độ, theo nội dung email mà Giám đốc kỹ thuật Chương trình ứng phó khẩn cấp của WHO - bà Maria Van Kerkhove gửi cho đài CNN.

WHO cũng bày tỏ lo ngại khi số ca nhiễm COVID-19 bắt đầu lan rộng sang các nước nghèo, theo hãng tin Reuters.

“Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài nữa mới vượt qua được đại dịch này. Chúng tôi rất quan tâm đến các trường hợp gia tăng gần đây của các nước có thu nhập trung bình và thấp" - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ).

Tính đến 8 giờ 15 sáng 21-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới đã có 5.084.932 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 329.719 ca tử vong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm