Vụ Belarus buộc máy bay hạ cánh để bắt người: EU đã hành động

Các lãnh đạo châu Âu nhất trí sẽ áp đặt bổ sung các biện pháp trừng phạt Belarus sau chính quyền Minsk bị cáo buộc đã can thiệp để điều hướng và buộc hạ cánh khẩn cấp một chuyến bay của hãng hàng không Ryanair (Ireland), hãng tin Reuters cho hay.

Đại diện của Liên minh châu Âu (EU) cho biết trong ngày 24-5, các lãnh đạo đã nhất trí sẽ tiếp tục trừng phạt chính quyền Minsk, bao gồm các biện pháp kinh tế, kêu gọi các hãng hàng không châu Âu tránh đi vào không phận Belarus, cũng như cấm các chuyến bay từ Belarus di chuyển qua không phận hay hạ cánh trên lãnh thổ các nước thành viên.

Lệnh cấm các hoạt động hàng không liên quan tới Belarus cần được Hội đồng châu Âu phê chuẩn trước khi có hiệu lực. 

Lực lượng an ninh Belarus kiểm tra liệu có bom trên huyến bay FR4978 (hãng Ryanair) hay không sau khi máy bay hạ cánh khẩn cấp ở Minsk. Ảnh: AFP

Các lãnh đạo 27 nước thành viên cũng kêu gọi giới chức Minsk ngay lập tức thả ông Roman Protasevich - người bị Belarus bắt giữ sau khi chuyến bay FR4978 của hãng Ryanair buộc phải hạ cánh ở sân bay quốc tế Minsk.

EU cũng kêu gọi Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) điều tra vụ việc liên quan tới chuyến bay FR4978 trên.

Các lãnh đạo EU bày tỏ sự đoàn kết trước quyết định của Latvia khi trục xuất toàn bộ nhân viên ngoại giao Belarus, kể cả Đại biện lâm thời Natalya Sadovskaya, khỏi đại sứ quán Belarus tại Riga. Latvia còn triệu hồi Đại sứ tại Belarus, ông Einars Semanis về nước.

Trước đó, Belarus đã trục xuất toàn bộ nhân viên Đại sứ quán Latvia tại Minsk sau khi quốc kỳ Belarus tại một sự kiện thể thao ở Latvia bị Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevic và Thị trưởng Riga Martins Stakis thay thế bằng một là cờ trái với hiến pháp Belarus.

Hôm 24-5, quốc kỳ Belarus bị thay bằng lá cờ chính quyền Minsk đã loại bỏ từ năm 1995 (nhưng xuất hiện phổ biển trở lại trong các cuộc biểu tình chống chính quyền từ giữa năm ngoái) khi đoàn vận động viên khúc gôn cầu trên băng của Belarus đang tham gia giải đấu quốc tế ở Latvia. Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei nói rằng đây là hành vi gây hấn, yêu cầu Latvia xin lỗi và điều tra vụ việc, cũng như treo lại quốc kỳ Belarus.

Trước đó, Latvia đã thông báo không cho máy bay nước này bay qua không phận Belarus để phản đối việc chính quyền Minsk can thiệp hành trình của chuyến bay FR4978 hôm 23-5.

Các căng thẳng mới nhất giữa Belarus và phương Tây nổi lên sau khi chuyến bay của hãng Ryanair trên hành trình từ TP Athens (Hy Lạp) tới TP Vilnius (Lithuania) phải chuyển hướng và hạ cánh khẩn cấp ở Minsk. Lý do Belarus đưa ra là có đe dọa đánh bom máy bay, song lời cảnh báo này sau đó được xác nhận là sai sự thật và cơ quan điều tra cấp cao nhất của nước này đang điều tra vụ việc.

Sau khi máy bay hạ cánh, giới chức Minsk đã bắt giữ ông Protasevich - người bị Belarus liệt vào danh sách các phần tử liên quan tới khủng bố. Trước đó, ông Protasevich đã bị truy tố tại Belarus và sống lưu vong ở nước ngoài.

Các lãnh đạo châu Âu mô tả đây là hành động đe dọa ngành hàng không dân dụng quốc tế khi cáo buộc chính quyền Minsk có hành động "khủng bố nhà nước" và "bắt cóc máy bay".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã "kịch liệt lên án hành vi trơ trẽn và gây sốc" của giới lãnh đạo Belarus. Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng gọi đây là "hành động gây gốc" và cáo buộc việc bắt giữ ông Protasevich là "bắt bớ tùy tiện".

Trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 24-5, đã có PV so sánh việc Belarus buộc máy bay Ryanair hạ cánh để bắt ông Protasevich với một việc chuyên cơ của ông Evo Morales (khi đó là Tổng thống Bolivia) buộc phải hạ cảnh ở Áo hồi năm 2013.

Thời điểm đó, một loạt quốc gia Tây Âu đã không cho phép chuyên cơ của ông Morales bay qua không phận vì nghi ngờ cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden - người bị Washington truy tố vì tiết lộ thông tin mật và nằm trong danh sách cần được dẫn độ về Mỹ - cũng có mặt trên máy bay. Sau khi chuyên cơ buộc phải hạ cánh ở Áo, thông tin về sự xuất hiện của ông Snowden trên chuyến bay được xác nhận là sai sự thật.

Bà Psaki đã từ chối bình luận về cách so sánh này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm