Vụ nguồn gốc COVID-19: WHO điều tra đến đâu?

Nhóm chuyên gia tiền trạm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều tra về nguồn gốc COVID-19 đã có mặt tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) vào cuối tuần qua, theo báo South China Morning Post.

Tuy nhiên, thông tin về lịch trình làm việc cũng như bước đầu về quá trình điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19 thì vẫn còn hạn chế công khai.

Quá ít thông tin về chuyến làm việc của WHO

Theo WHO, nhóm này gồm một chuyên gia về sức khỏe động vật và một nhà dịch tễ học, và đã bắt đầu làm việc từ ngày 11-7. Thế nhưng đến nay thông tin về tên tuổi, lịch trình chuyến đi và chương trình làm việc của họ vẫn chưa được công bố.

Ngoài ra, South China Morning Post nói rằng cuối tuần qua chính quyền Trung Quốc và truyền thông nước này cũng không cung cấp thông tin gì về chuyến làm việc của các chuyên gia WHO. Thậm chí, không có bất kỳ cơ quan chuyên môn nào, chẳng hạn như Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, xác nhận họ đã hoặc sẽ trao đổi với các chuyên gia này.

Biểu tượng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ảnh: ISTOCK

Theo hãng tin AP, nhiệm vụ của hai chuyên gia từ WHO là hợp tác với các quan chức y tế và nhà khoa học Trung Quốc để lập một lực lượng đặc nhiệm quốc tế lớn hơn với nhiệm vụ điều tra nguồn gốc động vật của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, ngày ra mắt lực lượng này lại không được công bố.

Việc thành lập đội đặc nhiệm này được xem là tạo ra sự minh bạch và mang tính hợp tác hơn trong việc xác định nguồn gốc COVID-19, vốn khởi phát từ TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) vào cuối năm ngoái.

“Khi chúng tôi nói rằng một nhóm chuyên gia chuẩn bị đến Bắc Kinh điều tra nguồn gốc COVID-19, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc đã không nghiên cứu vấn đề này. Hơn nữa, điều đó cũng không có nghĩa là chúng tôi sẽ bắt đầu lại từ đầu” - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hôm 7-7.

Điều tra của Trung Quốc: Còn nhiều vấn đề

Một số nhà khoa học nhận định Trung Quốc đã không nghiên cứu đủ mạnh để có thể có kết luận về nguồn gốc đại dịch.

Chẳng hạn, chuyên gia về dịch bệnh truyền nhiễm Daniel Lucey tại Đại học Georgetown (Mỹ) nói rằng có một lỗ hổng lớn trong thông tin về nguồn gốc virus được tìm thấy ở chợ đầu mối tại Vũ Hán.

“Họ không nói những con vật nào được lấy mẫu và tiến hành xét nghiệm theo phương pháp nào. Ngoài ra, việc lấy mẫu từ cổ họng, da, mũi hay máu của động vật thậm chí còn không được nhắc đến, củng như tại sao không nhắc đến thông tin này” – chuyên gia Lucey nói.

Dữ liệu về các trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên cũng là một yếu tố quan trọng khác.

“Đó là một 'mỏ vàng'. Bởi vì những dữ liệu này giúp thiết lập mối liên hệ giữa người và động vật khi bệnh nhân số 0 vẫn chưa được biết đến” – ông Lucey nói.

Liệu nguồn gốc sẽ được sáng tỏ?

Tuy nhiên cũng có nhiều nhà khoa học hy vọng việc chuyên gia WHO đến Trung Quốc lần này sẽ mang đến nhiều tín hiệu rõ ràng hơn về nguồn gốc đại dịch.

Theo ông Dirk Pfeiffer - nhà dịch tễ học thú y, giáo sư tại Đại học TP Hong Kong - nếu có vấn đề trong việc thu thập thông tin thì việc điều tra lần này sẽ mang tính khoa học và làm sáng tỏ nhiều hơn.

“Tôi sẽ mong đợi một báo cáo được công bố. Với mỗi lần bùng phát, một báo cáo cho chúng ta biết chính xác những gì đã xảy ra, những gì đã sai và những gì được kết luận một cách minh bạch” – ông Pleiffer nói.

Ông Pleiffer còn cho biết rằng cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa các nhà khoa học Trung Quốc và quốc tế sẽ giúp hiểu rõ về nghiên cứu trước đây và hiện tại của nước này hơn là những gì đã được công bố trên các tạp chí quốc tế.

Khu vực đầu mối - nơi có liên hệ với các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST 

Nhà nghiên cứu virus Jeremy Rossman - giảng viên cao cấp của Đại học Britain (Anh) cho biết: “Mọi người hy vọng rằng Trung Quốc sẽ hợp tác với WHO, tạo điều kiện cho việc công bố dữ liệu, xác định ổ chứa virus và cung cấp bằng chứng cho sự xuất hiện tự nhiên của nó”.

Ông Rossman nhấn mạnh nếu không có sự minh bạch dữ liệu thì sẽ rất khó dập tắt các nghi ngờ về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

Trước đó, hôm 7-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định Bắc Kinh và WHO đã liên lạc và hợp tác chặt chẽ để truy tìm nguồn gốc kể từ khi COVID-19 bùng phát. Ông Triệu cho biết các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã thảo luận vấn đề này với các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới, theo South China Morning Post.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm