Vụ thất lạc tài liệu mật về tàu chiến Anh: London nói không phải do gián điệp

Bộ Quốc phòng Anh kết luận vụ thất lạc tài liệu mật về hoạt động trên Biển Đen của tàu khu trục HMS Defender không có dấu hiệu do gián điệp nước ngoài thực hiện, hãng tin Sputnik cho hay.

Chỉ một ngày trước vụ căng thẳng liên quan tới tàu khu trục HMS Defender của Hải quân Hoàng gia Anh trong vùng biển gần bản đảo Crimea, tập tài liệu gần 50 trang liên quan tới hoạt động quân sự này đã được tìm thấy “trong một vũng nước phía sau một trạm xe buýt” ở đông nam nước Anh. Thông tin về vụ thất lạc tài liệu mật được công bố hôm 27-6.

Ngày 19-7, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thông báo với các nhà lập pháp nước này rằng “cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng nào về hoạt động gián điệp”, đồng thời khẳng định không có “đối thủ” nào của London xâm phạm tài liệu bị thất lạc.

Ông Wallace cho biết Bộ Quốc phòng Anh đã xác định rằng các giấy tờ đã bị “thất lạc” do lỗi của một cá nhân (không nêu danh tính cụ thể) và cá nhân này đã bị đình chỉ quyền tiếp cận các tài liệu an ninh trong khi chờ xem xét đầy đủ.

Tàu khu trục HMS Defender của Hải quân Hoàng gia Anh. Ảnh: NAVAL POST

Lời khai của nghi phạm trùng khớp với thông tin do Bộ Quốc phòng Anh độc lập xác minh liên quan tới địa điểm thất lạc và cách thức quản lý tài liệu liên quan tới tập hồ sơ trên. Do đó, giới chức an ninh tại London kết luận rằng không có dấu hiệu gián điệp.

Ông Wallace cũng tự tin khẳng định rằng Bộ Quốc phòng đã “thu hồi tất cả tài liệu được đóng dấu MẬT” liên quan. Vì “lý do bảo mật”, Bộ Quốc phòng Anh sẽ không có thêm bất kỳ bình luận nào liên quan tới bản chất của vụ thất lạc hay danh tính của cá nhân sai phạm.

Ngày 23-6, Nga thông báo đã bắn cảnh báo và ném bom ngăn chặn tàu HMS Defender do tàu này xâm phạm lãnh hải Crimea - vùng lãnh thổ đã được Nga sáp nhập và giữ quyền điều hành trên thực tế từ năm 2014. London bác bỏ chuyện tàu chiến Anh xâm phạm lãnh hải Nga hay bị trúng đạn của quân đội Nga.

Kế hoạch này được cho là do đích thân ông Wallace vạch ra và đã nhận được cái gật đầu từ Thủ tướng Anh Boris Johnson. Nga còn nghi ngờ có sự đồng thuận giữa Anh và Mỹ trong hành động phiêu lưu này.

Vụ việc xảy ra ngay trước khi cuộc tập trận Sea Breeze (tạm dịch là “Gió biển”) năm 2021 được tổ chức ngay tại Biển Đen. Đây là hoạt động thường niên của Ukraine, Mỹ và các đồng minh nhưng bị Nga cáo buộc là “gây hấn” và không phù hợp với thực tế an ninh ở khu vực.

Biển Đen là cửa ngõ ở phía tây nam nước Nga nhưng có vị trí chiến lược đối với cả Nga, Ukraine và Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Căng thẳng trong vùng biển này càng làm trầm trọng thêm quan hệ Nga-Ukraine và Nga-phương Tây.

Đại sứ Nga tại London, ông Andrei Kelin mô tả vụ việc liên quan tới tàu HMS Defender như “cơn ác mộng”, đẩy quan hệ Nga-Anh về “điểm 0”, đồng thời kêu gọi hàn gắn quan hệ ngay lập tức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm